Sáng 22/11, tại Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Hội nghị báo chí chất lượng cao trong bối cảnh chuyển đổi số đáp ứng yêu cầu mới của Điều lệ Giải báo chí quốc gia và truyên truyền nhiệm vụ phát triển bền vững khu vực phía Bắc.
Bổ sung Giải Sản phẩm báo chí đa phương tiện, Dự án báo chí truyền thông sáng tạo
Phát biểu khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam Nguyễn Đức thông tin, Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã nêu rõ nhiệm vụ chính trị của báo chí: "Xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại". Trong đó, tính chuyên nghiệp và hiện đại theo yêu cầu của Đảng có nghĩa là báo chí cách mạng của Việt Nam cũng phải phấn đấu, bắt kịp với các xu hướng phát triển chung của thế giới, một trong số đó chính là cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công cuộc chuyển đổi số.
Tổng Bí thư Tô Lâm gần đây đã có bài viết quan trọng, mang tầm chiến lược: "Chuyển đổi số - Động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới".
Các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia được nêu rõ trong nhiều Nghị quyết và văn kiện Đại hội Đảng.
Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Chiến lược "Chuyển đổi số báo chí đến năm 2025, định hướng đến năm 2030" với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn, hiện đại; làm tốt sứ mệnh thông tin tuyên truyền phục vụ sự nghiệp cách mạng của Đảng, sự nghiệp đổi mới của đất nước; đảm bảo vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, giữ vững chủ quyền thông tin trên không gian mạng; đổi mới hiệu quả trải nghiệm của độc giả; tạo nguồn thu mới; thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp nội dung số.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Nguyễn Đức Lợi cũng cho biết, thực tiễn cho thấy công nghệ số ảnh hưởng đầu tiên, mạnh mẽ và sâu rộng tới lĩnh vực báo chí, truyền thông. Việc sử dụng công nghệ số để làm báo đã trở thành vấn đề sống còn của báo chí.
Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia Lê Quốc Minh đã ký Quyết định số 50/QĐ-HĐGBCQG ngày 21/6/2024 về việc Ban hành Điều lệ Giải Báo chí quốc gia (sửa đổi).
Từ năm 2024, Điều lệ Giải đã có nhiều điểm mới, đặc biệt là 2 nhóm giải mới là Giải báo chí đa phương tiện và Giải báo chí sáng tạo. Sản phẩm báo chí đa phương tiện gồm những tác phẩm, sản phẩm báo chí sử dụng dữ liệu đa phương tiện và áp dụng quy trình sản xuất, kỹ thuật, công nghệ truyền thông số trong quá trình sáng tạo nội dung và tổ chức sản xuất, có định dạng độc lập như: Infographic, Video clips, Podcast, gói tin tức đa phương tiện, sản phẩm báo chí dữ liệu, báo chí tương tác…
Việc bổ sung nêu trên đã thể hiện chủ động bám sát quan điểm, chủ trương mới của Đảng, Nhà nước, phù hợp với thực tiễn, xu thế phát triển chung của báo chí truyền thông.
Báo chí cùng chuyển đổi số
Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu, PGS. TS Nguyễn Thành Lợi, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị cho biết, tháng 11/2023, Báo Kinh tế và Đô thị chính thức nâng cấp hệ thống quản trị nội dung để tiến thẳng lên hiện đại. Đến tháng 11/2024, chỉ một hệ thống CMS, Báo Kinh tế và Đô thị đã xuất bản cả báo in, báo điện tử và các chuyên trang điện tử với hệ sinh thái 9 sản phẩm báo chí.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế và Đô thị chia sẻ, để thay đổi tư duy từ lãnh đạo đến nhân viên, Báo thường xuyên tổ chức các lớp đào tạo, hướng dẫn các phóng viên, biên tập viên, thư ký tòa soạn làm báo chí hiện đại. Sau mỗi khóa đào tạo, tiến hành đánh giá, tổ chức cuộc thi. Xây dựng nền tảng số mạnh mẽ qua phát triển website, ứng dụng di động, mạng xã hội để tăng cường khả năng tiếp cận và tương tác với độc giả; ứng dụng AI để tự động hóa một số công việc, phân tích dữ liệu, tạo ra nội dung sáng tạo.
