Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác

(Chinhphu.vn) - Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhấn mạnh như vậy tại Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam năm 2024, tổ chức tối 17/11, tại chùa Bái Đính (tỉnh Ninh Bình).

Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà yêu cầu tăng cường kiểm tra, giám sát, triển khai các đợt ra quân cao điểm, cũng như thường xuyên để phát hiện, trấn áp, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông - Ảnh: VGP/Đình Nam

 Tai nạn giao thông là "kẻ thù" từng ngày, từng giờ

Đây là năm thứ 13, Việt Nam cùng nhiều quốc gia trên thế giới tổ chức Lễ tưởng niệm nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông.

Thay mặt Chính phủ và Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia và với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi lời thăm hỏi ân cần và chia buồn sâu sắc nhất đến tất cả các gia đình có thân nhân không may tử vong do tai nạn giao thông tại Việt Nam.

"Hôm nay, cùng với các quốc gia trên thế giới, chúng ta có mặt tại đây để tưởng niệm những nạn nhân đã ra đi mãi mãi vì tai nạn giao thông; cùng chia sẻ nỗi đau thương, sự mất mát không gì bù đắp được trong trái tim, tâm trí của những người ở lại", Phó Thủ tướng nói.

Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác- Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và các đại biểu tưởng niệm những nạn nhân tử vong vì tai nạn giao thông - Ảnh: VGP/Đình Nam

Mỗi năm, trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do tai nạn giao thông; là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15-27 tuổi.

Tại Việt Nam trong những năm qua tai nạn giao thông đã luôn được kiềm chế và kéo giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương.

Tuy nhiên, trong 10 tháng đầu năm nay, toàn quốc xảy ra 19.711 vụ tai nạn giao thông, làm chết 9.061 người, bị thương 14.685 người.

Nhiều người vĩnh viễn không thể trở về bên mái ấm yêu thương, bên bữa cơm chiều đoàn tụ, bỏ lại những ước mơ, những dự định dang dở, cha mẹ già, con thơ không người nương tựa và cả những lời hứa chưa kịp thực hiện…

Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác- Ảnh 3.

Sau mỗi tai nạn, luôn đọng lại những câu hỏi giá như đầy ân hận, tiếc nuối - Ảnh:VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng nêu rõ, tai nạn giao thông là "kẻ thù" của toàn cầu đang từng ngày, từng giờ, thậm chí từng phút gây thương vong, tổn thất nặng nề, để lại những vết thương, những cú sốc vô cùng đau đớn, không bao giờ liền trong tâm khảm của những người thân yêu và bạn bè.

Điều đáng nói là nguyên nhân chủ yếu của tai nạn giao thông lại xuất phát từ ý thức chủ quan của mỗi người khi tham gia giao thông.

Sau mỗi tai nạn, luôn đọng lại những câu hỏi giá như đầy ân hận, tiếc nuối. Giá như đã không sử dụng rượu bia khi lái xe? Giá như không phóng nhanh, lạng lách, vượt ẩu? Giá như đã tuân thủ đúng quy định của biển báo giao thông, đi đúng tốc độ, phần đường? Giá như đã cảnh giác hơn, quan sát kỹ hơn?...

Những câu hỏi giá như này sẽ ám ảnh người ở lại. Bởi nếu những điều "giá như" kia trở thành hiện thực, thì tai nạn đã không xảy ra, người ở lại đã không vĩnh viễn mất đi người thân yêu của mình.

Hướng tới chiến lược giao thông an toàn, không có người tử vong

"Tưởng nhớ người đi - Vì người ở lại", Phó Thủ tướng mong muốn mỗi người phải hành động nhất quán, quyết liệt đấu tranh không khoan nhượng với các hành vi vi phạm an toàn giao thông; cùng nêu cao ý thức, tuân thủ pháp luật và các quy định an toàn giao thông

"Cùng nhau, chúng ta hướng tới chiến lược giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện với môi trường, không có người tử vong vì tai nạn giao thông", Phó Thủ tướng nói.

Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác- Ảnh 4.

Chúng ta cần đẩy mạnh phối hợp giữa gia đình, nhà trường và đoàn thể trong giáo dục cho thanh, thiếu nhi ý thức chấp hành pháp luật và hành vi văn hóa trong tham gia giao thông - Ảnh: VGP/ĐÌnh Nam

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ Công an, Bộ giao thông vận tải tiếp tục tập trung hoàn thiện và tổ chức thực hiện khẩn trương hệ thống pháp luật về giao thông và an toàn giao thông, trong đó có chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm minh, không khoan nhượng kể cả áp dụng các biện pháp hình sự để răn đe, ngăn ngừa các hành vi vi phạm, nhất là sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông; lái xe vi phạm các quy định an toàn giao thông trên đường cao tốc, đua xe trái phép, phóng nhanh vượt ẩu,….

