Nó hết sức kinh khủng, là so với thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam hiện nay, và cả so với số có thu nhập cao, nhưng nếu đặt vào bối cảnh chung một loạt các vị từng "hét ra lửa" một thời giờ đang dúm dó trước cơ quan điều tra hay trước tòa thì thấy, té ra, nó cũng sàn sàn nhau, cũng "đôi lứa xứng đôi", cũng xêm xêm nhau, chả biết anh nào hơn anh nào.
Ví dụ hôm kia, viện kiểm sát ra cáo trạng truy tố 2 ông quan đầu tỉnh Thanh Hóa là ông Chiến (bí thư) và ông Xứng (chủ tịch), và chúng ta mới biết hai ông này đã chia nhau mỗi người nộp 22,5 tỷ đồng vào tài khoản của cơ quan điều tra. Hai ông này bị truy tố trong một vụ, vụ Hạc Thành Tower, lúc ông Chiến đang làm chủ tịch và ông Xứng phó chủ tịch.
Đáng chú ý, cũng trong vụ này, cựu giám đốc sở Tài chính Thanh Hóa dù không nhận tội nhưng cũng... nộp lại 10 tỷ đồng.
Trời ơi, tiền đâu mà nhiều thế, và không có tội thì việc gì phải nộp? Một lúc móc trong túi ra chục tỷ, vài chục tỷ để nộp thì kinh quá.
Trước đó một chút, 2 ông đứng đầu tỉnh Lâm Đồng (đều bị bắt tươi khi đang đương chức) bị cáo buộc nhận rất nhiều tiền chỉ trong một vụ "Sài Gòn Đại Ninh", trong đó cựu chủ tịch nhận 4,2 tỷ và cựu bí thư nhận 2,1 tỷ.
Ông cựu bí thư tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Nhân Chiến vừa bị tuyên bốn năm rưỡi tù so với cáo trạng vào khung lên tới tử hình là do đã nộp lại 14 tỷ đồng nhận hối lộ, tức là có yếu tố giảm nhẹ.
Lạ là, ông này làm tới bí thư tỉnh, nhưng phải tới khi bị bắt rồi được cơ quan điều tra phân tích thì mới nhận biết, mới phân biệt được, hành vi như thế là phạm tội, dù để ngồi được vào vị trí ấy, ngoài bằng cấp chuyên môn, họ đều phải học qua cao cấp lý luận chính trị và chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp...
Những tỷ, nhiều tỷ được đọc lên, nhẹ hều như tiền chục, tiền trăm được xếp ngăn nắp, cẩn thận trong ví của hàng triệu người lao động chân chính.
Trước đó nữa, một loạt quan chức bị kỷ luật, bị bắt cũng vì nhận tiền, nhiều cọc tiền, được cất vào két sắt, được "bỏ quên" trong thùng xốp, được để quên ở phòng làm việc, thậm chí để ngoài... hành lang như ông Nguyễn Bắc Son để hẳn 3 triệu đô la ở hành lang nhà mình.
Người nhận ít nhất, cho tới bây giờ, theo cáo trạng, là ông Mai Tiến Dũng, theo cáo trạng ông nhận... hai trăm triệu.
Còn lại đều tỷ này tỷ kia, tới mức, người dân nghe nhiều thành quen, tưởng tiền tỷ chắc cũng ít như tiền... trong ví mình, tiền công hàng ngày của mình...
Điều tôi day dứt là, các ông bà giờ là... củi ấy, họ từng rất nhiều lần, đứng trên bục, trên những vị trí long trọng, rao giảng và dạy dỗ cấp dưới. Cũng từng ký khen thưởng, kỷ luật người này người kia.
Và nữa, trong thời gian giữa bốn bức tường, đối diện cơ quan điều tra ấy, có bao giờ họ thực sự ăn năn, hối lỗi, đặc biệt là xấu hổ, với những gì mình đã nói và mình đã làm, dù khi ra tòa rất nhiều người, chả hiểu có bắt chước nhau hay không, họ hay xin lỗi, xin lỗi Đảng, xin lỗi nhà nước, xin lỗi Tổng bí thư. Ít thấy họ xin lỗi nhân dân. Và cũng ít thấy họ bảo họ xấu hổ.
