Đây là Dự án được thực hiện bởi IUCN và Khu bảo tồn đất ngập nước Láng Sen với nguồn tài trợ của Công ty cổ phần tập đoàn PAN (Tập đoàn PAN) và Công ty Cổ phần chăn nuôi C.P. Việt Nam (C.P. Việt Nam) từ năm 2022 - 2024.
Hội nghị nhằm đánh giá tác động của dự án đối với môi trường và khu bảo tồn sau thời gian thực hiện; chia sẻ các kinh nghiệm và bài học rút ra; đánh giá tích tụ carbon; đồng thời, thảo luận tiềm năng và cách thức xin xác nhận mua bán tín chỉ carbon từ rừng trồng...
Sau hai năm thực hiện dự án, IUCN Việt Nam, Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen đã trồng và khôi phục 17 hecta rừng với số lượng 340 ngàn cây tràm, cùng các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho khoảng 500 học sinh tại các trường học trong vùng đệm. Công tác truyền thông không những giúp người dân vùng đệm, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu biết hơn về giá trị của hệ sinh thái đất ngập nước, mà còn hỗ trợ Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen vận động sự chung tay của cộng đồng vào công tác bảo tồn.
Ông Trương Thanh Sơn, Giám đốc Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen cho rằng, dự án khôi phục rừng đặc dụng ở Khu bảo tồn do tổ chức IUCN và tập đoàn PAN, C.P Việt Nam tài trợ đã góp phần phục hồi đa dạng sinh học khu bảo tồn - nơi sinh sống của các loài bò sát, thủy sản và các loài chim, góp phần giảm phát thải nhà kính.
Bà Phạm Thúy Ngọc, Phó Giám đốc Pháp chế tuân thủ và phát triển bền vững - thuộc tập đoàn PAN cho biết, Dự án có ý nghĩa trực tiếp đối với cộng đồng, giúp khu Bảo tồn Láng Sen duy trì và bảo tồn những hệ sinh thái cho chim nước và các hệ sinh vật cảnh ở đây - nó bao gồm mặt nước, cả chim và cây tạo thành hệ sinh thái, giúp bảo tồn, duy trì môi trường tốt hơn.
Ông Worawit Arunraksa, Giám đốc Phòng phát triển bền vững C.P Việt Nam, cho hay, trong quá trình hoạt động kinh doanh, Công ty luôn chú trọng đến trách nhiệm với cộng đồng, môi trường. Hướng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu 1 tỷ cây xanh đến 2025, C.P Việt Nam cũng đã thực hiện dự án C.P Viet Nam - Hành trình vì một Việt Nam xanh với mục tiêu 1,5 triệu cây xanh từ bên trong và bên ngoài, và dự án hỗ trợ khôi phục 17ha rừng tràm đất ngập nước Láng Sen là một trong những khu vực thuộc dự án của C.P Việt Nam, với mục tiêu 1,5 triệu cây xanh bao gồm rừng ngập mặn, rừng thượng nguồn và cây xanh góp phần mở rộng mảng xanh và đa dạng sinh học. Tính đến 2024, dự án đã đạt được hơn 80% kế hoạch.
Tiếp theo, Công ty sẽ phối hợp với địa phương để chăm sóc thành rừng và đạt được mục tiêu đề ra vào năm 2025.
Theo Ban Tổ chức, khôi phục diện tích rừng tràm bị suy thoái tại khu bảo tồn góp phần phục hồi hệ sinh thái vùng ngập lũ, trữ nước ngọt, hấp thụ carbon, điều hòa khí hậu. Kết quả từ dự án phục hồi rừng như IUCN và Khu bảo tồn Láng Sen đang thực hiện cần được phát triển và nhân rộng hơn để không chỉ góp phần phục hồi đa dạng sinh học mà còn nâng cao nhận thức cộng đồng về bảo tồn các vùng đất ngập nước tại Việt Nam.
Khu Bảo tồn đất ngập nước Láng Sen có diện tích 4.802 ha tại huyện Tân Hưng, tỉnh Long An. Năm 2015, Khu bảo tồn trở thành khu Ramsar thứ 7 của Việt Nam và là khu Ramsar (vùng đất ngập nước có tầm quan trọng quốc tế về đa dạng sinh học và bảo tồn) thứ 2.227 của thế giới.
Khu bảo tồn Láng Sen thuộc vùng trũng của Đồng Tháp Mười có hệ sinh thái đa dạng. Qua khảo sát, vùng Láng Sen có 156 loài thực vật hoang dã, 149 loài động vật có xương sống, trong đó, có 13 loài nằm trong Sách đỏ Việt Nam như trăn đất, rắn ráo, chim bạc má...
Ngoài động vật, nơi đây còn có thảm thực vật tự nhiên ven sông rạch phong phú. Vào mùa khô, đây còn là chỗ trú ẩn của các loài bò sát như rắn ri, rùa, cua đinh, lươn, cá lóc...
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/long-an-phuc-hoi-17-ha-rung-tai-khu-bao-ton-dat-ngap-nuoc-lang-sen-a175488.html