Mục tiêu phát thải ròng bằng “0”
Từ thứ hạng 19 vào năm 2022, đến năm 2023, chỉ số xanh cấp tỉnh (PGI) của Bà Rịa-Vũng Tàu đã tăng lên vị trí thứ 8. Điều này cho thấy nỗ lực của tỉnh trong theo đuổi mục tiêu phát triển xanh, bền vững.
Để đạt được thứ hạng trên, Bà Rịa-Vũng Tàu đã mạnh dạn thực hiện mục tiêu thu hút đầu tư có chọn lọc, không đánh đổi môi trường lấy kinh tế. Tất cả dự án đầu tư trên địa bàn đều được rà soát, đánh giá và lấy ý kiến của cơ quan chuyên môn về môi trường để xem xét việc quyết định cấp đầu tư. Song song đó, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng chú trọng nâng cao năng lực bảo vệ môi trường đối với các dự án đang và đã đầu tư trên địa bàn.
UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đã ban hành Kế hoạch số 262/KH-UBND về việc cải thiện chỉ số PGI năm 2024, mục đích của Kế hoạch là cải thiện và nâng cao kết quả đánh giá PGI của tỉnh; nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức về ý nghĩa và tầm quan trọng của PGI; nâng cao vai trò, trách nhiệm của Thủ trưởng các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trong việc tham mưu, triển khai các nhiệm vụ, giải pháp nhằm duy trì và cải thiện kết quả, thứ bậc xếp hạng Chỉ số PGI của tỉnh, thúc đẩy cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh thân thiện môi trường đảm bảo phát triển bền vững của tỉnh trong thời gian tới.
Chỉ số PGI (Provincial Green Index) là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh; là một phương pháp đánh giá và đo lường mức độ bảo vệ môi trường và phát triển bền vững của một địa phương bao gồm 04 chỉ số thành phần: (1) Giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu; (2) Đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường tối thiểu; (3) Vai trò lãnh đạo của chính quyền tỉnh trong thúc đẩy thực hành xanh; (4) Chính sách và dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp trong bảo vệ môi trường.
Năm 2023, Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 23,47 điểm, xếp thứ 8 trên bảng xếp hạng của cả nước (tăng 11 bậc so với năm 2022), xếp thứ 04 trong khu vực Đông Nam Bộ.
Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng đang khẩn trương thực hiện lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế, góp phần hoàn thành mục tiêu đến năm 2050 phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) theo cam kết của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị quốc tế về Biến đổi khí hậu COP26. Đây cũng là mục tiêu được xác định trong Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Hiện thực hóa mục tiêu
Thời gian qua, nhiều cơ quan, các doanh nghiệp tại Bà Rịa-Vũng Tàu đã bắt tay vào thực hiện mục tiêu đến năm 2050 đưa phát thải ròng bằng “0”. Đáng chú ý, ngày 10/9 vừa qua, Viện nghiên cứu Ứng dụng và đổi mới sáng tạo doanh nghiệp (3AI) cùng Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (Chi nhánh Bà Rịa-Vũng Tàu) đã trao chứng nhận Điểm đến trung hòa carbon (Net Zero) cho khu du lịch Suối Rao Ecolodge.
Theo công bố của 3AI sau khi nghiên cứu, đo đạc, tính toán lượng CO2 phát thải, theo dõi diễn biến động lượng carbon theo thời gian, tổng lượng CO2 lưu trữ trong cây và đất tại Suối Rao Ecolodge trong 6 năm qua là 1.558,86 tấn (tương đương 260 tấn CO2/năm), trong khi lượng phát thải CO2 đo được là 19 tấn/năm. Các hoạt động tại Suối Rao Ecolodge tiêu thụ hết khoảng 7% carbon lưu trữ mỗi năm.
Không chỉ Suối Rao Ecolodge, việc thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, chuyển dịch năng lượng theo hướng xanh và bền vững hơn, giảm lượng khí thải carbon... là xu hướng mà các doanh nghiệp trong tỉnh đang nỗ lực thực hiện. Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, nhiều doanh nghiệp tiên phong triển khai giảm phát thải carbon ra môi trường như dự án Tổ hợp hóa dầu Long Sơn; KCN chuyên sâu Phú Mỹ 3; Heineken Việt Nam…
Ngoài ra, Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xác định Côn Đảo là đơn vị cấp huyện trở thành điểm đến Net Zero đầu tiên của tỉnh. Theo đó, tỉnh đã triển khai đề án “Kinh tế tuần hoàn và phát triển kinh tế-xã hội bền vững huyện Côn Đảo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030”. Đề án là “đòn bẩy” quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch xanh Côn Đảo; cân bằng giữa phát triển kinh tế-xã hội và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên, phát huy tối đa các giá trị tự nhiên, tạo động lực xanh thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững.
Ngoài các giải pháp trên, trong thời gian tới tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cũng xây dựng lộ trình xanh hóa các ngành kinh tế; phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn dựa trên nền tảng khoa học-công nghệ, chuyển đổi số; xây dựng lối sống xanh; xây dựng, phát triển hệ thống cảng xanh, thông minh, hiện đại, đóng góp chung vào nỗ lực giảm phát thải của cả nước, hướng tới phát thải ròng bằng "0" vào năm 2050.
BT
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ba-ria-vung-tau-hanh-dong-de-dat-muc-tieu-net-zero-a173182.html