Tìm giải pháp để logistics Việt Nam phát triển

(Chinhphu.vn) - Làm thế nào để giảm chi phí và nâng cao năng lực của logistics - một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, là chủ đề của "Hội nghị logistics Việt Nam năm 2024", do Báo Đầu tư tổ chức ngày 31/10.

Tìm giải pháp để logistics Việt Nam phát triển- Ảnh 1.

Các diễn giả tham dự "Hội nghị logistic Việt Nam năm 2024" - Ảnh: VGP/Minh Thi

Hội nghị về logistics lần thứ 2 này thu hút hơn 300 khách mời là lãnh đạo các cơ quan quản lý nhà nước, như Bộ KH&ĐT, Công Thương, GTVT; các chuyên gia, DN hoạt động kinh doanh liên quan đến logistics; đại diện các hiệp hội DN trong nước và quốc tế…

Tại hội nghị, các đại biểu đã thảo luận chuyên sâu về những vấn đề cấp bách nhất của ngành, như hiện đại hóa hạ tầng logistics, tăng cường kết nối giao thông, đảm bảo các biện pháp ứng phó trước các thách thức thay đổi trong hoàn cảnh mới; tái cấu trúc chuỗi cung ứng hướng tới phát triển xanh bền vững, thúc đẩy chuyển đổi số và phát triển hạ tầng thông minh.

Nhiều lợi thế để logistics tăng tốc

Mặc dù còn nhiều khó khăn hiện hữu, nhưng dự báo chung cho thấy thị trường logistics vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển mạnh mẽ. Theo dự báo về triển vọng thị trường của Precedence Research, quy mô thị trường logistics toàn cầu có thể đạt hơn 21.900 tỷ USD vào năm 2033, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm đạt 9,35% cho giai đoạn 2024-2033.

Tại Việt Nam, giá trị thị trường logistics đạt khoảng 40 tỷ USD vào năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng với tỉ lệ khoảng 14-15% hàng năm đến năm 2025. Ngành logistics hiện đang đóng góp khoảng 4-5% GDP và tạo ra công ăn việc làm cho hơn 1 triệu lao động trực tiếp.

Tốc độ phát triển hàng năm của ngành logistics Việt Nam bình quân đạt 14-15%, quy mô 40-42 tỷ USD/năm. DN logistics của Việt Nam tăng nhanh về số lượng, đến nay đã có khoảng trên 3.000 DN vận tải và logistics trong nước và khoảng 25 tập đoàn logistics hàng đầu thế giới đang hoạt động.

Tìm giải pháp để logistics Việt Nam phát triển- Ảnh 2.

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu tại hội nghị - Ảnh: VGP/Minh Thi

Theo Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh, trong những năm qua, ngành logistics đã trở thành một trong những ngành tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam, với tốc độ bình quân khoảng 16%/năm, đóng góp khoảng 4,5% GDP và vươn lên thuộc nhóm 5 quốc gia đứng đầu khu vực ASEAN.

Các hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đang tham gia, vị trí chiến lược trong các tuyến giao thương quốc tế, sức hấp dẫn của môi trường đầu tư… đang ngày một cải thiện, được minh họa rõ nét bởi sự tăng trưởng dòng vốn đầu tư nước ngoài, xuất nhập khẩu tiếp tục đà hồi phục mạnh mẽ sau thời gian bị tác động tiêu cực bởi đại dịch COVID-19.

Đặc biệt là quyết tâm của Chính phủ trong việc đẩy mạnh các đại dự án cơ sở hạ tầng trên khắp các lĩnh vực đường bộ, đường không, cảng biển, đường sắt… cũng như thúc đẩy mạnh mẽ quá trình chuyển đổi kép, gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh... đang mở ra nhiều cơ hội chưa từng có tiền lệ cho ngành logistics Việt Nam phát triển.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế, thuận lợi đó, theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung, ngành logistics Việt Nam còn tồn tại nhiều điểm yếu, cũng như các "nút thắt" cần tháo gỡ, như: Thị trường bất động sản logistics còn phân tán, thiếu sự liên kết và quy hoạch đồng bộ; chi phí logistics cao; các khu vực trọng điểm về xuất nhập khẩu nông sản, như ĐBSCL, hệ thống cảng biển, đặc biệt là cảng nước sâu, vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, buộc hàng hóa phải di chuyển qua các cảng lớn như TPHCM và Bà Rịa-Vũng Tàu, tạo ra áp lực lên hạ tầng và chi phí vận tải.

