Một doanh nghiệp cảng lớn tại Bình Định phải điều chỉnh chỉ tiêu kinh doanh vì làm ăn 'kém sắc'

Còn hơn 1 tháng nữa sẽ hết năm 2024, nhưng mới đây, HĐQT CTCP Cảng Thị Nại (Mã: TNP) đã công bố quyết định điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024.

Mới đây, HĐQT CTCP Cảng Thị Nại (UPCoM: TNP) công bố Nghị quyết về việc điều chỉnh các chỉ tiêu kinh doanh năm 2024 trước bối cảnh số lượng hàng hóa thông qua Cảng Thị Nại trong 9 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh.

Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2024, TNP đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 85 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 24 tỷ đồng và tỷ lệ cổ tức năm ở mức 18%.

HĐQT TNP thống nhất điều chỉnh các chỉ tiêu kế hoạch kinh doanh 2024 với sản lượng hàng thông qua cảng giảm 31,58%, từ 1,9 triệu tấn xuống còn 1,3 triệu tấn.

Tổng doanh thu được điều chỉnh giảm 20%, từ 85 tỷ về còn 68 tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế giảm 41,67%, từ 24 tỷ đồng được điều chỉnh còn 14 tỷ đồng. Riêng tỷ lệ cổ tức năm 2024 vẫn được giữ nguyên ở mức 18%.

TNP cho hay, sau 9 tháng năm 2024, lượng hàng hóa thông qua Cảng Thị Nại sụt giảm đáng kể so với cùng kỳ năm trước. Cùng với đó, trong quý IV, cảng này sẽ tiến hành nạo vét, do đó lượng hàng hóa trong các tháng cuối năm sẽ giảm làm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh thu, hiệu quả kinh doanh năm 2024.

Cũng theo TNP, có nhiều nguyên nhân khách quan khiến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp không được như kỳ vọng. Trong đó, kinh tế Việt Nam trong năm 2024 đã đi được hơn một nửa chặng đường trong bối cảnh kinh tế thế giới dần hồi phục nhưng còn bấp bênh, đối mặt nhiều rủi ro, bất định.

Bên cạnh đó, giá xăng dầu, nguyên vật liệu, giá cước vận tải và giá vàng thế giới biến động mạnh, tạo sức ép lên lạm phát và tăng trưởng toàn cầu. Căng thẳng địa chính trị dai dẳng có thể leo thang lên mức nguy hiểm, vấn đề biển Đỏ, mức nợ cao và tính bấp bênh của các nền kinh tế đã tác động tiêu cực đến mô hình thương mại toàn cầu.

Tháng 7 vừa qua, TNP đã nhận được công văn của UBND tỉnh Bình Định về chủ trương chấm dứt hoạt động dự án Khu trung tâm dịch vụ kho bãi Cảng Thị Nại và khu chế biến thủy sản tại Quốc lộ 19 mới (tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước).

Đáng chú ý, toàn bộ chi phí mà doanh nghiệp này bỏ ra từ năm 2017 đến nay với số tiền hơn 3,57 tỷ đồng sẽ hạch toán vào chi phí năm 2024, từ đó, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận năm.

TNP (có trụ sở tại số 2 Trần Hưng Đạo, TP. Quy Nhơn) tiền thân là một doanh nghiệp nhà nước thuộc Sở GTVT Bình Định, được thành lập vào năm 1994. Năm 2010, doanh nghiệp chính thức chuyển đổi thành CTCP.

Đến năm 2013, TNP đã chuyển toàn bộ phần vốn đại diện nhà nước về cho Quỹ đầu tư phát triển Bình Định. Từ năm 2015 đến nay, TNP trở thành CTCP tư nhân 100%. Hiện, doanh nghiệp có vốn điều lệ là 71 tỷ đồng.

Thực tế, những năm gần đây, tình hình kinh doanh của TNP đang đối mặt với nhiều thách thức.

Cụ thể, năm 2023, doanh thu thuần của TNP đạt gần 71 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 16,8 tỷ đồng; lần lượt giảm 9,5% và 10,27% so với cùng kỳ. Năm 2022, doanh thu thuần đạt hơn 78,3 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 18,7 tỷ đồng; lần lượt giảm 17,19% và 34,22%.

Tháng 9 vừa qua, TNP cũng đã chi gần 18 tỷ đồng để trả cổ tức năm 2023 với tỷ lệ 25%/cổ phiếu (1 cổ phiếu nhận 2.500 đồng).Liên quan đến việc chủ trương chấm dứt hoạt động dự án Khu trung tâm dịch vụ kho bãi Cảng Thị Nại và khu chế biến thủy sản tại Quốc lộ 19 mới (tại xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước), UBND tỉnh Bình Định cho biết, nguyên nhân do nhà đầu tư tự quyết định chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/mot-doanh-nghiep-cang-lon-tai-binh-dinh-phai-dieu-chinh-chi-tieu-kinh-doanh-vi-lam-an-kem-sac-a175274.html