Bản tin 6/11: Tăng mức độ phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Tăng mức độ phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025; Phó Thủ tướng: Lương và phụ cấp gần như không tiết kiệm được...

Tăng mức độ phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025

Bản tin 6/11: Tăng mức độ phân hóa đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Theo đó, nhằm giúp các địa phương, nhà trường và học sinh có căn cứ, định hướng chuẩn bị tốt cho kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) đang khẩn trương hoàn thiện để ban hành quy chế thi trong tháng 11-2024, thông tin trên báo Hà Nội Mới.

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025 dự kiến diễn ra vào cuối tháng 6. Mỗi học sinh sẽ thi 4 môn, gồm 2 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán), 2 môn còn lại do học sinh lựa chọn trong số các môn được học ở lớp 12. Ngày thi sẽ được quy định cụ thể trong hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông của Bộ GD&ĐT.

Thông tin thêm về đề thi, Bộ GD&ĐT cho biết, đề thi bám sát nội dung của Chương trình giáo dục phổ thông 2018; bám sát chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình trung học phổ thông và bảo đảm phân loại được học sinh.

Nhằm tăng cường hiệu quả kỳ thi, đáp ứng tốt hơn cho mục đích tuyển sinh, đề thi các môn sẽ tăng mức độ phân hóa, sử dụng cấu trúc, định dạng đề thi mới do Bộ GD&ĐT quy định.

Phó Thủ tướng: Lương và phụ cấp gần như không tiết kiệm được

Sáng 5/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách Nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2025.

Phát biểu giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề mà các đại biểu Quốc hội nêu, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, việc phân bổ ngân sách, kế hoạch đầu tư phát triển phải được đổi mới về hình thức và cách thức.

Tuy nhiên, theo luật quy định, việc phân bổ ngân sách phải có đầy đủ các thủ tục thì mới có thể thực hiện được. Trong chi thường xuyên cũng như vậy, phải có dự toán và đơn giá định mức được duyệt. Việc phân bổ chi cho khoa học và công nghệ cũng phải có dự toán, định mức được phê duyệt.

Về vấn đề tiết kiệm chi thường xuyên, theo Phó Thủ tướng, chủ yếu là tiết kiệm ở các hoạt động sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp đô thị, mua sắm rồi chi phí công tác phí, hội nghị tiếp khách, mua sắm nhỏ.

"Còn lương và các khoản phụ cấp từ lương thì gần như không tiết kiệm được. Việc chi thường xuyên cho trả tiền lương đã chiếm tới 45%, còn lại là các khoản chi khác", ông Phớc nói.

Tham khảo thêm

Bản tin 5/11: Cứ 1.000 người Việt, có 770 người sở hữu xe máyBản tin 5/11: Cứ 1.000 người Việt, có 770 người sở hữu xe máy

Trúc Chi (t/h)

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ban-tin-611-tang-muc-do-phan-hoa-de-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-a173422.html