Ngoài ra, so với các nước trong khu vực, như Malaysia hay Philippines, ngành logistics Việt Nam vẫn thiếu các DN dẫn đầu có khả năng cạnh tranh quốc tế. Sự thiếu hụt cơ sở hạ tầng, việc áp dụng công nghệ hiện đại và phát triển nguồn nhân lực logistics... cũng là những hạn chế lớn cần cải thiện nếu muốn ngành logistics Việt Nam thực sự cạnh tranh với khu vực và thế giới.

Những tồn tại, hạn chế nêu trên đang đặt ra thách thức không nhỏ cho Việt Nam trong việc phát triển ngành logistics trong thời gian tới. Do đó, để tối ưu hóa hoạt động logistics, Việt Nam có những giải pháp đồng bộ cũng như có chiến lược dài hạn để tạo động lực và tiền đề cho logistics Việt Nam "cất cánh".

Tìm giải pháp để logistics Việt Nam phát triển- Ảnh 3.

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đỗ Thành Trung đưa ra các giải pháp để phát triển ngành logistics Việt Nam - Ảnh: VGP/Minh Thi

4 giải pháp phát triển logistics Việt Nam

Thứ trưởng Đỗ Thành Trung đã nêu lên 4 giải pháp để thcs đẩy sự phát triển của ngành logistics Việt Nam.

Thứ nhất, về cơ chế chính sách: Nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về dịch vụ logistics, các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp logistics, tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính.

Thứ hai, về phát triển kết cấu hạ tầng: Cần tiếp tục tập trung hoàn thiện kết cấu hạ tầng logistics, bao gồm hạ tầng giao thông vận tải và hạ tầng logistics.

Thứ ba, về phát triển nguồn nhân lực: Cần sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan ở Trung ương, địa phương, trường đại học, dạy nghề và DN trong việc xác định các nhu cầu về lao động, giáo dục đào tạo. Bên cạnh đó, Nhà nước cần xây dựng các bộ tiêu chuẩn về nghề đối với lĩnh vực logistics, hỗ trợ các trường đầu tư về cơ sở vật chất trang thiết bị trong lĩnh vực này.

Thứ tư, các DN logistics cần nâng cao năng lực cạnh tranh thông qua chuyển đổi số, đầu tư vào công nghệ, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao biết sử dụng các công nghệ mới. Thực hiện liên kết, liên doanh, mua bán sáp nhập DN để tạo ra các DN có tiềm lực mạnh hơn.

Chuyển đổi xanh ngành logistics

Ngày nay, phát triển theo hướng xanh không chỉ là xu hướng mà còn là yếu tố bắt buộc nếu DN muốn phát triển toàn cầu. 

Với ngành logistics thì ESG (môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp) được cụ thể hóa bằng khái niệm logistics xanh. Logistics xanh chi phối đồng thời cả 3 mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường. 3 mục tiêu này không loại trừ nhau mà ngược lại còn củng cố lẫn nhau và tạo tiền đề cho nhau phát triển.

Việt Nam có tiềm năng lớn trở thành trung tâm logistics thế giớiLogistics xanh: Xu hướng tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩuNỗ lực hiện thực hóa phát triển logistics xanh, hướng tới chuẩn mực quốc tếChuyển đổi số, phát triển logistics thông minh để thúc đẩy tăng trưởngLogistics chuyển mình đón đầu cơ hội

Mọi nỗ lực của logistics xanh đều giúp DN đáp ứng yêu cầu ngày càng cao từ cộng đồng và thị trường, và tạo ra cơ hội mới giúp tăng cường vị thế cạnh tranh trên thị trường quốc tế, góp phần quan trọng vào việc hình thành một môi trường kinh doanh tích cực và góp phần thúc đẩy phát triển bền vững tại DN.

Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 đã đặt mục tiêu "xanh hoá" các ngành kinh tế, thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, bền vững về môi trường và công bằng xã hội. Trong đó giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan trong "phát triển logistics xanh", gồm các trung tâm logistics xanh, cảng xanh...

Để thực hiện chiến lược này, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 882/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, trong đó, dịch vụ logistics là một trong 18 chủ đề trọng tâm của Kế hoạch.

DN cũng cần tranh thủ sự ủng hộ, khuyến khích, ưu đãi của Chính phủ và các tổ chức để tận dụng có hiệu quả cơ sở hạ tầng logistics, tạo lợi thế cạnh tranh trong sản xuất, vận hành và vận tải; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, phát triển các nguồn năng lượng mới và sử dụng phương tiện bảo vệ môi trường để thúc đẩy sự phát triển sạch và hiệu quả.

Minh Thi


Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tim-giai-phap-de-logistics-viet-nam-phat-trien-a173407.html