Dư nợ tín dụng xanh tăng 7,11% so với cuối năm 2023

Tại thời điểm cuối tháng 9/2024, đạt 665.000 tỷ đồng, chiếm hơn 4,5% tổng dư nợ. Tuy nhiên, lãnh đạo NHNN cho rằng, tỉ trọng trên vẫn thấp, cần phối hợp chặt giữa ngân hàng, doanh nghiệp và cơ quan quản lý để thực sự hiệu quả.

Tỉ trọng tín dụng xanh vẫn còn thấp

Sáng 19/11, phát biểu tại Hội thảo "ESG trong ngành ngân hàng: Thực thi để dẫn đầu", Ths. Hà Thu Giang - Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) thông tin, tính đến hết tháng 9/2024 đã có 50 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh với dư nợ đạt trên 665.000 tỷ đồng, tăng 7,11% so với cuối năm 2023, chiếm tỷ trọng trên 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.

Dư nợ tín dụng xanh tập trung chủ yếu vào các ngành năng lượng tái tạo, năng lượng sạch (chiếm hơn 43%) và nông nghiệp xanh (trên 30%).

Đồng thời, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã tăng cường quản lý rủi ro về môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng, dư nợ tín dụng được đánh giá rủi ro môi trường và xã hội đạt 3,28 triệu tỷ đồng, chiếm hơn 22,33% trên tổng dư nợ cho vay của nền kinh tế, tăng 15,62% so với cuối năm 2023.

Mặc dù có nhiều nỗ lực, song đến nay tỉ trọng tín dụng xanh trong tổng dư nợ toàn ngành còn thấp. Bà Hà Thu Giang cho biết, để thúc đẩy thực hành ESG, xanh hóa hoạt động ngành ngân hàng, thời gian tới NHNN sẽ tiếp tục theo dõi, hướng dẫn và kịp thời tháo gỡ khó khăn trong quá trình thực hiện Thông tư 17/2022/TT-NHNN.

Dư nợ tín dụng xanh tăng 7,11% so với cuối năm 2023- Ảnh 1.

Ths. Hà Thu Giang - Vụ Trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế Ngân hàng Nhà nước.

Để các cơ chế, chính sách của ngành ngân hàng thực sự phát huy hiệu quả, bà Giang cho rằng, bên cạnh những nỗ lực của ngành ngân hàng trong việc thúc đẩy thực hành ESG, hướng dòng vốn tín dụng vào việc tài trợ các dự án thân thiện với môi trường, mở rộng và khơi thông nguồn vốn tín dụng cho các lĩnh vực xanh đòi hỏi sự phối, kết hợp từ nhiều bộ, ngành, các đơn vị liên quan.

Cụ thể, cần xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường, xã hội của các dự án đầu tư theo hướng cập nhật, dễ dàng tiếp cận, làm cơ sở cho các tổ chức tín dụng có thể tra cứu thông tin để đánh giá về môi trường, xã hội.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú nhận định, tăng trưởng xanh và phát triển bền vững không phải xu hướng mà là nhiệm vụ bắt buộc phải triển khai, là nhiệm vụ cấp bách của tất cả quốc gia, toàn cầu chứ không riêng Việt Nam. Việt nam tích cực tham gia cam kết quốc tế về bảo vệ môi trường.

Dư nợ tín dụng xanh tăng 7,11% so với cuối năm 2023- Ảnh 2.

Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú.

Đối với ngành ngân hàng, việc thực thi ESG đòi hỏi các tổ chức tín dụng thực thi, tuân thủ, đồng thời phải cập nhật liên tục các quy định chính sách.

Thực hành ESG giúp các TCTD nâng cao thương hiệu uy tín thông qua việc công bố minh bạch các vấn đề liên quan đến quản trị môi trường và xã hội.

"Rủi ro về môi trường xã hội không độc lập mà liên đới đến các TCTD, rủi ro tín dụng, thị trường, thanh khoản… do vậy thực hành ESG giúp TCTD cải thiện hiệu quả rủi ro nâng cao thương hiệu, uy tín cũng như có cơ hội mở rộng thị trường, thu hút đầu tư từ các tổ chức quốc tế", ông Tú nhấn mạnh.

