Khắp thôn xóm làng nghề xuất hiện từng đống sắt, thép nguyên liệu và những sản phẩm cơ khí mới hoàn thiện được bày từng hàng, từng lối ở các sân, xưởng các gia đình.
Theo ông Nguyễn Xuân Toàn, Chủ tịch UBND xã Lý Nhân, làng rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận làng nghề truyền thống năm 2006. Mỗi người dân làng rèn đều đã quen mắt, quen tai với tiếng búa quai sớm tối. Bàn Mạch hiện có 1.041 hộ với 3.500 nhân khẩu nhưng có tới hơn 680 hộ làm nghề rèn thu thút 1.440 lao động tại làng này.
Cùng với đó, còn có hàng trăm lao động không phải là thợ rèn nhưng luôn ở trong làng nghề để sẵn sàng phục vụ như mở dịch vụ liên quan tới nghề này như cấp phôi, chạy xe vận chuyển hàng hóa. Ngoài ra, làng rèn Bàn Mạch còn thu hút hơn 1.000 lao động từ các địa phương khác, chủ yếu vùng lân cận đến làm nghề.... Hiện, nghề rèn ở Bàn Mạch đang phát triển mạnh, biến toàn thôn xóm thành một công xưởng cơ khí tất bật, sôi động với nhiều sản phẩm phong phú, đa dạng.
Theo những người làm nghề, hàng năm cứ từ cuối mùa Thu trở đi là thời điểm người dân Bàn Mạch bận rộn nhất, bởi mọi nhà, mọi xưởng đều phải tranh thủ ngày/đêm gia công các sản phẩm rèn cho kịp các đơn đặt hàng những tháng cuối năm, nhất là dịp Tết. Đây cũng là thời điểm mà nhu cầu mua sắm hàng hóa luôn tăng cao.
Sản phẩm chính của làng nghề Bàn Mạch hiện nay là công cụ sản xuất nông nghiệp, đồ dùng trong sinh hoạt gia đình như các loại dao, đục, cuốc, thuổng, búa, rìu, bản lề, liềm ... giờ đây không chỉ tiêu thụ rộng lớn khắp các tỉnh, thành trong nước mà đã vươn xa để xuất sang cả Lào, Campuchia, Trung Quốc, Thái Lan...
Hiện nay, thu nhập bình quân của người lao động làm nghề rèn đạt 72 triệu đồng/người/năm; đối với thợ giỏi nghề có mức thu nhập phổ biến trên dưới 1 triệu đồng/ngày/người. Những hộ gia đình có đầu tư búa máy, máy dập... chuyên gia công phôi theo đơn đặt hàng, thu nhập phổ biến từ 50 đến 70 triệu đồng/cơ sở/tháng. Đặc biệt, các cơ sở sản xuất của những gia đình đông nhân lực, các hộ liên kết đầu tư mua sắm nhiều máy móc, mặt bằng sản xuất rộng thu nhập lên tới cả trăm triệu đồng/tháng/cơ sở.
Ông Trần Hùng Mạnh, Phó Chủ tịch UBND xã Lý Nhân cho hay, để tạo ra năng suất, giải phóng sức lao động, những năm gần đây các cơ sở sản xuất, nhiều hộ gia đình làm nghề rèn ở làng nghề rèn Bàn Mạch đã đầu tư nhiều máy móc, thiết bị, công nghệ mới vào sản xuất. Riêng nghề rèn tại Bàn Mạch hiện nay có hơn 300 máy búa, 6 máy cán, 171 máy đột dập, hàng trăm máy nung phôi sắt thép...
Nhờ đầu tư máy móc, thiết bị, công nghệ vào sản xuất, hiện nay năng lực sản xuất phôi, gia công các mặt hàng rèn cao hơn cả chục lần so với sản xuất hoàn toàn bằng thủ công truyền thống, người dân cũng đỡ lao động cực nhọc, vất vả hơn so với gia công thủ công.
Mỗi tuẫn ở Bàn Mạch có cả chục chuyến ô tô tải chở sản phẩm làng rèn đi giao cho khách hàng. Để bắt nhịp với xu thế mới, người Bàn Mạch còn chủ động tìm hiểu, kết nối với khách hàng để thực hiện bán hàng trên sàn thương mại điện tử, quảng bá, tiêu thụ trên Tiktok, Shopee, Facebook... và hiện nay đã nâng mức bán hàng hóa trên sàn thường mại điện tử lên khoảng 20% tổng số sản phẩm làng nghề. Điều đáng quan tâm, những năm gần đây các mặt hàng thuộc nhóm cắt gọt làm bằng inox, các loại thép không gỉ, vật liệu chống chịu ăn mòn cao, đồ dùng gia đình bằng kim loại nói chung các nước tràn vào Việt Nam, trước sức ép cạnh tranh của thị trường, sản phẩm ở Bàn Mạch vẫn có chỗ đứng vững chắc trên thị trường.
Theo ông Trần Hùng Mạnh, các sản phẩm nhóm cắt, gọt, chặt... làm bằng thép đen, gia công chủ yếu bằng phương pháp truyền thống vẫn giữ nguyên giá trị sử dụng vì có tính sự chịu lực cao, khả năng bền bỉ cao khi va chạm và luôn tỏ ra sắc bén hơn các loại vật liệu khác, kể cả các loại hàng có thương hiệu và sản xuất ở một số nước.
Theo ông Khổng Văn Trọng, một người làm nghề rèn lâu năm tại Bàn Mạch, nghề rèn không đơn giản chỉ là người thợ mà còn là một nghệ nhân. Người thợ rèn không chỉ đòi hỏi có sức khỏe mà cần có cả sự khéo léo của đôi tay, có khả năng quan sát tốt, có cảm giác tốt, có khả năng xác định và kiểm soát nhiệt độ/độ chín của kim loại để quyết định đúng thời điểm đưa ra rèn dập, tôi luyện, nhằm tạo ra các sản phẩm tốt nhất.
Theo ông Trọng, hiện nay tuy có nhiều máy móc tốt để đưa vào áp dụng trong nghề rèn để nâng cao năng suất, tạo ra các sản phẩm đẹp, giải phóng sức lao động của người thợ. Tuy nhiên, để tạo ra các sản phẩm truyền thống, nhất là sản phẩm nhóm cắt, gọt như các loại dao muốn thực sự tốt, sắc bén...thì vẫn phải làm bằng thủ công, cùng với các bí quyết tôi luyện của thợ giỏi mới thành sản phẩm chất lượng. Đối mới máy móc đang có trong làng nghề, khi thực hiện làm dao, kéo, cuốc đòi hỏi chất lượng tốt, sản phẩm cho những khách hàng khó tính thì khi gia công có những công đoạn không thể thay thế được người, nhất là những thợ giỏi...
Để làng nghề rèn Bàn Mạch tiếp tục ổn định, phát triển, những năm gần đây các cấp chính quyền và ngành chức năng ở Vĩnh Phúc đã tạo điều kiện cho người dân học hỏi kinh nghiệm sản xuất, giúp các hộ vay vốn, cấp đất sản xuất giúp các cơ sở mở rộng quy mô nghề ra khỏi phạm vi thôn xóm. Từ năm 2023, Bàn Mạch là một trong số 28 làng đầu tiên được tỉnh Vĩnh Phúc chọn đầu tư xây dựng khu thiết chế Làng văn hóa kiểu mẫu mở ra cơ hội mới cho địa phương trong khai thác các thế mạnh làng nghề gắn với phát triển du lịch để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội theo hướng bền vững...
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nghe-ren-tao-thuong-hieu-bat-nhip-voi-xu-the-moi-a173129.html