Giải quyết bất cập trong xử lý vật chứng, tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế

(Chinhphu.vn) - Các đại biểu Quốc hội đồng tình về việc cần có nghị quyết để giải quyết vướng mắc, bất cập về xử lý vật chứng, tài sản trong các vụ việc, vụ án hiện nay.

Giải quyết bất cập trong xử lý vật chứng, tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế- Ảnh 1.

Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự

Ngày 9/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự thảo Nghị quyết thí điểm xử lý vật chứng, tài sản trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử một số vụ việc, vụ án hình sự.

Dự thảo Nghị quyết gồm 5 điều. Trong đó, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Nghị quyết xác định việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản bị thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa thực hiện ngay từ giai đoạn giải quyết nguồn tin về tội phạm, xuyên suốt quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và chỉ áp dụng thí điểm đối với các vụ án, vụ việc hình sự thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo.

Dự thảo Nghị quyết quy định 5 biện pháp xử lý vật chứng, tài sản, gồm: Trả lại tiền cho bị hại hoặc gửi tiền vào ngân hàng để chờ xử lý; nộp tiền bảo đảm để hủy bỏ việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa; cho phép mua bán, chuyển nhượng vật chứng, tài sản và xử lý tiền thu được từ việc mua bán, chuyển nhượng; giao vật chứng, tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp để quản lý, khai thác, sử dụng; tạm ngừng giao dịch, tạm dừng việc đăng ký, chuyển quyền sở hữu, sử dụng tài sản.

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đều bày tỏ nhất trí sự cần thiết ban hành Nghị quyết, tạo cơ sở pháp lý nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm về kinh tế, tham nhũng, chức vụ, bảo đảm tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân liên quan cũng như giảm thiểu những tác động tiêu cực đến đầu tư, kinh doanh. Kết quả thí điểm sẽ tạo cơ sở thực tiễn cho việc hoàn thiện pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự trong thời gian tới.

Tham gia ý kiến, đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Đoàn Thừa Thiên Huế) cho rằng, trong thời gian qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Ban chỉ đạo phòng, chống Trung ương đã phát hiện, xử lý nhiều vụ án tham nhũng kinh tế đặc biệt lớn, có quy mô và tính chất nghiêm trọng. 

Việc thu giữ, tạm giữ, kê biên, phong tỏa lên đến nhiều nghìn tỷ đồng, nhiều dự án bất động sản, tài sản như vụ Phan Văn Anh Vũ, FLC, Việt Á, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát và nhiều vụ án khác nữa. Trong khi đó, việc xử lý phải chờ thời gian tiến hành tố tụng đối với vụ việc, vụ án hằng năm trời mới có thể xem xét, quyết định dẫn đến vật chứng, tài sản bị thu giữ bị đóng băng.

Chính điều này có thể dẫn đến lãng phí nguồn lực, chưa kể các dự án không hoạt động gây lãng phí, mất cơ hội kinh doanh và tài sản bị mất giá trị.

Ngoài ra, trong một số vụ việc, vụ án quá trình xác minh, điều tra đã phát hiện có nhiều vụ việc cần thiết phải áp dụng ngăn chặn người nắm giữ tài sản liên quan đến hành vi phạm tội có thể tẩu tán, chuyển dịch tài sản đó nhưng pháp luật không quy định biện pháp tạm ngừng giao dịch. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thanh Hải cho rằng cần thiết ban hành nghị quyết quy định với 5 biện pháp và thẩm quyền, trình tự, thủ tục.

Giải quyết bất cập trong xử lý vật chứng, tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế- Ảnh 2.

Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP. Hà Nội) nêu ý kiến thảo luận

Đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh

Nêu ý kiến, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (Đoàn TP.Hà Nội) nêu thực tiễn rất nhiều vụ án lớn có tính chất phức tạp, thời gian điều tra kéo dài, có những vụ kéo dài từ 1-2 năm, thậm chí hơn, đến khi tòa án giải quyết thì vật chứng là nhà xưởng, thiết bị, máy móc, phương tiện hầu như bị hỏng, không thể sử dụng được và chỉ còn là đống sắt vụn gây lãng phí và thiệt hại lớn cho các bên đương sự.

Đặc biệt, các vụ án liên quan đến việc cho vay của ngân hàng thương mại hiện nay, như vụ án Tân Hoàng Minh bị cáo đã nộp và khắc phục số tiền hơn 8.000 tỷ đồng cho bị hại ngay sau khi khởi tố vụ án, đáng lẽ có thể trả ngay cho bị hại nhưng theo quy định thì số tiền trên phải gửi vào kho bạc. Trong khi đó, thời hạn điều tra là 2 năm tòa án mới giải quyết, điều này gây rất bức xúc và thiệt hại rất lớn khi đồng tiền không được lưu thông.

Theo đại biểu Nguyễn Hữu Chính, mục đích của việc thí điểm xử lý vật chứng, tài sản đảm bảo tính kịp thời của một nền tư pháp không chậm trễ và tiết kiệm chi phí cho xã hội.

