Chú trọng định hướng nghề nghiệp
Dù đã có những bước tiến nhất định, song công tác hướng nghiệp sau bậc trung học cơ sở tại Đắk Lắk vẫn gặp không ít khó khăn, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa. Việc giới hạn về cơ sở vật chất đã ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này. Nhiều phụ huynh vẫn giữ quan niệm, con em nên học tiếp lên trung học phổ thông và đại học để “có tương lai”, dẫn đến một số học sinh dù có năng khiếu trong lĩnh vực nghề nghiệp vẫn không được ủng hộ theo đuổi đam mê. Do đó, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk đã nỗ lực đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của phụ huynh và học sinh về giá trị của giáo dục nghề nghiệp.
Ông Huỳnh Hồng, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) cho biết, thời gian qua, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện tăng cường tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Ngày hội tư vấn tuyển sinh, giới thiệu nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở năm 2024 đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng. Hiện nay, nhiều phụ huynh còn nặng nề với việc học nghề. Tuy nhiên, thực tiễn đã có nhiều học sinh thành đạt bằng những con đường khác ngoài học đại học. Học nghề là hướng mở rất tốt vì mỗi người có một năng khiếu riêng đang tiềm ẩn. Giáo dục nghề nghiệp là hướng khơi dậy tiềm năng vốn có của học sinh để chuẩn bị hành trang cho tương lai, ông Huỳnh Hồng nói.
Cô Nguyễn Thị Lương, giáo viên Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Thị Minh Khai (thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk) cho biết, gần đây, đa số học sinh lớp 9 đã có sự tìm hiểu tích cực về học nghề sau trung học cơ sở. Một số học sinh có năng khiếu đã được phụ huynh và nhà trường hướng học nghề. Nhiều học sinh đã chủ động tìm hiểu, quan tâm, đăng ký tham gia các buổi tư vấn nghề nghiệp.
Em Trương Phan Gia Huy (15 tuổi, học viên tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk) chia sẻ, em có có sở thích về ô tô nên sẽ đăng ký học nghề thực hành sửa chữa ô tô. Bố mẹ của Huy cũng đồng tình và ủng hộ sở thích của em. Trong tương lai, Gia Huy mong muốn sẽ học và mở xưởng đào tạo ô tô cho riêng mình.
Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk Đỗ Tường Hiệp cho biết, qua các buổi tư vấn tuyển sinh, giới thiệu nghề nghiệp cho học sinh trung học cơ sở, học sinh hiểu được ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giáo dục hướng nghiệp. Mỗi học sinh cần lựa chọn hướng đi đúng đắn trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế.
Đào tạo nguồn nhân lực có kỹ năng
Đắk Lắk với tiềm năng phát triển kinh tế đa dạng, nhu cầu về lao động có kỹ năng ngày càng tăng. Tỉnh đã và đang triển khai nhiều chương trình đào tạo nghề cho thanh niên, đặc biệt là học sinh sau tốt nghiệp trung học cơ sở, nhằm xây dựng đội ngũ lao động chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của các doanh nghiệp.
Năm học 2024-2025, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắk (tỉnh Đắk Lắk) có gần 800 học viên học văn hóa kết hợp học nghề. Ông Nguyễn Đình Huy, Giám đốc Trung tâm cho biết, trước nhu cầu bức thiết của xã hội, Trung tâm đã chủ động liên kết với các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở giáo dục nghề nghiệp... mở các lớp dạy chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông song song với trung cấp nghề. Kết thúc khóa học, các em có 2 bằng tốt nghiệp trung học phổ thông và trung cấp nghề. Ra trường, các em có thể tham gia ngay vào thị trường lao động hoặc học liên thông lên cao đẳng, đại học. Các em sẽ tiết kiệm được một khoản kinh phí không nhỏ cho gia đình, cơ hội tìm việc làm phù hợp sau khi tốt nghiệp.
“Lợi thế quan trọng nhất là các em được học những ngành nghề cụ thể, sát thực tế công việc nhất. Các em được học kỹ năng, kinh nghiệm và thực hành ngay khi còn trên ghế nhà trường. Khi ra trường, các em đã có sẵn kinh nghiệm. Sau hơn 3 năm học, học viên sẽ có trình độ trung học nghề chính quy. Các em đã có thể làm việc tại công ty để kiếm sống, tiết kiệm được một khoản chi phí học tập và đi làm sớm hơn”, ông Nguyễn Đình Huy cho biết.
