Hiệu quả thông tin cảnh báo: Yếu tố then chốt của an toàn hồ, đập

(Chinhphu.vn) - Hiện nay chỉ có 17% số hồ đã được lắp đặt thiết bị quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dụng để hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, vận hành hồ theo quy trình vận hành được duyệt và theo diễn biến thực tế.

Hiệu quả thông tin cảnh báo: Yếu tố then chốt của an toàn hồ, đập- Ảnh 1.

Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Buông lỏng công tác an toàn hồ chứa tại nhiều địa phương

Hôm nay (19/11), Cục Thủy lợi, Viện Quy hoạch Thủy lợi, Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam, Báo Nông nghiệp Việt Nam phối hợp tổ chức diễn đàn "Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới".

Ông Lương Văn Anh, Phó Cục trưởng Cục Thủy lợi thông tin, hiện nay cả nước có hơn 7.300 đập, hồ chứa thủy lợi (592 đập dâng, hơn 6.700 hồ chứa) với tổng dung tích trữ khoảng 15,2 tỷ m3. Các đơn vị trực thuộc Bộ NN&PTNT được giao quản lý 4 hồ chứa quan trọng đặc biệt và 1 hồ liên tỉnh. 8 hồ chứa thủy lợi liên tỉnh còn lại Bộ phân cấp cho các địa phương quản lý.

Tại các địa phương quản lý hơn 6.700 hồ. 63 đơn vị cấp tỉnh quản lý kỹ thuật (QLKT) hơn 2.300 hồ chứa lớn, vừa và nhỏ (chiếm 34%). Các đơn vị cấp huyện, xã QLKT hơn 4.200 hồ chứa (trong đó 64% là hồ nhỏ).

Ông Lương Văn Anh nhấn mạnh thực trạng: "Về lòng hồ và vùng hạ du đập, nhiều hồ chứa chỉ giải phóng mặt bằng (GPMB) lòng hồ đến cao trình mực nước dân bình thường (MNDBT), chưa GPMB đến cao trình mực nước lũ thiết kế (MNLTK). Nhiều vụ vi phạm như xây nhà, trồng cây… làm giảm không gian chứa và khả năng thoát lũ của một số hồ chứa lớn như hồ Núi Cốc, Vực Mấu, Ayun Hạ, La Ring, Dầu Tiếng... Hoạt động dân sinh diễn ra trong khu vực lòng hồ tạo áp lực cho công tác vận hành hồ chứa".

Bên cạnh đó, về mặt pháp lý, các hồ chứa thuỷ lợi phải được vận hành theo quy trình vận hành (QTVH) được lập, phê duyệt, công bố công khai theo quy định. "Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 28% số hồ được lập QTVH (gồm 213 hồ tràn có cửa van điều tiết và 1.600 hồ mà tràn xả lũ là tràn tự do). Việc vận hành theo QTVH hiện nay chủ yếu căn cứ vào các yếu tố thời tiết dự báo (mưa dự báo), do thiếu các thiết bị đo mưa trên lưu vực hồ chứa", ông Lương Văn Anh cho biết.

Một số nhiệm vụ thực hiện còn hạn chế do chưa có đủ kinh phí, tập trung ở nhóm hồ vừa và nhỏ. Ngoài ra, theo QCVN 04-05:2022, lòng hồ là vùng được xác định từ ranh giới giải phóng mặt bằng trở xuống của dự án hồ chứa nước. Theo quy định tại Nghị định số 129/2017/NĐ-CP thì đất gắn với lòng hồ là tài sản kết cấu hạ tầng thủy lợi. Điều này gây khó khăn trường hợp lòng hồ được xác định là vùng đất từ cao trình đỉnh đập trở xuống.

Lãnh đạo Cục Thủy lợi cũng cho biết một thực tế: "Trường hợp cần thăm dò, khai thác khoáng sản ở khu vực cấm hoạt động khoáng sản, cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc điều chỉnh quy hoạch khoáng sản có liên quan. Tuy nhiên, hiện nay nhiều địa phương chưa điều chỉnh quy hoạch khoáng sản để làm cơ sở cho việc thăm dò, khai thác khoáng sản trong lòng hồ chứa thuỷ lợi".

Sau bão số 3, số hồ hư hỏng nặng tăng thêm 68 hồ. Công tác vận hành hồ chứa bộc lộ nhiều hạn chế như: một số QTVH được phê duyệt đến nay đã hơn 10 năm chưa được rà soát, điều chỉnh, bổ sung. Các hồ chứa mà lòng hồ có hoạt động dân sinh, hạ du bị ngập thì việc vận hành theo QTVH sẽ gặp nhiều khó khăn.

Hiệu quả thông tin cảnh báo: Yếu tố then chốt của an toàn hồ, đập- Ảnh 2.

