Làm việc với lãnh đạo 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu các địa phương, đơn vị, nhà thầu thi công nhanh chóng tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình cao tốc trên địa bàn đúng theo kế hoạch.
Đối với khó khăn về nguồn cát, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xem xét, phối hợp với các tỉnh tháo gỡ khó khăn về khảo sát, đánh giá tác động môi trường; trong đó có việc xem xét, phân định địa phận giữa 2 tỉnh Sóc Trăng và Trà Vinh trong việc khai thác mỏ cát biển. Về khai thác cát sông và cát biển, cần chú ý sạt lở có thể ảnh hưởng đến đời sống người dân; việc xem xét trách nhiệm của nhà thầu trong việc thăm dò khai thác, đánh giá trữ lượng cụ thể.
Các bộ, ngành, địa phương cũng cần phối hợp cân đối nguồn vốn, bố trí hợp lý, thực hiện hiệu quả. Đặc biệt, đây là những công trình trọng điểm quốc gia, thực hiện theo cơ chế đặc thù nên cần chú trọng đến chất lượng, đảm bảo đến yếu tố tác động môi trường, hiệu quả, an toàn thi công…
Đánh giá cao sự nỗ lực của địa phương trong việc tháo gỡ những khó khăn, tình hình giải phóng mặt bằng và cung ứng nguồn vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm khu vực, Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Xây dựng rà soát lại vấn đề các địa phương nêu tại cuộc họp và yêu cầu các bộ, ngành phối hợp địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ, bứt phá, đảm bảo tiến độ, chất lượng thi công các dự án giao thông trọng điểm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương cũng đã trao đổi, thảo luận xoay quanh những vấn đề khó khăn về nguồn cát, thực hiện thi công tại một số địa bàn, việc giải phóng mặt bằng, đền bù giải tỏa, di dời đường điện, đấu nối các công trình giao thông còn một số vướng mắc chậm trễ…
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Anh Tuấn, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 4 dự án đường bộ cao tốc, đến nay, 3/4 dự án đang tổ chức thi công và 1 Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) dự kiến khởi công năm 2025. Công tác giải phóng mặt bằng các dự án cao tốc cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công.
Đối với vật liệu cát đắp đã xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 56,75 triệu m3 trên nhu cầu 54,45 triệu m3. Trong đó, đủ điều kiện khai thác khoảng 38,4 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 18,35 triệu m3 và chưa xác định được nguồn 7,45 triệu m3. Về nguồn vật liệu cấp phối đá dăm với tổng nhu cầu 5,19 triệu m3, trong đó: Dự án Cần Thơ - Cà Mau 2,2 triệu m3, Dự án Châu Đốc-Cần Thơ-Sóc Trăng 2,2 triệu m3, Dự án Cao Lãnh-An Hữu 0,22 triệu m3, Dự án Mỹ An-Cao Lãnh 0,57 triệu m3.
Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là trữ lượng cơ bản đáp ứng nhưng công suất khai thác của các mỏ hạn chế, chưa đáp ứng tiến độ thi công. Nhiều mỏ cát tại tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Sóc Trăng qua khảo sát, đánh giá chất lượng, trữ lượng không đáp ứng yêu cầu, phải tìm kiếm các mỏ khác thay thế ảnh hưởng đến tiến độ khai thác.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Sóc Trăng Lâm Hoàng Nghiệp thông tin: Trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng đang thực hiện Dự án thành phần 4 dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Đến thời điểm này, tổng kế hoạch vốn đầu tư công triển khai trong năm 2024 (gồm kế hoạch vốn được giao năm 2024 và kế hoạch vốn các năm trước được phép kéo dài) là 7.507.574 triệu đồng, trong đó, kế hoạch vốn năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ giao là 6.654.534 triệu đồng.
Đến ngày 15/11, tỉnh đã giải ngân được 2.241.235 triệu đồng, đạt 62,6% vốn trung ương và 1.503.638 triệu đồng, đạt 41,95% vốn địa phương. Ước đến 30/11, giải ngân vốn năm 2024 của tỉnh đạt 68% kế hoạch; đến 31/12, giải ngân đạt 85% kế hoạch và đến hết niên độ giải ngân (31/01/2025), tỉnh sẽ giải ngân đạt trên 95% kế hoạch vốn do Thủ tướng Chính phủ giao.
Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh cho biết, hiện tỉnh Tiền Giang đang dồn lực thực hiện khai thác 14 mỏ cát theo Chỉ đạo Thủ tướng. Trước mắt, Tiền Giang thống nhất với các chủ đầu tư mỏ cát nào xác định được trữ lượng thì cứ khai thác theo tiến độ, nếu thiếu khối lượng thì tỉnh sẽ tiếp tục bổ sung để đáp ứng tiến độ của dự án…
Trước đó, sáng cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và đoàn công tác của Chính phủ đã đến khảo sát tiến độ thi công các tuyến cao tốc trọng điểm tại Đồng bằng sông Cửu Long. Đoàn đã đến kiểm tra tuyến cao tốc trục ngang Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn thành phần 4 do tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư.
Dự án thành phần 4 là đoạn dài nhất của dự án với 58,3 km do tỉnh Sóc Trăng làm chủ đầu tư. Đến nay công tác thi công còn chậm so với tiến độ mặc dù tỉnh Sóc Trăng đã quyết liệt trong cấp phép mỏ cát để khai thác phục vụ Dự án, hiện mỗi tháng, có gần 160.000 mét khối cát được đưa về công trường. Chủ đầu tư đang yêu cầu nhà thầu huy động thiết bị, nhân lực tăng công suất khai thác phục vụ thi công.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/pho-thu-tuong-tran-hong-ha-don-doc-tien-do-cac-du-an-cao-toc-khu-vuc-dbscl-a175184.html