Nhân vụ Tập đoàn Sơn Hải nghĩ về văn hóa ứng xử, văn hóa công vụ

Tuần qua có sự việc ồn ào trên công luận, là tập đoàn Sơn Hải có đơn tố cáo gửi công an Thanh Hóa về hành vi phá hoại biển báo trên tuyến cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chạy qua tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An. Đoạn đường này thuộc tuyến cao tốc Bắc Nam giai đoạn 1, do Sơn Hải thi công.

Theo đó, các tấm biển báo có dòng chữ nhỏ ở cuối bảng là "Đoạn đường Sơn Hải bảo hành 10 năm". Và có một số người, sau xác định là công nhân của khu quản lý đường bộ, đã dùng xe nâng đi xóa dòng ấy.

Sơn Hải là một tập đoàn xây dựng mạnh của đất nước. Trong khi đường nói chung và một số công trình xây dựng khác của nước ta, ngoài một số bảo đảm thì có một số khác, vừa làm đã hỏng, làm đoạn cuối thì phải sửa đoạn đầu, ai lưu thông trên đường đều biết, thì Sơn Hải đột ngột xuất hiện, khi thứ nhất là họ làm đường rất tốt.

Tôi là người hay di chuyển bằng xe cá nhân, và quả là, lái xe trên những đoạn đường Sơn Hải làm rất sướng. Nó êm, không bị lượn sóng, không dằn sóc. Trên tuyến Bắc Nam, Sơn Hải có mấy đoạn đường gắn tên mình là đoạn ở Quảng Bình, đoạn ở Đăk Nông và giờ là đoạn cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu chạy qua tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An.

Thứ hai nữa là, điều này phải đến khi Sơn Hải xuất hiện mới có, ấy là những đoạn đường nào Sơn Hải làm đều gắn biển "Sơn Hải bảo hành", trước là 5 năm, giờ ở đoạn cao tốc Nghi Sơn- Diễn Châu này, nâng lên 10 năm. Khỏi phải nói dân sướng đến như thế nào, và chính quyền cũng ủng hộ ra sao?

Và có một hồi còn đồn lên chuyện, sau khi Sơn Hải làm đường vừa tốt vừa cam đoan bảo hành như thế thì luôn bị... bật bãi trong các cuộc đấu thầu.

Chuyện vắng mặt thì có thật, còn nguyên nhân thực có như đồn thổi hay không thì chả ai biết, nhưng những tin đồn "như đinh đóng cột" như thế thường loang rất nhanh.

Hiện tại của việc xóa chữ bảo hành 10 năm trên biển báo thì hai bên đều đưa ra lý lẽ của mình. Và bên nào cũng... có lý. Một bên thì bảo đã có thỏa thuận, có cả bộ Giao thông Vận tải chứng giám sự thỏa thuận ấy, bên thì bảo, trong quy chuẩn biển báo không có dòng chữ ấy, không được phép có.

Dân thì bảo, thì ngay cái biển báo trước đấy ở 2 đoạn ở Quảng Bình và Đăk Nông là Sơn Hải bảo hành ấy, cũng có trong hệ thống biển báo đường bộ đâu, nhưng nó đã vẫn tồn tại lâu nay. Dân cũng bảo, thực ra cái biển báo ấy, thêm cái hàng chữ ấy, cũng chả chết ai?

Nhưng ở đây, có một vấn đề nổi lên, ấy là văn hóa ứng xử.

Bên Sơn Hải đã treo lên, cũng tốn kém phết, và theo họ là đã được thỏa thuận, thì giờ, sau hơn một năm, cơ quan quản lý nhà nước phát hiện nó không đúng, nó sai, nó vi phạm vân vân, thì việc đầu tiên nên làm là, gọi điện thoại, hoặc sức công văn, nhắc nhau cái.

Rồi yêu cầu ngày ấy ngày ấy phải gỡ, không gỡ thì cưỡng chế gỡ, và chi phí gỡ ấy Sơn Hải phải chịu vân vân...

Nó đẹp biết bao nhiêu, lịch sự biết bao nhiêu, và văn hóa biết bao nhiêu.

Đây, tự điều quân đi làm, vừa tốn kém vừa mang tiếng.

Nó khiến dân tình lại xôn xao nhớ chuyện Sơn Hải từng "bật bãi" sau cú "bảo hành" đầu tiên năm nào đấy ở đoạn đường Quảng Bình. Nó như là cái kiểu "sửa dép ruộng dưa", việc làm có thể đúng nhưng cách làm khiến bị nghĩ méo đi.

Và nó chạm vào tự ái của doanh nghiệp, thậm chí họ thấy bị xúc phạm khi họ vẫn lù lù đấy, họ treo biển lên công khai thanh thiên bạch nhật, thì bên có quyền cũng thanh thiên bạch nhật đi xóa của họ, như một cách phủ nhận họ.

Chỉ dẫn chứng từ trong gia đình thôi, một thành viên gia đình làm gì đấy, rất tâm huyết, và cho là đúng, nhưng một thành viên khác, có quyền hơn, chả nói chả rằng, xóa, phá cật lực sản phẩm của thành viên kia.

Trong khi những người có hành xử thông thường, có trí tuệ bình thường chả hạn, họ sẽ nói với thành viên kia một câu, làm như thế là xấu là sai, nên xóa/ bỏ/ phá đi, nếu ngày ấy ngày kia không thực hiện thì sẽ thế này thế kia. Và đa phần còn phải... họp gia đình nữa.

Trong một gia đình còn thế, huống là... Tất nhiên tôi không cho rằng nên áp dụng cách hành xử gia đình vào công vụ, nhưng đây chỉ là một dẫn chứng về ứng xử.

Vả, nó sẽ chứng minh mối quan hệ cơ quan quản lý với doanh nghiệp là mối quan hệ tốt đẹp, vì cái chung, vì những con đường đẹp và tốt, vì nhân dân, vì doanh nghiệp, vì đất nước nữa...

Không phải ngẫu nhiên mà từ khi nhậm chức tới nay, tổng bí thư Tô Lâm thường xuyên nhắc tới những điểm nghẽn, tới việc không quản được thì cấm.

Ví dụ, ngoài việc ứng xử có văn hóa với nhau, thể hiện sự tôn trọng nhau, thì tại sao chúng ta không đặt ra là, từ nay trở đi, bất cứ ông nhà thầu nào, làm việc gì, đều phải gắn tên mình vào, và giao hẹn công khai luôn thời gian bảo hành vào đấy để xã hội giám sát.

Nó sẽ mở ra một cách giám sát mới, công khai, minh bạch và được bảo chứng của xã hội, nó khiến mọi việc trở nên rõ ràng, đàng hoàng và sẽ lấy được sự tâm phục khẩu phục của cả xã hội.

Chứ cứ tù mù, nên mới có hàng loạt vụ án nổi tiếng trong mấy năm gần đây, mới có chuyện biếu nhau hàng va ly tiền, từng thùng xốp tiền.

Riêng về làm đường, cũng đã có tới mấy vụ án lớn, nhiều người đang thụ án trong tù, mà 2 con đường gần tôi nhất, tôi từng qua, là cao tốc Quảng Ngãi - Đà Nẵng và đường tránh Chư Sê (Gia Lai), cũng đang có hàng chục người liên quan đã và đang thụ án.

* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nhan-vu-tap-doan-son-hai-nghi-ve-van-hoa-ung-xu-van-hoa-cong-vu-a173699.html