Doanh nghiệp Việt trăn trở trong cuộc đua chuyển đổi xanh

Theo khảo sát từ Ban IV, có tới 64% doanh nghiệp cho biết họ chưa chuẩn bị gì cho chuyển đổi xanh. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi vẫn gặp khó khăn về nguồn vốn để thực hiện và thiếu nhân sự có chuyên môn.

Người tiêu dùng muốn xanh thì phải trả chi phí cao hơn

Sáng 1/11, phát biểu tại Diễn đàn thường niên "Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024", bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Chuyên gia phát triển khu vực tư nhân, Giám đốc Văn phòng Ban IV nhấn mạnh, chuyển đổi xanh đang trở thành "một cuộc đua" ở cấp độ toàn cầu.

Các thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ chốt của Việt Nam đều, đã và đang chuẩn bị cho những quy định cụ thể về sản xuất bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Đồng thời, khách hàng ngày càng chú ý tới tác động môi trường trong hành vi tiêu dùng. Tuy nhiên, bà Thủy thông tin, theo khảo sát của Ban IV về Mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hoạt động giảm phát thải, chuyển đổi xanh 2024, có tới 64% doanh nghiệp cho biết họ chưa chuẩn bị gì cho hoạt động trên.

Trong khi chỉ có 16,2% doanh nghiệp đã xác định lĩnh vực ưu tiên, trọng tâm giảm phát thải hoặc khu vực có thể giảm lượng khí thải.

Doanh nghiệp Việt trăn trở trong cuộc đua chuyển đổi xanh- Ảnh 1.

Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Chuyên gia phát triển khu vực tư nhân, Giám đốc Văn phòng Ban IV.

Bà Thủy cũng chỉ ra khó khăn lớn nhất đối với doanh nghiệp trong giảm phát thải, chuyển đổi xanh hiện tại là nguồn vốn để thực hiện. Tiếp đó là về nhân sự có chuyên môn về giảm phát thải, chuyển đổi xanh.

Về phía doanh nghiệp, bà Đinh Hoài Giang - Tổng Giám đốc CTCP Vật liệu xây dựng SECOIN cho biết, trong quá trình chuyển đổi xanh tại chính đơn vị của mình, bà nhận thấy nhân sự là tài sản lớn nhất của doanh nghiệp trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù có tự động hoá, chuyển đổi số…

Tuy nhiên, việc đào tạo ra đội ngũ nhân sự có đủ chuyên môn, trình độ để thích ứng với việc thay đổi quy trình sản xuất cũng còn khó khăn khi nhân sự của công ty đã số ở các tỉnh, nhận thức còn nhiều hạn chế. 

Ngược lại, mức độ gắn bó với sản xuất của họ lại cao. Chính vì vậy, bài toán đặt ra là làm thế nào để trung hòa giữa yếu tố nhân lực chất lượng cao và gắn bó với công việc.

"Chuyển đổi xanh cần đầu tư rất nhiều vào công nghệ, máy móc, trong khi doanh nghiệp hiện nay tiếp cận tài chính xanh còn mơ hồ, không biết làm thế nào để tiếp cận, lựa chọn công nghệ nào để đáp ứng tài chính xanh? Ngoài ra, khi chuyển đổi xanh còn phải chấp nhận lỗ hoặc giảm lãi trong ngắn hạn để thấy được kết quả trong tương lai", bà Giang nói.

Doanh nghiệp Việt trăn trở trong cuộc đua chuyển đổi xanh- Ảnh 2.

Phiên thảo luận tại diễn đàn Nhịp đập kinh tế Việt Nam 2024.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chỉ ra 2 khó khăn chính đối với doanh nghiệp ngành dệt may trong chuyển đổi xanh.

Thứ nhất, Chính phủ đưa ngành dệt may là 1 trong 2 ngành ưu tiên chuyển đổi xanh, được tổ chức tín dụng trong ngoài nước hỗ trợ. Tuy nhiên, trong vòng 5 năm qua, chưa có ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào tìm đến May 10 yêu cầu chứng minh làm xanh để tài trợ. Doanh nghiệp lại phải đi tìm tổ chức tín dụng, giống như "mò kim đáy bể".

Ngoài ra, trước đây có Chính phủ số, xã hội số thì cũng nên có nên xã hội xanh, Chính phủ xanh… để truyền thông, tuyên truyền, thay đổi tư duy của mọi người từ gốc. Nếu khách hàng có tư duy tiêu dùng xanh thì nhà sản xuất buộc phải theo.

"Người tiêu dùng muốn xanh thì phải trả chi phí cao hơn. Nhưng liệu họ có chấp nhận điều đó? Hay vẫn chỉ mong những sản phẩm giá rẻ?", ông Việt đặt vấn đề.

Cần sớm ban hành các khung pháp lý nền tảng cho chuyển đổi xanh

Trên cơ sở những khó khăn và thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp trong chuyển đổi xanh, ông Việt đưa ra một số kiến nghị thực tiễn như đề xuất khối FDI nên có chính sách tham khảo điều tra, để đầu tư công bằng hơn cho các doanh nghiệp trong nước.

Ngoài ra, cũng nên có các chính sách liên quan đến miễn giảm thuế cho doanh nghiệp chuyển đổi xanh và nên tham khảo cộng đồng doanh nghiệp để có thông tin thực tế hơn, để chính sách thực sự đi vào cuộc sống nhanh hơn.

Về phía đại diện Ban IV, bà Phạm Thị Ngọc Thủy cũng nêu một số kiến nghị về chính sách. Cụ thể, cần rà soát các khung chính sách và pháp lý hiện hành để loại bỏ rào cản của quá trình chuyển đổi;

Chiến lược để Lâm Đồng chuyển đổi xanh bền vữngHai thách thức lớn nhất để ngành du lịch "chuyển đổi xanh"[E] Bài 2- Những trở ngại của cuộc chuyển đổi xanh

Sớm ban hành các khung pháp lý nền tảng cho chuyển đổi xanh, tín dụng xanh, thị trường các bon bắt buộc và tự nguyện, tiêu chuẩn phân loại và quy định.

Cần sớm vận hành thị trường tín chỉ các-bon. Bên cạnh sự chuẩn bị pháp lý, hạ tầng thì cần tập trung cả mức độ sẵn sàng của các chủ thể trên sàn.

Thúc đẩy năng lực doanh nghiệp và các bên liên quan bằng cách định kì thực hiện các chương trình phổ biến chính sách cho doanh nghiệp, địa phương và nâng cao năng lực nhất là nhóm doanh nghiệp tiên phong các ngành, lĩnh vực trọng tâm.

Hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí thực hiện chuyển đổi xanh qua các cơ chế ưu đãi thuế và tín dụng ban đầu hoặc các hình thức hỗ trợ kết nối thị trường, chuyển giao công nghệ, mô hình...

Triển khai các chương trình khuyến khích hình thành các giải pháp, sáng kiến gắn với mục tiêu phát triển thị trường sản phẩm xanh, kinh tế xanh, tuần hoàn, tái chế, ...

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/doanh-nghiep-viet-tran-tro-trong-cuoc-dua-chuyen-doi-xanh-a172932.html