Để những giá trị văn hóa tạo nên sức sống bền vững và lan tỏa

(Chinhphu.vn) - Văn hóa được sáng tạo từ con người và vì con người. Để phát huy được vai trò của văn hóa trong phát triển xã hội, để chính sách văn hóa thấm sâu, thấm đẫm, được cộng đồng đón nhận, thực hành và phát triển... đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có một vị trí rất quan trọng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Và việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc đóng vai trò quan trọng trong công cuộc hội nhập và phát triển như hiện nay

Để những giá trị văn hóa tạo nên sức sống bền vững và lan tỏa- Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà. Ảnh: VGP

Nhân dịp kỷ niệm Ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11), Báo Điện tử Chính phủ đã có buổi phỏng vấn PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà – Học viện Khoa học Xã hội Việt Nam về công tác bản tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số.

Thưa bà, việc bảo tồn văn hóa dân tộc, trong đó có văn hóa các dân tộc thiểu số có ý nghĩa như thế nào trong công cuộc hội nhập và phát triển như hiện nay?

PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà: Văn hóa có một vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng đối với sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc. Theo UNESCO: "Văn hóa đóng vai trò then chốt trong tất cả các xã hội trên thế giới, ảnh hưởng đến các khía cạnh khác nhau của đời sống con người; Vai trò của văn hóa trong phát triển đã nổi lên như một vấn đề chính sách quan trọng, tuy nhiên việc bảo tồn và tôn vinh đặc trưng của mỗi nền văn hóa riêng biệt là một thách thức mà tất cả các nước trên thế giới phải vượt qua"..., và Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Việt Nam là một quốc gia đa tộc người, với 53 dân tộc thiểu số, mỗi dân tộc lại có những phong tục, tập quán, lối sống và bản sắc riêng...qua đó góp phần tạo nên một nền văn hóa Việt Nam vừa thống nhất vừa đa dạng.

Văn hóa Việt Nam do cộng đồng các dân tộc sáng tạo ra trong quá trình từ hàng nghìn năm lịch sử, trong quá trình dựng nước và giữ nước, là quá trình giao lưu, tiếp thu của nhiều nên văn minh trên thế giới và những giá trị văn hóa đó tạo nên sức sống bền vững và lan tỏa, làm nên sự trường tồn, phát triển của dân tộc.

Tuy nhiên, dưới sự tác động của đời sống kinh tế, xã hội nhất là trong giai đoạn hội nhập quốc tế, bùng nổ thông tin, giao lưu văn hóa diễn ra nhanh và mạnh khiến văn hóa truyền thống của dân tộc, văn hóa các dân tộc thiểu số, trong đó nhiều giá trị văn hóa được xem là đặc trưng, là bản sắc độc đáo có nguy cơ bị mai một, đặt ra nhiều thách thức do chưa giải quyết thật tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Đảng ta đã khẳng định: Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Văn hóa được xác định là nguồn lực quan trọng để xây dựng kinh tế, xóa đói giảm nghèo, phát triển xã hội một cách bền vững, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tại Hội nghị Văn hóa Toàn quốc năm 2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhấn mạnh: Văn hóa còn thì dân tộc còn; Văn hóa mất thì dân tộc mất.......Vì thế, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc luôn là một nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài được Đảng và Nhà nước ta đặt ra trong mọi thời kì và hiện là một trong những mục tiêu được Đảng, Nhà nước xác định ưu tiên, là vấn đề chiến lược cơ bản, lâu dài, cấp bách, là nhiệm vụ trọng tâm.

Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc gắn với phát triển du lịch luôn được các cấp, các ngành quan tâm, phối hợp triển khai thực hiện ngày một thành công. Để công tác này phát huy hiệu quả hơn nữa, chúng ta cần làm gì, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà: Chính sách có liên quan đến bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch đã được thể hiện rõ trong nhiều Nghị quyết, Quyết định. Việt Nam là một quốc gia có nhiều tài nguyên để phát triển du lịch, trong đó có nguồn tài nguyên văn hóa và các di dản văn hóa trở thành giá trị cốt lõi để phát triển du lịch đặc trưng của từng vùng, từng địa phương, việc bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa góp phần làm gia tăng, làm giàu thêm nguồn tài nguyên du lịch, là nguồn lực để phát triển du lịch trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn.

