Đảm đương các nhiệm vụ chính trị
Đối với lĩnh vực hàng không dân dụng, sự tham gia và vai trò của các DNNN đã được thể hiện ngay từ những ngày đầu và gắn bó chặt chẽ với quá trình phát triển trong cả ba trụ cột cơ bản cấu thành hoạt động hàng không, bao gồm vận tải, cảng hàng không, sân bay và quản lý bay. Trong đó, với riêng trụ cột về vận tải hàng không, Hãng Hàng không Quốc gia Vietnam Airlines đã có hơn 30 năm trưởng thành và phát triển, đóng góp tích cực cho các mục tiêu tăng trưởng kinh tế xã hội của đất nước.
Trong 30 năm thành lập và phát triển, hãng đã vận chuyển hơn 300 triệu lượt khách, gần 4,5 triệu tấn hàng hoá, khai thác hơn 1,6 triệu chuyến bay, đạt doanh thu 1,1 triệu tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 65.300 tỷ đồng.
Quy mô hoạt động của Vietnam Airlines đạt mức cao nhất vào năm 2019, hãng vận hành hơn 100 máy bay hiện đại thế hệ mới, doanh thu đạt hơn 103.000 tỷ đồng, tăng gấp hơn 100 lần so với thời điểm thành lập doanh nghiệp năm 1993.
Thực hiện sứ mệnh Hãng hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines không chỉ được khách hàng đánh giá cao bởi sự chuyên nghiệp, chất lượng dịch vụ được đánh giá 5 sao mà còn được yêu mến nhờ nỗ lực thực hiện thành công các nhiệm vụ chính trị, xã hội, vì lợi ích của cộng đồng.
Không chỉ tiên phong tham gia nhiều chiến dịch lớn của Chính phủ trong việc vận chuyển công dân ở nước ngoài về nước khi có thiên tai, dịch bệnh, xung đột chính trị, Hãng hàng không Quốc gia còn có vai trò là lực lượng vận chuyển chiến lược đặc biệt, lực lượng dự bị phục vụ an ninh, quốc phòng của đất nước, sẵn sàng bay vận chuyển quân, trang thiết bị quân sự, góp phần giữ vững an ninh quốc phòng.
Những năm gần đây, Vietnam Airlines không ngừng hiện đại hoá đội tàu bay, tập trung khai thác đội tàu bay thân rộng hiện đại Boeing 787, Airbus A350, thay thế đội tàu bay thân hẹp thế hệ mới nhằm tiết giảm chi phí, giảm phát thải khí CO2 và nâng cấp chất lượng phục vụ hành khách. Đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, xây dựng văn hoá số, tăng cường ứng dụng công nghệ mới trên mọi mặt sản xuất kinh doanh như triển khai hệ thống phục vụ hành khách (PSS) và các ứng dụng quản trị doanh nghiệp mới…
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, Vietnam Airlines vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đặc biệt, dịch bệnh kéo dài trong 3 năm 2020-2022 đã khiến ngành hàng không toàn cầu đóng băng, nhiều hãng hàng phá sản hoặc xin bảo hộ phá sản.
Trong bối cảnh đó, Vietnam Airlines đã tái cơ cấu lại tài sản, nguồn vốn, nhân lực, triển khai các giải pháp về quản trị dòng tiền, tiết giảm tối đa chi phí, đàm phán với các đối tác, tiết kiệm được chi phí hơn 44.500 tỷ đồng.
Những giải pháp tự thân cùng với gói hỗ trợ 12.000 tỷ đồng của Quốc hội và Chính phủ đã giúp hãng cân đối được thu chi và có lãi từ năm 2024. Song những kết quả tích cực gần đây chưa thể giúp Vietnam Airlines vượt qua khó khăn và khắc phục hoàn toàn những hậu quả nặng nề do đại dịch Covid-19 để lại, các chỉ tiêu tài chính của Hãng hàng không Quốc gia chưa trở lại ngưỡng an toàn. Đây là trở ngại lớn cho quá trình phát triển của Vietnam Airlines trong thời gian tới với định hướng trở thành hãng hàng không tiên tiến, thuộc nhóm đứng đầu khu vực ASEAN.
