Tiềm năng, hạn chế du lịch xứ Đoài
Nằm cách trung tâm Hà Nội chưa đầy 20km, huyện Quốc Oai mang trong mình sự giao thoa của một vùng đất giàu văn hóa truyền thống và lịch sử lâu đời. Nơi đây có hơn 200 di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật, trong đó tiêu biểu nhất là cụm di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và đình So.
Những địa danh này không chỉ là niềm tự hào của người dân Quốc Oai mà còn mang giá trị du lịch lớn, nếu được đầu tư khai thác đúng cách.
Chùa Thầy, gắn liền với cuộc đời và sự nghiệp của Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 - 1117), vị tổ sư thứ 24 của dòng thiền Tì Ni Đa Lưu Chi, là một biểu tượng linh thiêng với nhiều tên gọi như “Hương Hải Am”, “Bồ Đề Viện” và “Phật Tích”.
Nằm giữa cảnh quan hữu tình của núi non thấp thoáng giữa vùng đồng bằng trù phú, quần thể di tích này gồm ba cụm điểm chính: núi đá Sài Sơn, Hoàng Xá, và Phượng Cách.
Đặc biệt, chùa Một Mái thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy từng là nơi Bác Hồ lưu trú, làm việc và chỉ đạo kháng chiến chống thực dân Pháp từ ngày 3-2-1947 đến đầu tháng 3-1947, ghi dấu ấn lịch sử vẻ vang của dân tộc.
Nơi đây không chỉ thu hút khách hành hương mà còn là điểm đến lý tưởng cho các tour du lịch tâm linh kết hợp khám phá văn hóa địa phương.
Tuy nhiên, chia sẻ với Người Đưa Tin ông Nguyễn Việt Hưng - Giám đốc Công ty Hưng Việt cho biết hiện tại việc kết nối các điểm du lịch trong khu vực chưa được chú trọng.
“Chúng tôi rất muốn tổ chức các tour dài ngày để du khách có thể khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của Quốc Oai, nhưng hạ tầng và dịch vụ du lịch vẫn còn rất hạn chế", ông Hưng bày tỏ.
Tiếp đến là Di tích quốc gia đặc biệt đình So (xã Cộng Hòa), được mệnh danh là “đệ nhất đình Đoài” nhờ giá trị nghệ thuật kiến trúc độc đáo. Đình So không chỉ nổi bật bởi vẻ đẹp cổ kính mà còn mang ý nghĩa lịch sử đặc biệt, là ngôi đình duy nhất được vua Đinh Tiên Hoàng ban sắc phong “Vạn cổ anh linh”.
Đây thực sự là điểm dừng chân lý tưởng dành cho những ai đam mê khám phá và trân quý nét đẹp văn hóa cổ truyền Việt Nam. Chị Trương Thị Mai - một du khách đến từ Cầu Giấy, không giấu được sự ngạc nhiên khi tham quan đình So.
“Ngôi đình cổ kính này giữ được vẻ đẹp nguyên bản của kiến trúc và điêu khắc từ thế kỷ trước, như một thắng tích cung điện nhỏ giữa làng quê Việt Nam", chị chia sẻ.
Thế nhưng, đình So vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức. Theo ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty du lịch Travelogy Việt Nam, đình So không chỉ đẹp về kiến trúc mà còn sở hữu phong thủy tuyệt vời, toát lên vẻ cổ kính đậm chất hồn quê xứ Đoài – một biểu tượng tinh hoa của làng quê Việt Nam.
Vẻ đẹp ấy không chỉ thu hút du khách trong nước mà còn gây ấn tượng mạnh mẽ với du khách quốc tế. Tuy nhiên, nơi đây vẫn thiếu đi sức sống cần thiết, phần lớn do chưa có các dịch vụ hậu cần đi kèm, như quán xá hay trạm dừng chân.
"Thật đáng tiếc khi không gian sân đình tuyệt đẹp này chưa được khai thác đúng tiềm năng. Chúng tôi mong muốn tổ chức các trò chơi dân gian như kéo co hay thả diều tại đây, để du khách, đặc biệt là khách quốc tế, cảm nhận được phong cách làng quê Việt Nam một cách sống động nhất", ông Tuyên tiếc nuối.
Phó Chủ tịch UBND xã Cộng Hòa cũng thẳng thắn thừa nhận rằng đình So vẫn còn nhiều hạn chế về cơ sở hạ tầng, rất cần được đầu tư thêm để trở thành một điểm sáng nổi bật trên bản đồ du lịch huyện Quốc Oai.
Bên cạnh những giá trị truyền thống độc đáo, Quốc Oai còn tự hào với khu du lịch sinh thái Tuần Châu Hà Nội. Tại đây, chương trình thực cảnh “Tinh hoa Bắc Bộ” đã trở thành điểm nhấn đặc sắc. Với quy mô hoành tráng, vở diễn tái hiện sống động đời sống và văn hóa của người Việt xưa, hòa quyện giữa nét cổ truyền và sáng tạo hiện đại, để lại ấn tượng mạnh mẽ trong lòng du khách.
Ngoài ra, Quốc Oai còn sở hữu tiềm năng lớn để phát triển các loại hình du lịch như du lịch nông nghiệp, du lịch xanh, và du lịch cộng đồng tại các vùng Đông Xuân, Phú Mãn… Du khách cũng có thể trải nghiệm các làng nghề truyền thống nổi tiếng, như làng mộc Ngọc Than (xã Ngọc Mỹ) hay làng miến dong So (xã Cộng Hòa), nơi lưu giữ tinh hoa nghề thủ công và tạo nên sức hút đặc biệt cho du lịch địa phương.
