Không để học sinh không được tiếp cận với giáo dục di sản văn hóa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, văn hóa và giáo dục có tính chất giao thoa, gần gũi. Bởi, cả 2 bộ, ngành đều chung một mục tiêu, một đối tượng lớn là phát triển con người và các giá trị của con người.

Phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp

Sáng 1/11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8, Quốc hội nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra và thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025 – 2035.

Tham gia ý kiến, ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Đoàn Trà Vinh) cho ý kiến về mục tiêu của chương trình.

Tại nội dung thành phần của chương trình thứ nhất về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp, chỉ tiêu trong tờ trình của Chính phủ là 85% cơ sở giáo dục trên toàn quốc tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên, học viên, đại biểu đề nghị Chính phủ xem xét lại chỉ tiêu này.

"Theo tôi nên là 95%. Thiết nghĩ, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao học đường cho trẻ em, học sinh, sinh viên hiện nay các cơ sở giáo dục đều tổ chức các hoạt động này trong môi trường đào tạo. Bên cạnh đó, để đạt mục tiêu về phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp thì một trong những nguyên nhân đạt được là phải xuất phát từ các cơ sở giáo dục", bà Hằng Nga nêu ý kiến.

Không để học sinh không được tiếp cận với giáo dục di sản văn hóa- Ảnh 1.

ĐBQH Huỳnh Thị Hằng Nga (Ảnh: Media Quốc hội).

ĐBQH Nguyễn Thị Quyên Thanh (Đoàn Vĩnh Long) cũng cho biết, trong các nội dung thành phần có 8 chỉ tiêu liên quan đến giáo dục. Đại biểu thống nhất cao vì phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ của ngành giáo dục.

Đồng thời, đại biểu đề nghị quan tâm đến chỉ tiêu 100% cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên và người học được tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức và các vấn đề liên quan đến văn hóa ứng xử, xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, hạnh phúc. Theo bà, khi triển khai thực hiện sẽ rất khó để đánh giá chỉ tiêu này vì còn khá chung chung.

"Đây là nội dung thành phần quan trọng, cụ thể hóa mục tiêu tổng quát của chương trình là hoàn thiện chuẩn mực, đạo đức, bản sắc, bản lĩnh, hệ giá trị con người, gia đình Việt Nam. Để phát triển con người Việt Nam có nhân cách, lối sống đẹp, ngành giáo dục cùng với gia đình phải thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, sự thích ứng và văn hóa ứng xử cho người học từ gốc, từ bậc mầm non", bà Thanh nói.

Do đó, đại biểu cho rằng nên xác định chỉ tiêu đánh giá từ phía người học, lấy kết quả việc giáo dục nhân cách, lối sống đẹp của người học để làm thước đo thay vì đánh giá kết quả tuyên truyền, phổ biến, bồi dưỡng kiến thức.

Theo đó, việc triển khai thực hiện chương trình sẽ gắn với nhiệm vụ liên tục và lâu dài của ngành giáo dục...

Văn hóa và giáo dục có tính chất giao thoa, gần gũi

Phát biểu làm rõ thêm một số ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, chương trình mục tiêu quốc gia để phát triển văn hóa có khá nhiều nội dung liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo.

"Đối với lĩnh vực văn hóa và giáo dục có nhiều nội dung có tính chất giao thoa, gần gũi. Bởi, cả 2 bộ, ngành đều chung một mục tiêu, một đối tượng lớn là phát triển con người và các giá trị của con người", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, trong quá trình xây dựng chương trình này 2 Bộ đã phối hợp rất chặt chẽ, có nhiều nội dung của giáo dục, đào tạo đã được đưa vào trong chương trình.

Về mục tiêu "Đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia hiệu quả, thường xuyên các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa".

Bộ trưởng cho hay, nội dung này do Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất với một mong muốn là phát triển con người một cách toàn diện.

"Các nội dung giáo dục về nghệ thuật, về di sản văn hóa thực chất cũng đã có trong chương trình giáo dục phổ thông. Trong đó, đã có các môn học về mỹ thuật, nghệ thuật các nhà trường đã triển khai", Bộ trưởng thông tin.

Không để học sinh không được tiếp cận với giáo dục di sản văn hóa- Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn (Ảnh: Media Quốc hội).

Người đứng đầu ngành giáo dục nhấn mạnh, đây là một nội dung triển khai với một mục tiêu rất tốt đẹp. Nhưng trong thực tế một số nơi, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số thực hiện có phần khó khăn.

Tuy nhiên, đã có rất nhiều giải pháp được đưa ra và triển khai, như lĩnh vực giáo dục về âm nhạc, nghệ thuật, rất nhiều địa phương đã dạy cho các em học sinh ngay chính những nội dung nghệ thuật của dân tộc mình, của địa phương mình.

"Chẳng hạn như các em có thể học sáo, khèn, các điệu múa của dân tộc, nhạc cụ dân tộc... Trong đó, môn giáo dục địa phương đã bao gồm rất nhiều nội dung về lịch sử địa phương, di tích lịch sử, văn hóa, môn giáo dục địa phương cũng là một môn giáo dục bắt buộc", ông Sơn nói.

Ông Sơn cũng cho rằng các nội dung này đề xuất là phù hợp với chương trình giáo dục phổ thông. Trong khi đó, các nơi có khó khăn đã đề ra các giải pháp có thể kết hợp cả trực tiếp, cả trực tuyến, bằng các công cụ giáo dục khác.

Phấn đấu các ngành công nghiệp văn hóa đóng góp 7% vào GDP

Để đảm bảo khả thi hơn, ông Sơn cho biết dự kiến điều chỉnh "Phấn đấu đến năm 2030, 100% học sinh, học viên, sinh viên trong hệ thống giáo dục quốc dân được tiếp cận, tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa", thêm chữ "phấn đấu" ở phần đầu để tất cả cùng cố gắng.

"Con số 100% phải để nguyên, bởi vì chúng ta không thể để một bộ phận học sinh không được tiếp cận với việc này. Đồng thời, cũng phù hợp với chương trình đã thành một nội dung bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông", ông Sơn nói.

Ông cũng cho rằng, nếu để một số tỉ lệ phần trăm nhất định mà học sinh không được tiếp cận tham gia các hoạt động giáo dục nghệ thuật, giáo dục di sản văn hóa, điều này có nghĩa là một bộ phận học sinh đã bị để sang bên lề của mục tiêu giáo dục rất cao đẹp.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/khong-de-hoc-sinh-khong-duoc-tiep-can-voi-giao-duc-di-san-van-hoa-a172928.html