Tuy nhiên, đại biểu đề nghị mở rộng phạm vi điều chỉnh, không nên gói gọn trong một số vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương theo dõi như dự thảo. Bởi lẽ, trong thực tiễn và thống kê hằng năm, số lượng những vụ án tham nhũng chiếm tỉ lệ rất nhỏ từ 10-15% so với các vụ án thông thường, trong khi đó tang vật thu giữ, kê biên trong vụ án hình sự thông thường rất lớn. Nếu chỉ thí điểm trong lĩnh vực án tham nhũng thì chỉ đúng phần nào, không làm thay đổi thực trạng đã, đang tồn tại.

Hơn nữa, hiện nay, các kho tang vật của cơ quan công an các tỉnh, thành phố rất quá tải, gây khó khăn, lãng phí cho việc trông coi, bảo quản. Mục đích, ý nghĩa của việc thí điểm xử lý tang vật trong vụ án hình sự là giảm tối đa lãng phí và thiệt hại cho các bên đương sự khi tang vật bị kê biên, thu giữ. Do đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính phủ đề nghị thí điểm tất cả các vụ án hình sự.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Hữu Chính cũng cho rằng không nhất thiết phải quy định cứng thời gian thí điểm 3 năm. Trong thời gian thí điểm luôn sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm, nếu thấy ưu việt thì đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung vào Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo quyền lợi tối đa cho các bên đương sự, giảm tối thiểu thiệt hại, thất thoát, lãng phí cho nhà nước, tổ chức và công dân.

Cùng quan điểm, đại biểu Phạm Đức Ấn (TP. Hà Nội) bày tỏ: "Với cá nhân tôi cũng như hệ thống các tổ chức tín dụng cũng rất mong chờ nghị quyết này ra đời và mở rộng phạm vi hơn cho tất cả các vụ án".

Đại biểu Phạm Đức Ấn dẫn chứng trong vụ án về thủy sản Tây Nam từ năm 2016, vụ án xử cho đến nay hơn 8 năm, dư nợ là 258 tỷ, đến thời điểm hiện nay tiền lãi đã phát sinh gần 300 tỷ. Nhà máy, thiết bị sản xuất về thủy sản bây giờ bán cũng không còn giá trị, nhà cửa để làm siêu thị cũng đóng cửa từ đó đến nay. Như vậy, nếu chúng ta đưa vào xử lý sớm được vấn đề này thì hiệu quả mang lại sẽ rất lớn.

"Vì vậy, chúng tôi rất mong muốn nghị quyết được mở rộng hơn nữa", đại biểu Phạm Đức Ấn nói.

Giải quyết bất cập trong xử lý vật chứng, tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế- Ảnh 3.

Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu quan tâm

Làm rõ một số vấn đề, Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Huy Tiến cho rằng, việc mở rộng phạm vi điều chỉnh mà các đại biểu nêu lên rất xác đáng, rất tâm huyết và trách nhiệm. Bởi nhiều vụ án hiện nay được phân cấp và chuyển các vụ việc từ trên, trước đây tập trung ở Trung ương nhưng những năm gần đây ở cấp tỉnh đã giải quyết những vụ án rất lớn.

Theo Viện trưởng Viện KSND tối cao, Nghị quyết thí điểm này quy định những biện pháp mà tố tụng chưa quy định và đây là chủ trương của Tổng Bí thư, yêu cầu tránh lãng phí. Lãng phí nhiều khi rất lớn và thiệt hại lớn hơn cả những hậu quả từ tham nhũng.

Đây là những vấn đề rất mới, phải cần hết sức thận trọng, cần có thí điểm, đánh giá và kết luận của Bộ Chính trị cũng cho phép thí điểm ở diện vụ án, vụ việc của Ban Chỉ đạo Trung ương. Cơ quan soạn thảo sẽ tiếp tục nghiên cứu ý kiến của các đại biểu Quốc hội và có báo cáo, đề xuất tiếp trong thời gian tới; nếu chỉ ở trong phạm vi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng cũng phải khẩn trương đánh giá và sớm có chuyển hóa bổ sung, sửa đổi Bộ luật Tố tụng hình sự.

Đối với ý kiến của về việc phải quy định hết sức chi tiết, tránh lạm dụng quyền lực, phải thẩm định giá, tránh gây thất thoát và bảo đảm quyền khiếu nại, tố cáo, nộp bồi thường thiệt hại, Viện trưởng Viện KSND tối cao cho hay, trong quá trình xây dựng Nghị quyết, cơ quan soạn thảo luôn cố gắng tìm cách để bảo đảm việc thu hồi tối đa tài sản cho những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, bảo đảm tối đa cho nhà nước nhưng không được ảnh hưởng đến việc xử lý vụ án. Điều này thể hiện trong nguyên tắc, quá trình xử lý, còn những vấn đề thuộc về chi tiết sẽ được thể chế hóa cụ thể trong thông tư liên tịch.

Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu thấu đáo, kỹ lưỡng tất cả các ý kiến của các đại biểu Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, thảo luận trong thời gian giữa 2 đợt họp của Quốc hội để hoàn chỉnh dự thảo nghị quyết với chất lượng cao nhất trình Quốc hội xem xét, thông qua vào cuối kỳ họp này.

Hải Giang


Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/giai-quyet-bat-cap-trong-xu-ly-vat-chung-tai-san-cac-vu-an-tham-nhung-kinh-te-a173970.html