TP Hồ Chí Minh: Trang bị kỹ năng cho nông dân đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử

Xu hướng mua sắm trên các sàn thương mại điện tử đang tăng rất nhanh, tuy nhiên sản phẩm nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trên các sàn này, chưa tương xứng với nhu cầu mua sắm của người dân thành phố.

Thông tin trên được Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh, đưa ra tại khóa tập huấn trang bị kỹ năng kinh doanh và hướng dẫn tạo gian hàng, vận hành, bán các sản phẩm trên nền tảng TikTok Shop cho nông dân và các doanh nghiệp nông nghiệp trên địa bàn vào ngày 13/11 tại TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh Tiến sĩ Nguyễn Hữu Hoài Phú, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh phát biểu tại khoá tập huấn. 

Theo ông Nguyễn Hữu Hoài Phú, truyền thông và bán hàng trên không gian mạng mang lại hiệu quả rất lớn. Thực tế, tại tuần lễ sản phẩm OCOP - sản phẩm đặc trưng vùng miền, công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến nông sản năm 2024 vừa diễn ra trong 5 ngày (từ 6 - 9/11) tại Công viên Lê Thị Riêng, với không gian trưng bày sản phẩm OCOP của 32 tỉnh, thành đã thu hút khoảng 100.000 lượt người tham gia mua sắm. Tại sự kiện này, ban tổ chức cũng phối hợp cùng bảy KOL/TikToker bán nông sản và sản phẩm OCOP trên sàn TikTok Shop, thu hút 160.000 người tham gia xem, bình luận và mua hàng.

“Nông nghiệp tại thành phố tuy nhỏ nhưng lại là nơi dẫn dắt về công nghệ giống, công nghệ sản phẩm. Việc đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử không chỉ giúp bán hàng mà còn tạo liên kết với doanh nghiệp ở các tỉnh thành, góp phần xây dựng chuỗi cung ứng nông sản đến tay người tiêu dùng một cách hiệu quả hơn. Tuy nhiên, thống kê cho thấy, sản phẩm nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh tham gia trên TikTok Shop chỉ chiếm dưới 5%, rất nhỏ so với nhu cầu mua sắm của người dân”, ông Nguyễn Hữu Hoài Phú chia sẻ.

Chú thích ảnh Hoa hậu Trương Hồ Phương Nga chia sẻ kinh nghiệm bán hàng trên TikTok Shop.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh cũng cho biết, việc khai thác nền tảng số vẫn là một thách thức đối với nông dân và các doanh nghiệp nhỏ, khi lãnh đạo các doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng đến lĩnh vực này. Bên cạnh đó, việc quản lý của cơ quan nhà nước còn thiếu đồng bộ và chưa có cơ sở dữ liệu chung giữa các sở, ngành.

Nhằm hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp nông nghiệp nâng cao năng lực số hóa, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh đã phối hợp với TikTok Shop tổ chức khóa tập huấn miễn phí, trang bị kỹ năng kinh doanh và hướng dẫn cách tạo gian hàng, vận hành bán các sản phẩm nông nghiệp trên nền tảng này. Đây là bước khởi đầu quan trọng trong chuỗi hoạt động của Sở nhằm thúc đẩy thương mại điện tử cho sản phẩm nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh.

Chú thích ảnh Tham gia khoá tập huấn này, các học viên sẽ được đào tào từ lý thuyết đến thực hành.

Bà Trần Thị Tân, Giám đốc trách nhiệm xã hội của TikTok Shop cho biết: “Cơ hội để các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn thương mại điện tử rất lớn, nhưng để bán hàng bền vững, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực và liên tục học hỏi để làm chủ các công cụ công nghệ”.

“Sản phẩm nông nghiệp có nhiều câu chuyện thú vị mang tính địa phương và đặc trưng vùng miền, nhưng nhiều nông dân, doanh nghiệp chưa biết cách kể chuyện hấp dẫn để thu hút khách hàng. Do đó, nếu cải thiện nội dung tốt, doanh số bán hàng sẽ tăng đáng kể”, bà Tân chia sẻ.

Đại diện Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Hồ Chí Minh kỳ vọng thông qua khóa tập huấn lần này, nông nghiệp Việt sẽ tạo ra một làn sóng mới trong ứng dụng thương mại điện tử. Điều này giúp sản phẩm nông nghiệp của TP Hồ Chí Minh nói riêng và Việt Nam nói chung có thể tiếp cận thị trường rộng lớn hơn, gia tăng giá trị và nâng cao thu nhập cho nông dân.

Khóa tập huấn kéo dài 5 buổi với gần 50 học viên là lãnh đạo và CEO đến từ hơn 20 doanh nghiệp nông nghiệp tiêu biểu. Các buổi học sẽ được phát trực tuyến trên YouTube để tạo điều kiện thuận lợi cho học viên tham gia.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tp-ho-chi-minh-trang-bi-ky-nang-cho-nong-dan-dua-nong-san-len-san-thuong-mai-dien-tu-a174392.html