Phát biểu tại buổi lễ, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương nêu rõ, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 hàng năm là ngày đặc biệt thiêng liêng, ngày hội lớn của các thầy giáo, cô giáo và những cán bộ công tác trong lĩnh vực giáo dục - đào tạo trên khắp cả nước nói chung và tại hệ thống Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nói riêng.
Trong năm học 2024 - 2025, Học viện đã nỗ lực đổi mới mọi mặt trong công tác đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, công tác trường chính trị và hợp tác quốc tế, có nhiều đóng góp quan trọng cho Đảng và đất nước.
Nhấn mạnh, vừa qua Bộ Chính trị đã thông qua Chiến lược phát triển của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, xác định tầm nhìn, mục tiêu và những định hướng phát triển, nhiệm vụ trọng tâm và các khâu đột phá, ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị cán bộ, giảng viên và học viên của Học viện cần có kế hoạch rất cụ thể để thực hiện chiến lược.
“Tinh thần chung của cả nước, cả hệ thống chính trị hiện nay là rất khẩn trương trong các công việc, những gì làm được cần làm luôn, không chờ đợi. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cần lĩnh hội tinh thần này. Quán triệt sâu sắc các chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Tổng Bí thư về những định hướng, đột phá phát triển có tính cách mạng, hết sức quan trọng đưa đất nước bước vào kỷ nguyên phát triển mới, tôi đề nghị các đồng chí chuẩn bị, nỗ lực tiến hành, cụ thể hóa vào điều kiện của Học viện”, ông Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh.
Đề cập tới vấn đề rất hệ trọng, là cuộc cách mạng về đổi mới, tinh gọn tổ chức bộ máy; xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho biết việc đổi mới, tinh gọn bộ máy sắp tới sẽ diễn ra ở Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh trước, tiếp sau là các Học viện khu vực.
Về cuộc cách mạng về chuyển đổi số, ông Nguyễn Xuân Thắng nêu rõ, Học viện cần đẩy nhanh triển khai dự án Học viện thông minh về xây dựng cơ sở dữ liệu, học liệu, bố trí cán bộ, kết nối với các trường chính trị, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng số với các hạ tầng khác.
Về công tác chống lãng phí, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Trường Đảng cần quán triệt sâu sắc tinh thần này trong mọi công việc như đào tạo, nghiên cứu khoa học; bố trí giảng viên, sắp xếp lớp học, học viên sao cho khoa học, tiết kiệm; triển khai và khai thác có hiệu quả các dự án, cơ sở vật chất.
Ông Nguyễn Xuân Thắng đề nghị toàn hệ thống Học viện Chính trị quốc gia hồ Chí Minh nỗ lực đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo hướng “cơ bản, hệ thống, thực tiễn, hiện đại”; nâng cao tính chuyên nghiệp của đội ngũ cán bộ quản lý giáo dục, đẩy mạnh chuyển đổi số, phát huy vai trò tự quản của học viên và tinh thần trách nhiệm của giảng viên.
Với phương châm: “Đoàn kết - Kỷ cương - Nêu gương - Đột phá - Phát triển”, Học viện có trách nhiệm phát huy truyền thống vẻ vang, khẳng định vị trí, vai trò đầu tàu trong đào tạo cán bộ lãnh đạo quản lý và nghiên cứu khoa học, tư vấn chính sách cho Đảng và hệ thống chính trị.
Nhân dịp này, Giáo sư - Tiến sĩ Trần Văn Phòng, Giảng viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Triết học đã vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân; Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Bắc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc thường trực Học viện vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú; Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện vinh dự nhận Huân chương Lao động hạng 3; 2 cá nhân tiêu biểu được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/hoc-vien-chinh-tri-quoc-gia-ho-chi-minh-day-nhanh-trien-khai-du-an-hoc-vien-thong-minh-a175054.html