Xây dựng nông thôn mới nâng cao gặp khó ở tiêu chí nước sạch

Giai đoạn 2021-2025, Quảng Ngãi phấn đấu đưa 33 xã về đích nông thôn mới nâng cao nhưng đến nay chỉ có 8 xã đạt chuẩn, 9 xã đăng ký về đích vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, qua rà soát cho thấy nhiều địa phương đều gặp khó vì chưa đạt tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch theo quy chuẩn từ hệ thống cấp nước tập trung.

Chú thích ảnh Người dân vùng nông thôn Quảng Ngãi chủ yếu sử dụng nước giếng đào, giếng khoan.

Tiêu chí số 17.1 của Bộ tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025 quy định, các xã các xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao phải có từ 55% số hộ được sử dụng nước sạch từ hệ thống cấp nước tập trung. Đây được xem là thách thức lớn đối với các đang thực hiện và hoàn thành các tiêu chí, bởi hầu hết các công trình cấp nước tập trung có quy mô nhỏ, manh mún, không đồng bộ, chưa đáp ứng nhu cầu thực tế, hiệu quả mang lại chưa cao. Thực tế, tại Quảng Ngãi hiện có 133/513 công trình cấp nước sạch nông thôn tập trung trong tình trạng hoạt động kém hiệu quả và không hoạt động.

Với quan điểm xây dựng nông thôn mới có điểm đầu nhưng không có điểm kết thúc, sau khi đạt chuẩn nông thôn mới, xã Hành Thuận, huyện Nghĩa Hành tiếp tục đăng ký về đích xã nông thôn mới nâng cao vào năm 2025. Sau khi rà soát các tiêu chí theo Bộ tiêu chí mới về xây dựng xã nông thôn mới nâng cao giai đoạn 2021-2025, đến nay xã Hành Thuận đã đạt 11/19 tiêu chí. Hiện còn những tiêu chí chưa đạt như: tổ chức sản xuất và chất lượng môi trường sống, an ninh trật tự, nhà đa năng của trường Trung học cơ sở,... Chỉ tiêu tổ chức sản xuất và chất lượng môi trường sống là tiêu chí khó khăn nhất của địa phương.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Hành Thuận Phạm văn Tâm, cho rằng: Xã Hành Thuận có diện tích lớn, các hộ dân sống cách xa nhau nên rất khó xây dựng công trình cấp nước tập trung quy mô cấp xã hoặc liên xã vì kinh phí đầu tư sẽ rất lớn, việc duy tu, bảo dưỡng tốn kém. Trong khi đó hiện nay các hộ dân trên địa bàn xã đều sử dụng nước giếng khoan và lắp đặt máy lọc nước. Hiện nay địa phương đã khảo sát nhu cầu sử dụng nước nước từ hệ thống cấp nước tập trung. Tuy nhiên, số hộ đăng ký không nhiều. Vì vậy, để hoàn thành tiêu chí này, xã đề xuất sở, ngành liên quan xem xét áp dụng tỷ lệ hộ dân đã đầu tư, sử dụng nước sạch thông qua máy lọc nước tự trang bị hoặc xem xét bố trí ngân sách để xây dựng công trình nước sạch.

Tương tự, tiêu chí nước sạch tập trung cũng đang là “rào cản” trong lộ trình xây dựng nông thôn mới nâng cao tại xã Tịnh Long, thành phố Quảng Ngãi. Bởi trên địa bàn xã có 2 công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn, được đầu tư từ năm 2011 - 2012, nhưng hiện cả 2 công trình đã hư hỏng, ngừng hoạt động. Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Tịnh Long Nguyễn Anh Tuấn cho biết: Xã Tịnh Long có gần 2.000 hộ dân, hiện nay hầu hết bà con đều sử dụng nước giếng. Tuy nhiên, tại một số khu vực nước ngầm bị nhiễm phèn, gần đồng ruộng, khu nghĩa địa nên người dân mong muốn chính quyền các cấp có giải pháp vận hành trở lại công trình nước sạch. Địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cơ quan chức năng đề nghị sửa chữa lại các công trình nhưng chưa có kinh phí. 

Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi Trà Thanh Danh, trên địa bàn thành phố có 8 công trình cấp nước sạch nông thôn, cung cấp nước sinh hoạt cho người dân các xã vùng ven. Tuy nhiên, các công trình này chưa đáp ứng nhu cầu của người dân. Đến thời điểm này, số hộ dân ở các xã vùng ven của thành phố được sử dụng nước từ công trình cấp nước sinh hoạt tập trung chỉ đạt 8,69%.

“Vào mùa nắng, các xã vùng ven như Tịnh Long, Tịnh Khê, Tịnh Hòa nguồn nước ngầm thường xuyên bị nhiễm phèn. Do vậy, việc mở rộng phạm vi cung cấp nước máy, cũng như đầu tư thêm các công trình cấp nước sinh hoạt nông thôn tại khu vực Đông Bắc thành phố là việc làm cấp thiết. Ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi đã đề nghị Công ty cổ phần Cấp thoát nước và xây dựng Quảng Ngãi có phương án đầu tư mở rộng hệ thống cấp nước, để người dân được sử dụng nước máy. Đồng thời, theo đồ án Quy hoạch phân khu và Quy định quản lý theo đồ án Quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 phần còn lại phía bắc thành phố đã bố trí khu đất rộng khoảng 3ha thuộc địa bàn xã Tịnh An để đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước cho khu vực đông bắc thành phố”, Chủ tịch ủy ban nhân dân thành phố Quảng Ngãi Trà Thanh Danh, cho biết.

Theo Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Ngãi Hồ Trọng Phương - Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh, tiêu chí về nước sạch tập trung là một tiêu chí khó thực hiện ở hầu hết các xã đăng ký về đích nông thôn mới nâng cao. Do đó, muốn đạt được tiêu chí này cần có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương cùng các cơ quan chức năng để có các giải pháp từng bước tháo gỡ khó khăn về chỉ tiêu, tiêu chí nước sinh hoạt cho người dân nông thôn.

“Từ thực tế trên địa bàn tỉnh có nhiều công trình nước sạch phải dừng hoạt động chỉ sau một thời gian ngắn đưa vào sử dụng do hư hỏng, không được bảo dưỡng, sửa chưa, gây lãng phí lớn. Bên cạnh đó, đặc thù nhiều vùng nông thôn địa bàn dân cư thưa, phân tán nên chi phí đầu tư lớn, khó thu hút nhà đầu tư tư nhân. Do đó, để đảm bảo tiêu chí nước sạch tập trung cho các xã nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, tỉnh Quảng Ngãi sẽ xây dựng một số nhà máy cấp nước liên huyện, liên xã. Đồng thời, tập trung đầu tư hệ thống đường ống cấp nước phục vụ cho các hộ dân khu vực đông dân cư dọc theo các trục đường liên huyện, liên xã”, ông Phương nhấn mạnh.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-gap-kho-o-tieu-chi-nuoc-sach-a175218.html