Theo tôi, còn biết xấu hổ là còn có khả năng đứng dậy, là còn lòng tự trọng, chứ xin lỗi rồi thì rất dễ ráo hoảnh. Nhưng xấu hổ kia cũng có ba bảy đường. Có xấu hổ day dứt, có xấu hổ trơn tuột, có xấu hổ như trẻ con phun mưa, cũng có xấu hổ đến không dám ra ngoài...
Hôm kia, trên diễn đàn quốc hội, bộ trưởng bộ Lao động Thương binh và xã hội phát biểu: "Tỷ lệ thất nghiệp của Việt Nam 'trong ngưỡng cho phép'". Cũng chả hiểu cái "ngưỡng cho phép" ấy là bao nhiêu, và ai quy định, nhưng quả là, đội ngũ Grabber, Shipper... đã xử lý giúp cho chúng ta một tỉ lệ được cho là không thất nghiệp, tức là có "việc làm ổn định", tức "trong ngưỡng cho phép", đáng kể.
Và hôm nọ, ở mục này tôi có viết, rằng là té ra mình cũng quan liêu, không biết là, khi mình ngồi uống cà phê hay ăn uống ở quán nào đấy, những người phục vụ chúng ta ấy, đa phần là các cháu trẻ, là sinh viên làm thêm, hoặc đã tốt nghiệp đại học nhưng chưa có việc, đi làm theo giờ, và được trả công khoảng 14 tới 16 ngàn một giờ.
Một bạn đọc đọc xong nhắn tin: "Con em đi làm thêm , làm trợ giảng cho trung tâm ngoại ngữ mà cứ 16 k/1h", và mới sực nhớ, thực ra các viên chức, tốt nghiệp đại học, loại A1, lương họ là 5.475.600 đồng. Chia cho 30 ngày, mỗi ngày sẽ được khoảng 182 ngàn đồng tính cả 2 ngày nghỉ.
Chia tiếp cho 8 tiếng, thì mỗi tiếng sẽ được 22.750 đồng, hơn các cháu chạy bàn hay trợ giảng một chút. Và, nếu so sánh với số tiền "các bác" đã nhận từ những phi vụ đen trên kia, thấy nó khủng khiếp nhường nào? nó nhẫn tâm như thế nào, nó khốn nạn đến thế nào?
Viết tới đây tôi nhắn tin cho một nhân viên cũ của tôi, hỏi lương cháu bây giờ bao nhiêu, nó nhắn lại "dạ 7 triệu ạ". Nó tốt nghiệp đại học và vào biên chế từ năm 2011, giờ vẫn ở nhà thuê và... chưa vợ...
Tức là xã hội ta bây giờ, bên cạnh những người lao động hết sức chân chính để kiếm tiền phục vụ cho đời sống của mình, và sống khá chật vật, tùng tiệm hết mức có thể, thì vẫn có "một bộ phận không nhỏ", mà đau đớn thay, họ là những người nhẽ ra phải "Tiên thiên hạ chi ưu nhi ưu/ hậu thiên hạ chi lạc nhi lạc", nhưng họ đã chỉ lo vun vén cho mình.
Họ xuất hiện trước công chúng, họ đăng đàn... với một dung mạo khác, rực rỡ long lanh lóng lánh hào quang, chỉn chu đạo mạo, rất long trọng viên, và phía sau, một sự thật hết sức đen đúa về họ, mà phải tới khi các cơ quan chức năng vào cuộc rồi công bố ta mới biết.
Rất may, chúng ta đã rất quyết liệt trong việc chống tham nhũng, hay dân nôm na gọi là "đốt lò", nên nhiều khuôn mặt đen đã bị phơi ra ánh sáng.
Và hy vọng, sắp tới sẽ còn những gương mặt như thế được chỉ đích danh, nhất là khi Tổng bí thư Tô Lâm tuyên bố tuyên chiến với nạn lãng phí đang lan tràn trên nước ta, lãng phí tới... thành quen, tới thấy nếu không... lãng phí có khi lại như thiêu thiếu một thứ gì?
Lãng phí nó cũng sinh ra tham nhũng, hối lộ, sinh ra tiêu cực rất lớn.
Nó cũng chả khác gì giặc nội xâm.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nhung-coc-tien-lien-tuc-duoc-cat-vao-ket-sat-a173454.html