Dẫn dắt hệ sinh thái hàng không
Nhìn vào bài học tại các quốc gia đã có sự phát triển đột phá trong dòng chảy lịch sử, dễ dàng nhận thấy mối liên hệ tương quan mật thiết giữa việc phát triển ngành hàng không với sự cất cánh của đất nước.
Singapore từ một đảo quốc nhỏ bé chưa đến 5 triệu dân, nay đã trở thành một trung tâm kinh tế, tài chính toàn cầu; hay các quốc gia Trung Đông như UAE, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, đã sớm chuyển từ nền kinh tế phụ thuộc dầu mỏ sang nền kinh tế “phi dầu mỏ” với trọng tâm vào thu hút đầu tư, du lịch…
Điểm chung của các quốc gia này là đã sớm nhận biết và dành nguồn lực phát triển ngành hàng không, xây dựng hãng hàng không quốc gia vững mạnh theo định hướng trở thành trung tâm trung chuyển toàn cầu.
Phó Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh cho rằng, để trở thành một trung tâm mới về kinh tế, du lịch tầm cỡ tại châu Á và trên thế giới, Việt Nam rất cần đầu tư trọng điểm để có một doanh nghiệp hàng không đủ lớn mạnh, với quy mô mạng bay, đội tàu bay đủ lớn để cạnh tranh với các trung tâm khác trong khu vực. Là doanh nghiệp Nhà nước, cùng với thương hiệu Hãng Hàng không Quốc gia, Vietnam Airlines chính là doanh nghiệp phù hợp để triển khai chiến lược này.
Cùng quan điểm, TS Nguyễn Đức Kiên, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Chính phủ nhận định, trong kỷ nguyên mới, ngành hàng không Việt Nam càng mở ra nhiều tiềm năng và còn rất nhiều dư địa phát triển mạnh mẽ hơn nữa để trở thành một trung tâm hàng không lớn trong khu vực.
Giải pháp cho vấn đề này là cần có “động cơ chủ lực” chắp cánh cho cả hệ sinh thái ngành hàng không. Cụ thể là đầu tư tạo ra các năng lực sản xuất mới, có định hướng chiến lược trong ngành và cơ cấu lại thị phần, phát triển thêm các thị phần mới. Với định hướng kinh tế nhà nước là lực lượng vật chất quan trọng để Nhà nước ổn định kinh tế vĩ mô, điều tiết thúc đẩy phát triển kinh tế, các giải pháp, nhiệm vụ này cần được giao cho Hãng hàng không Quốc gia Vietnam Airlines. Và thực tế hoạt động kinh doanh thương mại của Vietnam Airlines cũng thể hiện rõ nét vai trò đi đầu, chủ lực, dẫn dắt của doanh nghiệp nhà nước.
Theo Chủ tịch Vietnam Airlines Đặng Ngọc Hòa, môi trường cạnh tranh toàn cầu hiện nay không phải “cá lớn nuốt cá bé” mà là “cá nhanh nuốt cá chậm”. Các doanh nghiệp nhà nước có tiềm lực rất lớn nhưng chưa hoàn toàn được tự chủ trong hoạt động sản xuất kinh doanh để nắm bắt cơ hội phát triển, nâng cao sức cạnh tranh. Do đó, cần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền nhằm giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất, kinh doanh, quyết định các dự án đầu tư, tạo ra cú hích đột phá để các tập đoàn kinh tế các DNNN nói chung và Vietnam Airlines nói riêng vượt qua khó khăn, trở thành các tập đoàn, tổng công ty có thương hiệu mạnh trên thị trường khu vực và quốc tế.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/vietnam-airlines-thuc-hien-su-menh-va-trach-nhiem-cua-doanh-nghiep-nha-nuoc-a175413.html