Thông qua hoạt động du lịch để vừa nhằm quảng bá văn hóa tộc người, văn hóa địa phương, vừa tạo sinh kế, tăng thêm thu nhập cho cộng đồng dân cư và phát triển kinh tế cho địa phương, giúp quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới. Chẳng hạn như Khu phố cổ Hội An được coi là trường hợp điển hình về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa gắn liền với phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội, Hội An đã đẩy mạnh bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa thế giới, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển du lịch – dịch vụ và thương mại trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Hay như Hà Giang thời gian gần đây đã nổi lên là một điểm đến du lịch hấp dẫn đối với du khách trong nước và du khách quốc tế bởi đã phát huy được giá trị của các tài nguyên văn du lịch, các di sản văn hóa với một số mô hình du lịch văn hóa tiêu biểu như Lễ hội hoa Tam giác mạch, du lịch cộng đồng người Dao ở bản Nậm Đăm (xã Quản Bạ, huyện Quản Bạ), du lịch cộng đồng người Lô Lô ở làng Lô Lô Chải, du lịch cộng đồng người Thái ở Bản Mển (xã Thanh Nưa, huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) và Bản Áng (xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La); du lịch cộng đồng người Hà Nhì ở xã Y Tí (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai); du lịch cộng đồng người Mường ở Bản Lác (xã Chiềng Châu, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình); du lịch cộng đồng người Mông ở bản Cát Cát (xã San Sả Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai.....

Tính đến năm 2020, các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc, vùng Tây Nguyên đã có hơn 170 điểm du lịch cộng đồng, thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Việc xây dựng các điểm, tuyến du lịch có sự liên kết giữa các địa phương, các vùng xuất hiện ngày càng nhiều, trong đó phải kể đến tuyến du lịch "Qua những miền di sản Việt Bắc"; "Con đường di sản miền Trung", "Con đường xanh Tây Nguyên"; "Không gian cồng chiêng Tây Nguyên"; "Du lịch cội nguồn", "Cội nguồn Tây Bắc", "Sắc màu vùng cao"; "Du lịch vòng cung Tây Bắc"... Phát huy các di sản văn hóa dân tộc thiểu số nhằm phát triển du lịch, bảo tồn các giá trị văn hóa, tạo sinh kế cho người dân... những năm gần đây tạo ra nhiều sự chuyển biến tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi nước ta.

Từ những mô hình bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch, để văn hóa thành sức mạnh mềm, trở thành nguồn lực cho phát triển, trong bối cảnh hiện nay chúng ta cần tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc, cần có một cơ chế, chính sách, nguồn lực phù hợp nhằm đáp ứng cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa trong bối cảnh và xu hướng phát triển hiện nay.

Tiếp đó, cần nhận diện và xử lí hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn với phát huy, giữa bảo tồn và phát triển, giữa bảo tồn di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội. Bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa, giá trị của di sản thông qua các hoạt động phát triển du lịch bền vững, du lịch có trách nhiệm, phải đặt lợi ích của di sản, văn hóa di sản, bảo vệ di sản trước lợi ích kinh tế. Phát triển kinh tế, phát triển du lịch thông qua di sản văn hóa nhưng không được quá tải so với sức chứa của di sản, làm tổn hại di sản, xung đột với di sản văn hóa, văn hóa tinh thần của cộng đồng.... Thông qua di sản văn hóa để giáo dục truyền thống dân tộc, giá trị văn hóa

Bên cạnh đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa nhất thiết phải đặt trong môi trường sinh hoạt văn hóa của cộng đồng. Xây dựng đồng bộ và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa cộng đồng, phát huy vai trò của cộng đồng trong bảo tồn và phát triển bền vững văn hóa tại cộng đồng.

Rà soát, chỉnh sửa và nâng cao hiệu lực của hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa, chú ý đến tính đặc thù, tính khác biệt của hoạt động bảo tồn, phát huy di sản văn hóa. Trong quá trình bảo tồn, khai thác, phát huy các giá trị văn hóa, để văn hóa phục vụ cho phát triển cần chú ý đặt chúng trong tổng thể các dự án quy hoạch, phải đặt lợi ích quốc gia, lợi ích chung, lâu dài, vì cộng đồng lên trước lợi ích cá nhân, lợi ích ngắn hạn.

Đồng thời, khai thác hiệu quả, đúng, có trọng tâm các nguồn lực di sản văn hóa để tạo ra các sản phẩm du lịch, xây dựng các điểm, tuyến du lịch mang đặc trưng, bản sắc của từng vùng, địa phương… trong đó chú ý đến liên kết vùng, liên kết các điểm đến, liên kết trong bảo tồn, phát huy các di sản…để từ đó tạo ra hiệu quả kinh tế.

Kết nối vai trò của các chủ thể, sự tham gia của nhiều bên liên quan trong hoạt động bảo tồn, khai thác và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là trong phát triển kinh tế xã hội, trong đó có vai trò của Nhà nước, của chính quyền địa phương, cộng đồng và các tổ chức, doanh nghiệp, đồng thời tăng cường công tác quản lí Nhà nước đối với việc bảo tồn, khai thác, phát huy các di sản văn hóa trong phát triển.

Mặt khác cần tăng cường sử dụng khoa học công nghệ trong hoạt động bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa trong bối cảnh hiện nay, trong đó cần đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.