Hiện nay, các ngân hàng đã quan tâm hơn đến vấn đề rủi ro môi trường chứ không chỉ cho vay để đánh giá tính hiệu quả của một khoản vay, đề án hay dự án, không chỉ lợi nhuận, lỗ lãi mà còn đánh giá liên quan đến phát triển bền vững cho doanh nghiệp.

"Nguồn vốn rẻ thường chỉ trong ngắn hạn"

Trong bối cảnh tham gia sâu rộng chuỗi cung ứng, việc thực hành ESG cấp thiết. Tuy nhiên, Phó Thống đốc chỉ ra vẫn còn nhiều thách thức cơ quan Nhà nước và bản thân đơn vị thực thi.

Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tài chính, trình độ vẫn còn hạn chế để hoạt động kinh doanh chứ chưa nói đến câu chuyện liên quan ESG. Ngoài ra, vẫn còn phải chờ đợi việc phân loại danh mục dự án xanh của Bộ Tài nguyên và Môi trường để căn cứ định hình dòng vốn vào các lĩnh vực, ưu tiên dự án nào trước, dự án nào sau.

Về phía doanh nghiệp, bà Bùi Bích Liên, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ EMCOM chia sẻ, nhu cầu hiện nay, chứng nhận ESG trong xuất nhập khẩu thách thức với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ.

Đồng thời Ngân hàng là nguồn vốn, doanh nghiệp nguồn vốn là xương sống, định hình mô hình kinh doanh là đầu tiên nhưng thực sự có nguồn lực đi tiếp hay không là nguồn vốn.

Dư nợ tín dụng xanh tăng 7,11% so với cuối năm 2023- Ảnh 3.

Bà Bùi Bích Liên, Nhà sáng lập kiêm Tổng giám đốc, Công ty Cổ phần Thương mại và Công nghệ EMCOM.

"Chúng tôi không mong muốn nguồn vốn vay thực sự rẻ, bởi vì nguồn vốn rẻ thường chỉ trong ngắn hạn. Thay vào đó, chúng tôi mong muốn các cơ quan quản lý, các tổ chức tín dụng có thể đồng hành cùng doanh nghiệp.

Ngoài các tiêu chí đặt ra để yêu cầu doanh nghiệp phải đáp ứng, các TCTD cũng cần nhìn nhận doanh nghiệp đóng góp được gì cho xã hội, giá trị mang lại hàng năm", bà Liên nói.

Tăng trưởng tín dụng xanh tại Việt Nam vẫn chưa bền vững[E] Phó Chủ tịch VNBA: Tín dụng xanh phải là tín dụng ưu đãiKhông thể "vỗ tay bằng một bàn tay" nếu muốn phát triển tín dụng xanh

Bà Liên cho biết, doanh nghiệp sẵn sàng cùng với cơ quan ban ngành xây dựng tiêu chí như vậy, để thấy được hiệu quả mà các doanh nghiệp đạt được mang lại giá trị gì thiết thực, giải quyết vấn đề gì cho cuộc sống.

Với những doanh nghiệp thực sự đi theo hướng bền vững, vốn ngắn hạn không giải quyết được vấn đề gì nhiều, mà phải là sự đồng hành, hỗ trợ thiết thực với doanh nghiệp. Chính sách thuế hay ưu đãi chỉ đáp ứng được phần nào.

Thay vào đó, những bộ tiêu chí với tiêu chuẩn rõ ràng, lý giải được tại sao được sử dụng nguồn vốn đó sẽ giúp doanh nghiệp nhìn nhận rõ vai trò, giá trị mang lại.

Ngoài ra, với những doanh nghiệp còn mới, khi sản phẩm còn chưa được biết đến nhiều, việc truyền thông hỗ trợ chung tay của các TCTD, cơ quan uy tín sẽ giúp doanh nghiệp nhận được niềm tin từ khách hàng. Sự đồng hành các cơ quan quản lý là tiếng nói tốt với người tiêu dùng, là sự ủng hộ tuyệt vời với doanh nghiệp.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/du-no-tin-dung-xanh-tang-711-so-voi-cuoi-nam-2023-a174987.html