Tổng Biên tạp Báo Kinh tế và Đô thị cũng cho biết đơn vị đã tập trung vào phát triển bạn đọc, nâng cao thương hiệu, tập trung quảng cáo số; sử dụng đa phương tiện: Kết hợp văn bản, hình ảnh, video, infographic, podcast để tăng tính hấp dẫn và tương tác.
Để tăng hiệu lực, hiệu quả báo chí với sự phát triển Thủ đô, Báo Kinh tế và Đô thị tập trung vào các chủ đề chuyên sâu như: Văn hóa, giáo dục, môi trường, khởi nghiệp… để đáp ứng nhu cầu đa dạng của bạn đọc. Bên cạnh đó, tăng cường các bài viết điều tra, phân tích để đưa ra những góc nhìn sâu sắc về các vấn đề xã hội, kinh tế, chính trị của thành phố. Tổ chức các cuộc thi, sự kiện nhằm tạo ra các sân chơi để độc giả tham gia, chia sẻ ý kiến, góp phần xây dựng cộng đồng.
Về phía Đài truyền hình Việt Nam, TS. Tạ Bích Loan, Ủy viên BCH Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng ban VTV3 cho biết, VTV đổi mới sáng tạo để tăng hiệu quả tác động xã hội của báo chí.
Trưởng ban VTV3 Tạ Bích Loan chia sẻ về tầm quan trọng của kể chuyện trong các chương trình truyền hình như: Dùng các công nghệ tạo hình để biến Hoàng Thành Thăng Long thành một bức tranh lịch sử tổng hợp Chương trình Chính luận - Nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô; từ câu chuyện của một học sinh đến câu chuyện của cả một vùng trong chương trình Đường lên đỉnh Olympia…
VTV đã sử dụng các kênh truyền tải khác nhau để mở rộng độ tiếp cận với khán giả, lan tỏa các thông điệp trên diện rộng. Ví dụ như Tuần phim Tài liệu về Hà Nội trên VTVgo: Khắc họa sống động, toàn diện thủ đô trong 70 năm để những bộ phim cũ và mới đặc sắc về Hà Nội được tập hợp trên một kênh mới.
Đây là một mô hình phân phối nội dung mới, khác biệt so với cách thức trước đây của VTV. VTV thực hiện việc khai thác và làm sống dậy kho tài nguyên sẵn có trong hệ thống lưu trữ của VTV và của Hãng Phim Tài liệu và Khoa học Trung ương, tạo một sức sống mới, được chiếu rộng rãi trên nền tảng số và chiếu trực tiếp cho khán giả. Đó là một góc nhìn đa chiều về Hà Nội, về văn hoá, con người suốt chiều dài lịch sử.
Hoặc trong Chương trình "Điểm tựa Việt Nam" – Thực hiện ngay sau khi cơn bão Yagi đi qua đã Lan tỏa thông điệp của thủ tướng trên kênh truyền thông mạng xã hội về 6 Điểm tựa Việt Nam. Chương trình đã nhận được 35 nghìn lượt like video bài phát biểu cảu Thủ tướng được trích từ chương trình "Điểm tựa Việt Nam"; 3,5 nghìn lượt chia sẻ Video bài phát biểu của Thủ tướng được trích từ chương trình "Điểm tựa Việt Nam"...
Để sáng tạo nội dung báo chí đang phương tiện, nhà báo Nguyễn Hoàng Nhật, Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus chia sẻ, việc tạo ra các sản phẩm đa phương tiện chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ khi chúng ta có nhiều công cụ AI hỗ trợ.
Phó Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus Nguyễn Hoàng Nhật chia sẻ, mỗi khi triển khai một tuyến đề tài đặc biệt, đừng suy nghĩ mình sẽ làm bao nhiêu chữ, bao nhiêu kỳ, thể loại gì (phản ánh hay phóng sự). Hãy nghĩ về những thể loại mới, kèm theo nhiều yếu tố đa phương tiện, kể chuyện bằng ảnh, video hay đồ họa, dữ liệu...
Từ đó, nâng cao trải nghiệm cho độc giả cũng chính là nâng cao giá trị cho bản thân mỗi phóng viên, biên tập viên và học kỹ năng mới chưa bao giờ là quá muộn.
Gia Huy
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/cung-chuyen-doi-so-xu-huong-tat-yeu-cua-bao-chi-chat-luong-cao-a175427.html