Cuối cùng là xây dựng mô hình bảo tàng văn hóa tư nhân cùng đồng hành với bảo tàng văn hóa các dân tộc dưới sự điều hành, quản lí của các cơ quan Nhà nước.

Để những giá trị văn hóa tạo nên sức sống bền vững và lan tỏa- Ảnh 2.

Chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa nói chung, trong đó có văn hóa của đồng bào các dân tộc thiểu số đóng vai trò quan trọng trong công tác quản lý văn hóa, xây dựng và phát huy hiệu quả các mô hình trong thực tiễn. Chúng ta cần đầu tư cho đội ngũ này như thế nào, thưa bà?

PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà: Văn hóa được sáng tạo từ con người và vì con người. Để phát huy được vai trò của văn hóa trong phát triển xã hội, để chính sách văn hóa thấm sâu, thấm đẫm, được cộng đồng đón nhận, thực hành và phát triển... đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa có một vị trí rất quan trọng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Thời gian qua, Đảng và Nhà nước ta cũng có nhiều chủ trương, chính sách nhằm xây dựng, phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, đặc biệt là đội ngũ cán bộ cấp cơ sở... và đội ngũ này đã có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động văn hóa. Tuy nhiên, trên thực tế, tổ chức, bộ máy nhân sự làm công tác văn hóa còn nhiều hạn chế, bất cập, đội ngũ cán bộ văn hóa, nhất là văn hóa ở cơ sở còn thiếu số lượng, nhất là đội ngũ cán bộ trẻ có năng lực, năng lực, trình độ, chuyên môn, chưa đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ. Hiệu lực, hiệu quả quản lí Nhà nước về bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc thiểu số chưa cao.

Trong thời gian tới để đôi ngũ cán bộ văn hóa phát huy có hiệu quả, cần thiết phải tăng cường nguồn nhân lực, đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa, trong đó phát triển đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số, đảm bảo cả về số lượng và chất lượng; Thực hiện tốt chính sách ưu đãi, ưu tiên trong đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng, bố trí công việc phù hợp với năng lực, sở trường, đúng chuyên môn; Xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, nhân văn, khoa học, bố trí đúng người, đúng việc, thực hiện tốt chính sách tiền lương, tôn vinh, đãi ngộ xứng đáng đội ngũ cán bộ nói chung, cán bộ văn hóa vùng dân tộc thiểu số, là người dân tộc thiểu số; Tăng cường công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị, cập nhật các kiến thức văn hóa, xã hội... đối với người làm công tác văn hóa; Xây dựng cơ chế, chính sách, đảm bảo quyền và lợi ích cho cộng đồng, người dân, nhất là người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, nghệ nhân để huy động, phát huy hiệu quả đội ngũ này trong phối hợp với chính quyền trong tuyên truyền, vận động, thực hiện chính sách, quản lí tốt đời sông văn hóa cộng đồng; Không ngừng quan tâm, đầu tư phát triển sự nghiệp giáo dục, đào tạo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, chú ý đến đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa kế cận.

Theo bà Công nghiệp văn hóa có vai trò như thế nào đối với bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc?

PGS.TS Nguyễn Thị Song Hà: Bài học trên thế giới cũng như ở Việt Nam thời gian qua cho thấy, Công nghiệp văn hóa đang trở thành tâm điểm của nền kinh tế. Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã khẳng định công nghiệp văn hóa là một bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhằm thu hút tối đa nguồn lực từ các doanh nghiệp và xã hội để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.

Ngành công nghiệp văn hóa đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế-xã hội chung của đất nước. Và phát triển công nghiệp văn hóa là nhiệm vụ của các cấp, các ngành và các địa phương. Phát triển công nghiệp văn hóa phải gắn liền với việc quảng bá, lan tỏa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, góp phần bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình giao lưu, hội nhập quốc tế, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững đất nước. Phát triển văn hóa phải gắn liền với phát triển du lịch...

Do vậy, phát triển công nghiệp văn hóa trên cơ sở nghiên cứu đúng giá trị, đặc trưng văn hóa dân tộc sẽ có vai trò tích cực trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa dân tộc đồng thời phát huy các giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội, đưa văn hóa Việt Nam vươn ra thị trường văn hóa thế giới song vẫn không làm phai nhạt và đánh mất đi những bản sắc riêng của mình.

Diệp Anh

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Sử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sởSử dụng có hiệu quả các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Phát triển công nghiệp văn hóa cần sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệpPhát triển công nghiệp văn hóa cần sáng tạo, bản sắc, độc đáo, chuyên nghiệp
Tham khảo thêm
Cần gìn giữ, trao truyền thúc đẩy niềm yêu thích, đam mê văn hóa ViệtCần gìn giữ, trao truyền thúc đẩy niềm yêu thích, đam mê văn hóa Việt

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/de-nhung-gia-tri-van-hoa-tao-nen-suc-song-ben-vung-va-lan-toa-a175468.html