Trường Trung cấp Tây Nguyên là đơn vị liên kết dạy nghề với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp-Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pắk từ tháng 3/2023. Bà Nguyễn Thị Phương, đại diện Trường Trung cấp Tây Nguyên cơ sở Krông Pắk cho biết, ban đầu, nhà trường chỉ có 2 ngành nghề, tuyển sinh 74 học viên. Để đáp ứng yêu cầu địa phương, nhà trường phát triển cả quy mô, số lượng. Đến nay, số ngành nghề đã tăng lên 7 gồm: Tin học ứng dụng, hướng dẫn viên du lịch, công nghệ ô tô, thương mại điện tử, kỹ thuật nấu ăn..., số lượng học viên đăng ký lên tới 732 người. Trường đã đầu tư 2 phòng thực hành tin học, 1 xưởng thực hành kỹ thuật sửa chữa ô tô, các phòng học lý thuyết được trang bị đầy đủ tivi, camera... Bên cạnh đó, nhà trường ký kết với các doanh nghiệp tại thành phố Buôn Ma Thuột, công ty du lịch tại Nha Trang..., để sau khi ra trường, các em sẽ được giới thiệu việc làm.
Sau thời gian vừa học văn hóa vừa học nghề, các em có nhiều thay đổi, trưởng thành hơn, có thêm kỹ năng, kiến thức ngành nghề vững vàng. Hiện đã có doanh nghiệp đặt hàng và đang chờ các em ra trường để nhận vào làm việc, bà Phương nói.
Em Y Yo Sam Niê (15 tuổi, học viên lớp Công nghệ ô tô của Trường Trung cấp Tây Nguyên cơ sở Krông Pắk) chia sẻ, tham gia lớp học, em được giáo viên hướng dẫn tận tình, chi tiết, dễ hiểu. Bên cạnh đó, em được học nghề miễn phí, điều này hỗ trợ rất nhiều cho em trong quá trình theo học tại trường. Em mong muốn sau khi ra trường sẽ mở tiệm gara sửa chữa ô tô để ổn định cuộc sống.
Anh Nguyễn Công Bình, Trưởng bộ môn công nghệ ô tô, Trường Trung cấp Tây Nguyên chia sẻ, hiện nay, học sinh sau trung học cơ sở có xu hướng theo học nghề. Nhiều em đam mê, lựa chọn ngành nghề yêu thích, trong quá trình học được thực hành nhiều, do đó, các em rất phấn khởi.
“Xác định dạy nghề là 70% thực hành, 30% lý thuyết, do đó cơ sở vật chất cần được đảm bảo để đào tạo các em bài bản, đúng quy trình, kỹ năng, kỹ thuật. Đủ trang thiết bị sẽ giúp các em được tiếp xúc, va chạm thực tế nhiều hơn. Nhà trường hướng tới đào tạo những ngành nghề thiết thực để các em áp dụng vào cuộc sống, kiếm được công việc sau này”, anh Nguyễn Công Bình chia sẻ.
Đắk Lắk hiện có khoảng 42 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó, có 9 trường cao đẳng, 5 trường trung cấp, 10 trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, 19 cơ sở khác có tham gia đào tạo, đảm bảo nhu cầu đào tạo nghề cho khoảng 45.000 người. Trong 9 tháng đầu của năm 2024, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã tuyển sinh, đào tạo được khoảng 30.000 học viên, trong đó, trình độ cao đẳng 150 người; trung cấp 1.180 người; sơ cấp gần 14.000 người; giáo dục thường xuyên khoảng 16.000 người.
Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và xã hội tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Quang Thuân thông tin, Sở đã kết nối doanh nghiệp với các cơ sở có chức năng đào tạo nghề ở trong và ngoài tỉnh. Cấp ủy, chính quyền địa phương cần quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo và có sự phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ giữa các sở, ngành, đặc biệt là giáo dục với lao động trong việc phân luồng học sinh, từ đó nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, tỷ lệ lao động cấp chứng chỉ.
Việc đầu tư vào hướng nghiệp và đào tạo nghề là nền tảng để Đắk Lắk phát triển, xây dựng lực lượng lao động trẻ có tay nghề cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Đây là giải pháp tối ưu, không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân mà còn thúc đẩy nền kinh tế, tạo dựng tương lai phát triển bền vững.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/huong-nghiep-som-hinh-thanh-doi-ngu-lao-dong-tre-co-tay-nghe-cao-a174422.html