Án Nước ngoài: Chú rể "xộ khám" trên đường đi đón dâu
Một đám cưới ở làng Khokpada (Ấn Độ) đã thu hút sự chú ý của dư luận khi chú rể tên Bishnu Pinga bị cảnh sát bắt khi đang trên đường đi đón dâu.
Sau khi tịch thu chiếc xe cưới của anh này, cảnh sát đã đưa Bishnu về đồn để thẩm vấn. Lúc này bí mật mới được hé lộ.
Hóa ra anh Bishnu Pinga từng có quan hệ yêu đương với cô gái tên Sanju Kirkita cách đây khoảng 7 năm. 2 người sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn.
Cặp đôi có với nhau 1 đứa con chung, hiện đã 5 tuổi. Tuy nhiên, sau khi Sanju sinh con, Bishnu bất ngờ bỏ đi, cắt đứt mọi liên lạc.
Sanju từng tìm mọi cách liên lạc với Bishnu qua điện thoại nhưng bất thành. Sau đó, anh ta còn thay đổi luôn cả số điện thoại. Sanju một mình chăm con suốt 5 năm qua. 2 mẹ con sống cùng với bố mẹ đẻ của cô.
Gần đây, biết tin Bishnu chuẩn bị kết hôn với một cô gái khác ở làng Dharuadihi, Sanju đã đến đồn cảnh sát để tố cáo. Cô yêu cầu cảnh sát ngăn chặn cuộc hôn nhân này.
Dựa trên khiến nại của Sanju, cảnh sát đã truy tìm và bắt Bishnu đúng lúc anh ta đang trên đường đi đón dâu. Anh bị đưa đến đồn cảnh sát để thẩm vấn. Cảnh sát cũng tịch thu luôn chiếc xe cưới của anh.
Sự việc khiến cô dâu và những người tham dự đều bất ngờ. Họ không nghĩ chú rể lại bị bắt đi trong thời điểm đáng lẽ phải hạnh phúc nhất cuộc đời như này.
Năm 2021, một sự việc tương tự xảy ra ở El Guabo, phía nam Ecuador. Chú rể bị bắt ngay trong đám cưới vì vấn đề liên quan đến người tình cũ.
Người đàn ông và người tình cũ có con chung nhưng sau khi chia tay, anh không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của một người cha. Anh nợ tiền nuôi con. Người phụ nữ đã tố cáo với cảnh sát và bắt anh ngay trong đám cưới với người mới.
Luật Việt Nam: Cha mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng nuôi con chung
Trước hết, việc kết hôn là do tự nguyện của hai bên chứ không có quy định là sống chung thì phải đăng ký kết hôn. Do đó, pháp luật Việt Nam hiện nay không cấm việc nam nữ sống chung với nhau mà không đăng ký kết hôn.
Điều 14 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định giải quyết hậu quả của việc nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn như sau: Nam, nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ và chồng.
Quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa các bên được giải quyết theo quy định tại Điều 15 và Điều 16 của Luật này. Trong trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng theo quy định tại khoản 1 Điều này nhưng sau đó thực hiện việc đăng ký kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân được xác lập từ thời điểm đăng ký kết hôn.
Như vậy, tuy không phát sinh quyền, nghĩa vụ giữa vợ chồng nhưng giữa nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn vẫn phát sinh các quyền, nghĩa vụ đối với con, tài sản, ...
Điều 15 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định quyền, nghĩa vụ giữa nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng và con được giải quyết theo quy định của Luật này về quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con.
Điều đó có nghĩa là nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn thì quyền nuôi con chung vẫn được giải quyết tương tự như đã kết hôn.
Nếu vụ việc trên xảy ra ở Việt Nam, chiếu theo pháp luật Việt Nam, mặc dù không đăng ký kết hôn với chị Sanju Kirkita nhưng do 2 người đã có con chung nên anh Bishnu Pinga phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con, nhất là khi cháu bé chưa thành niên (Điều 82 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).
Ngoài ra, Điều 110 Luật Hôn nhân và Gia đình còn quy định cha, mẹ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con chưa thành niên, con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình trong trường hợp không sống chung với con hoặc sống chung với con nhưng vi phạm nghĩa vụ nuôi dưỡng con.
Trong trường hợp cha, mẹ sau khi ly hôn và không sống chung cùng con sẽ có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con thuộc các đối tượng như sau: Con chưa thành niên; Con đã thành niên không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Cũng theo quy định pháp luật, hành vi từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng, chăm sóc con sau khi ly hôn theo quy định của pháp luật có thể bị phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng theo quy định tại khoản 2 Điều 57 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Bên cạnh đó, trường hợp người có nghĩa vụ cấp dưỡng từ chối, trốn tránh nghĩa vụ mà làm cho người được cấp dưỡng lâm vào tình trạng nguy hiểm đến tính mạng, sức khỏe thì người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định tại Điều 186 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Về hình phạt, người từ chối hoặc trốn tránh nghĩa vụ cấp dưỡng có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.
Không chỉ vậy, nếu người có nghĩa vụ có điều kiện mà không chấp hành bản án hoặc quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật mặc dù đã bị áp dụng biện pháp cưỡng chế theo quy định của pháp luật hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Không chấp hành bản án theo quy định tại Điều 380 Bộ luật Hình sự với mức phạt tù thấp nhất là 3 tháng tù, cao nhất là 5 năm tù.
Quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con rất quan trọng, ngay cả khi cha, mẹ không phát sinh quan hệ hôn nhân. Cha, mẹ cần đảm bảo rằng họ có trách nhiệm và quan tâm đến sự phát triển, giáo dục con sau này.
Mối quan hệ cha, mẹ, con là một mối quan hệ thiêng liêng và cao cả, vì thế đảm bảo và duy trì giá trị tốt đẹp này chính là góp phần trong việc đảm bảo văn hóa, thuần phong mỹ tục của dân tộc, đồng thời góp phần thực hiện chính sách pháp luật của Nhà nước.
Ánh Dương (Thực hiện)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/an-nuoc-ngoai-luat-viet-nam-ban-gai-cu-den-pha-dam-cuoi-chu-re-lap-tuc-bi-bat-a174714.html