Nhận định đầu tư
Chứng khoán Asean (Aseansc): VN-Index đã lấy lại mức cân bằng của tuần liền trước (1.258 điểm), củng cố vùng hỗ trợ 1.244 điểm và tiệm cận kênh tăng giá dài hạn, kỳ vọng ngưỡng này sẽ trở thành vùng đệm hỗ trợ tốt giúp chỉ số cân bằng và hồi phục trở lại. Tâm lý khởi sắc của nhà đầu tư chủ yếu đến từ việc theo dõi kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.
Ở góc nhìn vĩ mô trong nước, tình hình tỉ giá duy trì ổn định trong các phiên gần đây và Ngân hàng Nhà nước tiếp tục bơm gần 15.000 tỷ trong ngày 6/11 giúp hỗ trợ thanh khoản thị trường và củng cố tâm lý nhà đầu tư trong ngắn hạn. Tuy nhiên, sự gia tăng đột biến của DXY trong phiên ngày 7/11 là một yếu tố mà nhà đầu tư cần theo dõi cẩn trọng.
Aseansc duy trì quan điểm thị trường trong ngắn hạn sẽ tiếp tục có nhịp hồi nhẹ, nhà đầu tư cần theo sát diễn biến tỉ giá và các động thái của NHNN trong thời gian tới, có thể giải ngân thăm dò thị trường khi quá trình cân bằng có dấu hiệu hình thành, tuy nhiên cần phân bổ tỷ trọng một cách hợp lý.
Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN): Thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng trong phiên kế tiếp và chỉ số VN-Index sẽ tiếp tục thử thách lại ngưỡng kháng cự 1.267 điểm.
Điểm tích cực là các chỉ số vừa và nhỏ hình thành mô hình đảo chiều xu hướng tăng cho thấy rủi ro ngắn hạn tiếp tục giảm dần. Ngoài ra, chỉ báo tâm lý ngắn hạn tiếp tục tăng cho thấy các nhà đầu tư đã giảm bi quan hơn với diễn biến thị trường hiện tại.
Chứng khoán Shinhan (SSV): Ở các phiên giao dịch tới, nếu VN-Index tăng điểm với thanh khoản cải thiện dần theo đà tăng, dòng tiền lan tỏa sang nhiều nhóm ngành, nhà đầu tư có thể cân nhắc gia tăng tỉ trọng vào cổ phiếu. Ngược lại, nếu VN-Index đánh mất EMA200 với thân nến rộng, VN-Index quay về xu hướng giảm và kiểm định lại vùng 1.200 - 1.220 điểm.
SSV khuyến nghị nhà đầu tư nên duy trì trạng thái quan sát chờ đợi thị trường xác định xu hướng tăng ngắn hạn. Nhà đầu tư có thể canh mua khi thị trường vượt lên trên 1.270 điểm. Nếu VN-Index thất bại trong việc thu hút dòng tiền từ phe mua và đánh mất EMA200, nhà đầu tư có thể giảm tỉ trọng cổ phiếu để quản trị rủi ro.
Khuyến nghị đầu tư
- DGC (CTCP Tập đoàn Hoá chất Đức Giang): Bán.
Quý III/2024, DGC đạt doanh thu và lợi nhuận thuần lần lượt là 2.558 tỷ đồng (tăng 4% so với cùng kỳ) và 706 tỷ đồng (giảm 7% so với cùng kỳ). Công ty đặt kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế quý IV lần lượt là 2.591 tỷ đồng (tăng 8,5% so với cùng kỳ) và 770 tỷ đồng (giảm 11% so với cùng kỳ).
So với quý III năm trước, doanh thu tăng nhẹ nhờ sản lượng nhưng chi phí quặng apatite đầu vào và vận chuyển tăng, lãi tiền gửi giảm dẫn tới lợi nhuận giảm.
TCBS đánh giá kết quả kinh doanh cuối năm ổn định so với cùng kỳ nhờ giá cước vận chuyển đã hạ nhiệt, nguồn cung quặng không còn bị gián đoạn do bão và nhu cầu photpho vàng tăng khi các công ty mua nguyên liệu tích trữ vào cuối năm. Ngoài ra, DGC sẽ tạm ứng cổ tức 2024 với tỉ lệ 30%, đăng ký cuối cùng ngày 20/11, thanh toán ngày 20/12.
- CTG (Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam): Chờ bán.
CTG công bố kết quả kinh doanh quý III/2024 với lợi nhuận trước thuế đạt 6.553 tỷ đồng (tăng 35% so với cùng kỳ) chủ yếu do tăng trưởng tín dụng và thu hồi nợ xấu tốt.
Chất lượng tài sản vẫn tốt thể hiện ở tỉ lệ nợ xấu giảm từ 1,6% trong quý trước xuống 1,4% và tỉ lệ bao phủ nợ xấu tăng từ 114% lên 153%.
Ngân hàng cũng đang chờ phê duyệt của NHNN cho việc trả cổ tức bằng cổ phiếu. Do đó, TCBS khuyến nghị nhà đầu tư tiếp tục nắm giữ và chờ cơ hội chốt lời.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/lang-kinh-chung-khoan-811-rui-ro-ngan-han-tiep-tuc-giam-dan-a173700.html