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện các quy định về tiêu chí chấp hành pháp luật về an toàn giao thông trong công nhận gia đình văn hóa, khu dân cư văn hoá, đưa văn hóa trong tham gia giao thông trở thành một giá trị chuẩn mực của con người Việt Nam.

Hai là, tập trung nguồn lực, đẩy nhanh tiến độ phát triển các dự án kết cấu hạ tầng giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện; kết nối có hiệu quả các loại hình giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, đường hàng không.

Đặc biệt, tại các đô thị lớn, cần phát triển nhanh vận tải hành khách công cộng, hệ thống công trình giao thông ngầm, đường sắt đô thị, giao thông xanh, làn đường dành riêng cho xe đạp và người đi bộ gắn với lộ trình hạn chế dần phương tiện cá nhân tham gia giao thông.

Ba là, đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ, trí tuệ nhân tạo trong tổ chức, quản lý, kiểm định phương tiện và điều hành giao thông thông minh; thường xuyên rà soát, phát hiện, khắc phục kịp thời hạn chế, bất cập trong tổ chức giao thông và "điểm đen" về giao thông. Nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phối hợp các lực lượng trong bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Bốn là, các cấp ủy đảng, chính quyền cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ và các luật có liên quan để đáp ứmg yêu cầu an toàn giao thông.

Tăng cường kiểm tra, giám sát, triển khai các đợt ra quân cao điểm, cũng như thường xuyên để phát hiện, trấn áp, xử lý kịp thời, nghiêm minh mọi hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của cả người tham gia giao thông và người làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về giao thông. Nghiêm cấm mọi hành vi can thiệp, tác động vào quá trình xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về giao thông của các cơ quan chức năng.

Năm là, Mặt trận tổ quốc Việt Nam các cấp, các tổ chức chính trị-xã hội, các cơ quan thông tấn, báo chí phải tăng cường công tác truyền thông nâng cao nhận thức về an toàn giao thông; đẩy mạnh phối hợp giữa gia đình, nhà trường và đoàn thể trong giáo dục cho thanh, thiếu nhi ý thức chấp hành pháp luật và hành vi văn hóa trong tham gia giao thông.

Chấp hành luật giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác- Ảnh 5.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà kêu gọi mỗi người hãy chủ động, tích cực giúp đỡ, sẻ chia, cùng chung tay xoa dịu những nỗi đau mà tai nạn giao thông đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình của họ - Ảnh: VGP/Đình Nam

Góp phần xây dựng xã hội an toàn hơn, nhân văn hơn

Phó Thủ tướng đề nghị, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu phải gương mẫu và tích cực vận động người thân, gia đình và nhân dân thực hiện nghiêm quy định về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.

Mỗi người cần nhận thức thật rõ: Tuân thủ quy định an toàn giao thông phải trở thành nhu cầu tự thân, hành vi tự giác nhằm giữ an toàn cho chính mình; đảm bảo cho người thân, gia đình mình và xã hội có cuộc sống bình yên, hạnh phúc.

"Một hành động nhỏ, một quyết định đúng đắn - như không lái xe khi đã uống rượu bia; tuân thủ giới hạn tốc độ; không phóng nhanh, vượt ẩu; không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện; nhường đường cho người già, trẻ nhỏ - tưởng chừng như đơn giản nhưng có thể cứu sống một mạng người, giữ lại hạnh phúc cho một gia đình và cao hơn cả là góp phần xây dựng xã hội an toàn hơn, nhân văn hơn", Phó Thủ tướng nói và kêu gọi mỗi người hãy chủ động, tích cực giúp đỡ, sẻ chia, cùng chung tay xoa dịu những nỗi đau mà tai nạn giao thông đã gây ra cho các nạn nhân và gia đình của họ.

"Chúng ta mong muốn và tin tưởng vào việc hoàn thiện và thực thi nghiêm các quy định an toàn giao thông không chỉ xây dựng văn hóa giao thông an toàn; lan tỏa những hành động đẹp, ứng xử văn minh, mà còn nhân lên những giá trị đạo đức quý báu của con người Việt Nam".

Minh Khôi


Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chap-hanh-luat-giao-thong-phai-tro-thanh-nhu-cau-tu-than-hanh-vi-tu-giac-a174828.html