Toàn cảnh diễn đàn "Nâng cao hiệu quả thông tin, cảnh báo, đảm bảo vận hành an toàn đập, hồ chứa nước trong tình hình mới" - Ảnh: VGP/Đỗ Hương

Thiếu thông tin giám sát, vận hành hồ chứa

Theo thống kê của Cục Thủy Lợi, về quan trắc khí tượng thủy văn chuyên dùng, giám sát vận hành hồ, 17% số hồ đã được lắp đặt thiết bị quan trắc KTTV chuyên dùng, thiết bị GSVH hồ chứa. Đây là các thiết bị hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo, vận hành hồ theo QTVH được duyệt và theo diễn biến thực tế. Khi ứng phó tình huống khẩn cấp chỉ có 17% số hồ được xây dựng phương án ứng phó với tình huống. Như vậy, các hồ chứa, đặc biệt hồ lớn, hạ du đông dân cư nếu không được xây dựng phương án, khi có tình huống sẽ rất bị động trong công tác ứng phó.

Ông Hoàng Văn Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam cho biết, Việt Nam có khoảng 4.500 hồ, đập nhỏ. Theo Luật Thủy lợi, những hồ này sẽ giao cho người thụ hưởng, thường là đơn vị cấp xã quản lý, vận hành (còn gọi là thủy lợi cơ sở). Tuy nhiên, trong thực tế, việc vận hành ở cấp cơ sở thường không đúng như kỳ vọng.

Vấn đề ở đây, theo ông Thắng, một phần là do việc thụ hưởng các dịch vụ thủy lợi là miễn phí. Do đó, các công trình thủy lợi nhỏ (chiếm hơn 60% số lượng cả nước), rất cần 1 kế hoạch tổng thể của địa phương, tất cả tại chỗ, dựa vào sức mạnh của cộng đồng. Ngoài ra, là việc kiểm tra, giám sát thường xuyên của chính quyền địa phương. Lấy ví dụ về hồ thủy điện Thác Bà, vẫn có những tranh cãi về thời kỳ lũ muộn của hồ này.

Ngoài ra, việc thiết kế hồ chứa này từ 60 năm trước, khi ấy rừng nhiều, ít xuất hiện mưa muộn. Nhưng ngày này, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, lũ bất thường hơn, mưa muộn hơn (có thể đến 30/9).

"Có lẽ cần phải tính toán lại năng lực xả lũ của các hồ chứa, không chỉ Thác Bà", ông Thắng bày tỏ. Việc này đặt ra những vấn đề về việc xây đập mới, hoặc xử lý theo hướng tận dụng đập tràn để điều tiết lũ.

Ông Đỗ Văn Thành, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, quy hoạch đến năm 2030, ngành thủy lợi dự kiến xây dựng thêm 31 hồ chứa nước để tăng dung tích trữ lên 1,92 tỷ m3. Bên cạnh đó, nâng cao dung tích các 8 hồ chứa nước có đủ điều kiện để tăng dung tích chứa lên 360 triệu m3.

Ngoài ra, trong quy hoạch cũng đặt mục tiêu xây dựng các hồ chứa nhỏ, phân tán và hệ thống tưới cho 0,3 triệu ha rau màu, cây ăn quả, cây công nghiệp đến năm 2030 và tăng thêm khoảng 0,6 triệu ha đến năm 2050; xây dựng chương trình hồ chứa nhỏ, phân tán cấp nước sinh hoạt và sản xuất vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Đại diện Viện Quy hoạch Thủy lợi cho biết, việc quản lý, vận hành hồ chứa thủy lợi gặp nhiều thách thức do biến đổi khí hậu khiến tần suất và cường độ mưa lũ tăng; hầu hết các hồ chứa thủy lợi được xây dựng trước năm 2000, khi thiết kế chưa đánh giá hết khả năng thoát lũ ở hạ du; tại nhiều khu vực, nhu cầu nước cho sản xuất lớn hơn khả năng đáp ứng của hồ chứa…

Do đó, trong thời gian tới, ông kiến nghị ngành thủy lợi cần tăng cường thể chế, chính sách trong quản lý, đầu tư, bảo vệ công trình hồ chứa, đập dâng nhằm phát huy hiệu quả công trình và đảm bảo an toàn công trình, an toàn hạ du; xây dựng và điều chỉnh quy trình vận hành,... đặc biệt là đối với các hồ chứa, đập dâng vừa và nhỏ. Trong đó, chú trọng việc sử dụng linh hoạt, hợp lý phần dung tích trên mực nước dâng bình thường để tăng khả năng điều tiết cấp nước, phòng lũ; nghiên cứu sử dụng và khai thác vùng bán ngập hợp lý.

Bên canh đó, cần nghiên cứu ứng dụng công nghệ tiên tiến trong tính toán quy hoạch, thiết kế, xây dựng và vận hành công trình, tích cực nghiên cứu cơ chế huy động đa dạng nguồn lực trong đầu tư, khai thác và bảo vệ công trình hồ chứa, đập thủy lợi.

Đỗ Hương

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Phân rõ trách nhiệm địa phương trong giữ an toàn hồ, đậpPhân rõ trách nhiệm địa phương trong giữ an toàn hồ, đập

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/hieu-qua-thong-tin-canh-bao-yeu-to-then-chot-cua-an-toan-ho-dap-a175169.html