Trong Báo cáo Đánh giá tác động môi trường đang xin ý kiến Bộ Kế hoạch và đầu tư, Công ty TNHH Công nghệ Shunsin (Việt Nam), thành viên thuộc Tập đoàn Foxconn, cho biết sẽ giải ngân 80 triệu USD (hơn 2.000 tỷ đồng) để xây dựng nhà máy sản xuất, gia công mạch tích hợp.
Trong đó, chủ đầu tư Shunsin sẽ góp 20 triệu USD tiền mặt để thực hiện dự án. Phần còn lại là vốn vay và huy động.
Mạch tích hợp (integrated circuit - IC), còn được gọi là chip, là tập các mạch điện chứa các linh kiện bán dẫn như bóng bán dẫn (transistors), điện trở (resistors), và tụ điện (capacitors), để thực hiện một chức năng nhất định.
Mục tiêu của dự án là sản xuất, gia công linh kiện điện tử với tổng quy mô công suất 4,5 triệu sản phẩm/năm.
Trong đó, sản xuất mạch tích hợp quy mô công suất 4,41 triệu sản phẩm/năm và gia công mạch tích hợp quy mô công suất 90.000 sản phẩm/năm. Các sản phẩm được xuất khẩu 100% sang Hoa Kỳ, Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản.
Shunsin kỳ vọng sẽ hoàn thành các thủ tục, bao gồm giấy cấp phép xây dựng trong năm nay, sau đó xây dựng các hạng mục công trình và lắp đặt máy móc thiết bị tới tháng 5/2026. Dự án đặt kế hoạch vận hành thử nghiệm từ tháng 6/2026 và tiến tới vận hành chính thức từ tháng 12/2026.
Nếu được các cơ quan chức năng chấp thuận, nhà máy này sẽ được xây dựng tại Khu công nghiệp Quang Châu (Bắc Giang) với diện tích 44.343,8m2, trên phần đất thuê lại của Công ty CP Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang - công ty con của “ông trùm” bất động sản khu công nghiệp là Tập đoàn Kinh Bắc.
Động thái này của “ông lớn” Đài Loan (Trung Quốc) diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầy tiềm năng khi các tập đoàn đa quốc gia đẩy mạnh chiến lược “Trung Quốc +1” và tái cơ cấu lại chuỗi sản xuất nhằm giảm thiểu các rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và tình hình thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Được biết, Tập đoàn Foxconn (Đài Loan) hiện là doanh nghiệp lớn nhất thế giới trong lĩnh vực sản xuất thiết bị điện tử tiêu dùng, tham gia vào 40% thị phần thiết bị điện tử tiêu dùng trên toàn thế giới.
Foxconn đang trong quá trình chuyển dịch đầu tư, mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Trong một báo cáo gửi tỉnh Bắc Giang, Foxconn cho biết họ muốn mở rộng đầu tư vào Bắc Giang, "dựa trên chiến lược dịch chuyển khỏi Trung Quốc của tập đoàn và nhu cầu thực tế của các khách hàng lớn".
Foxconn bắt đầu xây dựng nhà xưởng tại tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh của Việt Nam từ đầu năm 2007. Các sản phẩm của tập đoàn đa dạng trên nhiều lĩnh vực liên quan đến máy tính, công nghệ thông tin, hàng điện tử tiêu dùng, linh kiện ôtô, thiết bị bán dẫn...
Cuối năm 2022, ngay sau khi Công ty Sài Gòn - Bắc Giang được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư dự án Khu công nghiệp Quang Châu mở rộng (hơn 90 ha), Tập đoàn Foxconn đã ký Biên bản ghi nhớ (MOU) thuê lại 50,5 ha đất để triển khai các dự án với tổng mức đầu tư hơn 300 triệu USD.
Ngoài ra, tính đến nay, Foxconn đã đầu tư một loạt dự án tại Quảng Ninh với tổng vốn đầu tư khoảng 1,5 tỷ USD.
Trong khi đó, Kinh Bắc hiện sở hữu hơn 6.600 ha đất khu công nghiệp, chiếm 5,1% tổng diện tích đất khu công nghiệp cả nước.
Hơn 90% khách hàng tại các khu công nghiệp của Kinh Bắc là các doanh nghiệp nước ngoài lớn đến từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc, Hồng Kông như Canon, Foxconn, LG, Ingrasys.
Trong năm nay, Kinh Bắc dự kiến ghi nhận doanh thu từ cho thuê 111 ha đất khu công nghiệp, bao gồm các khu Quang Châu, Nam Sơn Hạp Lĩnh, Tân Phú Trung, Tràng Duệ 3, và cụm công nghiệp Hưng Yên.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/foxconn-dinh-rot-80-trieu-usd-vao-khu-dat-cua-tap-doan-kinh-bac-a173820.html