Giải pháp để “đánh thức” tiềm năng du lịch Quốc Oai
Dù sở hữu hệ sinh thái phong phú và các di tích lịch sử văn hóa độc đáo, huyện Quốc Oai vẫn chưa thể bứt phá để trở thành một điểm đến du lịch hấp dẫn. Con số hơn 350.000 lượt khách trong năm 2023 đã phần nào phản ánh tiềm năng du lịch lớn nhưng chưa được khai thác đúng cách. Để đánh thức "viên ngọc thô" này, những cú hích chiến lược là điều cần thiết.
Theo các chuyên gia, nguyên nhân chính nằm ở việc thiếu một quy hoạch tổng thể và các tuyến tour bài bản kết nối các điểm đến trong huyện, khiến Quốc Oai chưa thể tạo nên sức hút toàn diện.
Ông Phùng Quang Thắng - Chủ tịch Hội Lữ hành Hà Nội, nhấn mạnh rằng một quy hoạch bài bản sẽ là chìa khóa mở ra cơ hội cho du lịch Quốc Oai.
“Quốc Oai sở hữu tiềm năng phát triển du lịch văn hóa tâm linh nhờ hệ thống di tích dày đặc và giá trị lịch sử độc đáo. Tuy nhiên, để giữ chân du khách, không thể chỉ dừng lại ở yếu tố tâm linh. Việc kết hợp du lịch xanh, cải tạo cảnh quan, và bảo vệ môi trường sẽ mang lại một trải nghiệm toàn diện, bền vững hơn”, ông Thắng phân tích.
Bổ sung quan điểm này, bà Dương Thanh Hằng - Giám đốc Công ty Sun Smile travel cho hay yếu tố then chốt nằm ở việc huy động nguồn vốn xã hội hóa.
“Khi ngân sách địa phương còn hạn chế, việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia đầu tư là giải pháp hiệu quả để xây dựng hệ thống dịch vụ du lịch đạt chuẩn. Những dịch vụ này không chỉ tạo cơ hội để du khách chi tiêu nhiều hơn mà còn trực tiếp nâng cao thu nhập và đời sống của người dân địa phương”, bà Hằng khẳng định.
Ông Vũ Văn Tuyên - Giám đốc Công ty Travelogy Việt Nam lại tập trung vào việc làm mới và quảng bá hình ảnh của Quốc Oai.
“Các di tích tại Quốc Oai cần được cải tạo, chỉnh trang để tăng sức hấp dẫn. Đồng thời, việc tạo ra những sản phẩm du lịch độc đáo và xây dựng các tour - tuyến hấp dẫn sẽ mang đến luồng gió mới. Đặc biệt, Quốc Oai cần tận dụng sức mạnh của truyền thông số và mạng xã hội để lan tỏa hình ảnh, tạo dấu ấn trong lòng du khách”, ông Tuyên gợi ý.
Từ du lịch văn hóa tâm linh đến du lịch xanh, từ xã hội hóa nguồn vốn đến quảng bá số, các giải pháp được đưa ra không chỉ giúp Quốc Oai định hình lại chiến lược phát triển du lịch mà còn tạo động lực để huyện vươn lên trở thành một điểm sáng mới trên bản đồ du lịch Hà Nội và cả nước.
Trước những hiến kế từ doanh nghiệp và chuyên gia, ông Hoàng Nguyên Ứng - Phó Chủ tịch UBND huyện Quốc Oai, khẳng định huyện đã có những kế hoạch cụ thể để biến du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
“Huyện sẽ triển khai quy hoạch tổng thể, kêu gọi đầu tư hạ tầng, và xây dựng mô hình quản lý hiệu quả các điểm tham quan. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ phục hồi các làng nghề truyền thống, tổ chức các chương trình văn nghệ đặc sắc để tạo ra sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc địa phương”, ông Ứng nhấn mạnh.
Ngoài du lịch văn hóa tâm linh, Quốc Oai đang hướng tới phát triển du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm và homestay – những loại hình du lịch được ưa chuộng trong xu hướng mới. Huyện cũng đẩy mạnh hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành để xây dựng các sản phẩm liên kết, thu hút khách quốc tế lưu trú dài ngày.
Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết trong thời gian tới Sở sẽ hỗ trợ Quốc Oai trong đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá điểm đến và tổ chức các đoàn khảo sát để kết nối địa phương với các doanh nghiệp du lịch lớn.
Nếu các giải pháp trên được thực hiện đồng bộ, lượng khách du lịch đến Quốc Oai dự kiến sẽ tăng từ 1-1,5 triệu lượt người/năm trong giai đoạn 2025-2030.
Đây không chỉ là bước tiến vượt bậc về kinh tế du lịch, mà còn mở ra cơ hội nâng cao đời sống người dân, bảo tồn giá trị văn hóa và phát triển bền vững.
“Quốc Oai không chỉ dừng lại ở một điểm đến văn hóa tâm linh, mà sẽ vươn lên trở thành một điểm sáng về du lịch bền vững của Hà Nội”, ông Hiếu khẳng định.
Với tầm nhìn dài hạn và chiến lược rõ ràng, Quốc Oai đang từng bước chuẩn bị cho một hành trình chuyển mình mạnh mẽ. Vùng đất này, từ một điểm đến còn mờ nhạt, hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng mới, ghi dấu ấn sâu đậm trong lòng du khách bốn phương.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/du-lich-quoc-oai-lam-sao-de-vien-ngoc-tho-toa-sang-a174725.html