Trà Vinh: Thúc đẩy chuyển đổi số phát triển

Ngày 22/11, UBND tỉnh Trà Vinh tổ chức hội nghị trực tuyến tại 116 điểm cầu từ cấp tỉnh đến cấp huyện, cấp xã về công tác chuyển đổi số năm 2024 trên địa bàn, với hơn 1.200 đại biểu tham gia.

Chú thích ảnh Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn phát biểu tại hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn cho biết, công tác chuyển đổi số góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, quản lý xã hội, nâng cao chất lượng, hiệu quả phục vụ người dân, doanh nghiệp. Qua đó, cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển nhanh.

Công tác chuyển đổi số của Trà Vinh thời gian qua có nhiều chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng cho phát triển chính quyền điện tử hướng đến chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; tuy nhiên vẫn tồn tại một số hạn chế. Cụ thể như việc tổ chức khai thác các hệ thống thông tin dùng chung chưa đồng bộ, có nơi chưa thực hiện đầy đủ quy trình ký số, phát hành văn bản trên hệ thống iOffice, số hóa, ký số hồ sơ, kết quả trên iGate theo quy định… Cơ sở dữ liệu còn cục bộ, chủ yếu phục vụ quản lý ngành, lĩnh vực tại đơn vị, chưa liên thông, kết nối, chia sẻ theo quy định…

Việc ứng dụng công nghệ tại các đơn vị chưa đảm bảo an toàn thông tin theo cấp độ; còn tình trạng tự gỡ phần mềm phòng, chống mã độc đã được cài đặt trên máy tính gây nguy cơ mất an toàn thông tin trong tổ chức khai thác dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và phục vụ công tác giám sát an toàn thông tin mạng trên địa bàn tỉnh.

Đáng chú ý, kết quả đánh giá xếp hạng Bộ chỉ số chỉ đạo, điều hành và đánh giá chất lượng phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính, dịch vụ công theo thời gian thực trên môi trường điện tử theo Quyết định số 766/QÐ-TTg ngày 23/6/2022 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Trà Vinh đạt điểm rất thấp. Đến ngày 8/11/2024, tỉnh chỉ đạt 65,57/100 điểm, xếp thứ hạng 56/63 tỉnh, thành phố cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh Lê Văn Hẳn yêu cầu các đơn vị khẩn trương rà soát, tập trung các giải pháp khắc phục các hạn chế, yếu kém, nhanh chóng cải thiện các chỉ số thấp điểm. Đồng thời, các sở, ban, ngành tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố đẩy mạnh hoạt động truyền thông về công tác chuyển đổi số bằng nhiều hình thức nhằm tạo sự đồng thuận của toàn xã hội. Các đơn vị chú trọng công tác nâng cao năng lực, trình độ công nghệ thông tin; quan tâm bồi dưỡng, tập huấn chuyên sâu, nâng cao chuyên môn, đảm đương nhiệm vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác chuyển đổi số.

Chú thích ảnh Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu UBND tỉnh Trà Vinh.

Ông Trần Hòa Bình, Phó phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Công an tỉnh Trà Vinh cho biết, thực hiện mô hình điểm theo Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) của Chính phủ, địa phương đã thực hiện và duy trì thường xuyên 26 mô hình.

Tuy nhiên, quá trình triển khai các mô hình điểm của Đề án còn gặp nhiều khó khăn, bất cập như: Thói quen người dân chưa thay đổi, khả năng tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, phần lớn do cán bộ, công chức hỗ trợ. Cùng với đó là một số quy định pháp lý chưa phù hợp, cần có thời gian điều chỉnh; trình độ cán bộ, công chức không đồng đều nên chưa thể triển khai đồng bộ, hiệu quả; một số mô hình sau thời gian thử nghiệm phát sinh thu phí dịch vụ dẫn đến tâm lý người dân e ngại, sợ tốn kém…

Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh Cao Quốc Dũng cho rằng, hiện nay, việc chuyển đổi số trong ngành du lịch, xây dựng hệ sinh thái du lịch thông minh là xu thế tất yếu nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường, nâng cao năng lực quản lý nhà nước cho ngành chức năng, giúp doanh nghiệp du lịch tăng cường kết nối, hoạt động hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành du lịch địa phương. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số, áp dụng công nghệ số cho lĩnh vực du lịch của Trà Vinh còn chậm do kinh phí hạn chế.

Báo cáo tại hội nghị, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Trà Vinh Nguyễn Văn Chuẩn cho biết, hiện nay, hạ tầng viễn thông của tỉnh đảm bảo hoạt động ổn định, thông suốt, 100% xã, phường, thị trấn được phủ băng rộng cáp quang và sóng thông tin di động, không còn vùng lõm sóng.

Toàn tỉnh có 1.236 trạm thu phát sóng thông tin di động; trên 95% người dân sử dụng internet, 81,8% dân số có điện thoại thông minh, 75% hộ gia đình có đường internet cáp quang băng rộng. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành - iOffice đã được áp dụng tại 577 cơ quan từ cấp tỉnh đến huyện, xã, với 9.253 người dùng; đã tích hợp giải pháp kí số, liên thông gửi nhận văn bản điện tử thông suốt từ Trung ương đến địa phương.

Hệ thống ISO điện tử cũng được triển khai đến 19 cơ quan thuộc UBND tỉnh, 9 UBND các huyện, thị xã, thành phố và 106 UBND xã, phường, thị trấn; 100% UBND cấp huyện và cấp xã đã triển khai Tổ Công nghệ số cộng đồng. Đặc biệt, tỉnh Trà Vinh đang đẩy mạnh chuyển đổi số 7 lĩnh vực ưu tiên gồm: y tế, giáo dục, tài chính - ngân hàng, nông nghiệp, giao thông vận tải - logistics, thương mại - công nghiệp và năng lượng, tài nguyên và môi trường.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tra-vinh-thuc-day-chuyen-doi-so-phat-trien-a175477.html