OCB 'tăng tốc' cho mục tiêu phát triển bền vững

(Chinhphu.vn) - Bên cạnh việc ưu tiên đầu tư vào công nghệ và nhân sự, trong 9 tháng qua, OCB đã tập trung mở rộng quy mô mạng lưới hoạt động toàn quốc và chuyển đổi số để tạo đà phát triển bền vững.

OCB 'tăng tốc' cho mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 1.

OCB liên tục đầu tư, xây dựng chi nhánh/phòng giao dịch theo quy chuẩn mới trên toàn quốc, nâng cao trải nghiệm của khách hàng - Ảnh: VGP/MT

Ngân hàng TMCP Phương Đông (HOSE: OCB) vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2024 với tổng thu thuần đạt 6.851 tỷ đồng, trong đó thu thuần từ lãi đạt 5.952 tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước đến từ các hoạt động kinh doanh cốt lõi. Đây là điểm sáng trong bối cảnh áp lực cạnh tranh ngày càng cao cùng những khó khăn của nền kinh tế vẫn còn hiện hữu.

Đáng chú ý, OCB ghi nhận thu thuần từ dịch vụ tăng dần qua các quý, đặc biệt trong quý 3 tăng 32,4% lên mức 199 tỷ đồng nhờ hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ. Đây là chiến lược luôn được ngân hàng đặc biệt ưu tiên nhằm tạo sự khác biệt trên thị trường. 

Cụ thể, chỉ sau 4 tháng ra mắt ứng dụng OCB OMNI thế hệ mới, tính đến 30/9/2024, số lượng giao dịch trên nền tảng này đã tăng 71% so với cùng kỳ, tiền gửi không kỳ hạn (CASA) tăng 26% và tiền gửi có kỳ hạn (eSaving) tăng 37%.

Trong 9 tháng đầu năm 2024, doanh số giao dịch thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ quốc tế tăng 20% và thu thuần tăng 27% so với cùng kỳ năm 2023. Bên cạnh đó, số lượng phát hành thẻ tín dụng, thẻ ghi nợ quốc tế của quý 3/2024 tăng 34% so với quý 2/2024. Thu dịch vụ tư vấn và phí bảo hiểm cũng duy trì mức tăng trưởng tốt.

Thu thuần ngoài lãi của OCB ghi nhận giảm 39,5% trong 9 tháng. Trong đó, thu thuần từ kinh doanh ngoại tệ tăng khá tích cực trong bối cảnh tình hình tỷ giá dần ổn định trở lại, đạt mức 289 tỷ; tuy nhiên thu thuần từ hoạt động kinh doanh chứng khoán, cụ thể là trái phiếu Chính phủ, ghi nhận giảm do điều kiện thị trường không thuận lợi. 

OCB 'tăng tốc' cho mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 2.

Đồng hành, hỗ trợ cùng các khách hàng từ giai đoạn start-up đến khi trở thành doanh nghiệp lớn. OCB kỳ vọng với chiến lược này, những doanh nghiệp start-up sẽ trở thành khách hàng, đối tác lâu dài của ngân hàng - Ảnh: VGP/MT

OCB mở rộng quy mô mạng lưới hoạt động toàn quốc

Hiện tại, OCB đang tiến hành thực hiện tái cơ cấu danh mục trái phiếu nhân cơ hội lãi suất đang cao, từ đó hoạt động này được kỳ vọng sẽ giúp thu thuần ngoài lãi của ngân hàng trong giai đoạn tới có những biến chuyển tích cực.

Trong 9 tháng đầu năm, OCB ưu tiên bổ sung nguồn lực nhân sự, số lượng nhân viên tăng 11%, đồng thời thu nhập trung bình tăng lên 10%, ở mức 28,5 triệu đồng/tháng so với cùng kỳ. Bên cạnh việc tập trung đẩy mạnh phát triển công nghệ, OCB còn đầu tư, mở rộng quy mô mạng lưới hoạt động trên toàn quốc. 

Cụ thể, ngân hàng đã khai trương mở mới 17 chi nhánh/phòng giao dịch, thực hiện di dời 20 đơn vị đến các vị trí, tuyến đường, trung tâm của địa phương, xây dựng không gian giao dịch theo tiêu chuẩn quốc tế, hiện đại, đẳng cấp, nâng tổng điểm giao dịch của OCB lên 176, tại 48 tỉnh, thành phố kinh tế trọng điểm.

Đại diện lãnh đạo ngân hàng cho biết, trong giai đoạn hiện nay còn rất nhiều thách thức, khó khăn, chúng tôi vẫn chú trọng việc phát triển, củng cố đội ngũ nguồn nhân sự chất lượng cao, đầu tư công nghệ cũng như đẩy mạnh quy mô hoạt động, tăng cường độ phủ về thương hiệu, nhằm tạo đà phát triển bền vững và thực hiện các mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn sắp tới.

Tính đến 30/9/2024, OCB ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 2.553 tỷ đồng. Những chiến lược bài bản, linh hoạt với từng điều kiện kinh tế vĩ mô đã đưa tổng tài sản của OCB đạt 265.502 tỷ đồng, tăng 10,6% so với thời điểm cuối năm 2023. Huy động thị trường 1 đạt 176.287 tỷ đồng, hồi phục tích cực nhờ OCB cơ cấu lại cấu trúc huy động nhằm tối ưu hóa chi phí. Tiền gửi khách hàng duy trì kết quả khả quan ở mức 136.535 tỷ đồng, tăng 8,4% so với cuối năm 2023.

OCB 'tăng tốc' cho mục tiêu phát triển bền vững- Ảnh 3.

OCB ghi nhận thu thuần từ dịch vụ trong quý 3 tăng 32,4% lên mức 199 tỷ đồng nhờ hoạt động chuyển đổi số mạnh mẽ - Ảnh: VGP/MT

OCB tăng tốc cho mục tiêu chuyển đổi số

Đặc biệt, OCB ghi nhận tốc độ tăng trưởng tín dụng thị trường 1 ở mức 10,4% trong 9 tháng đầu năm 2024, cao hơn trung bình ngành. Trong đó, dư nợ tín dụng tập trung, tăng mạnh tại 2 phân khúc chiến lược khách hàng cá nhân (RB) và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME), với mức tăng lần lượt 6,9% và 25,9%.

OCB cũng duy trì bảng cân đối tài sản lành mạnh với tỉ lệ nợ xấu tuân thủ quy định của NHNN nhờ các giải pháp và nỗ lực của ngân hàng trong việc quản lý chất lượng tài sản, chủ động đưa ra phương án xử lý đối với khoản vay có vấn đề, đa dạng hóa danh mục tín dụng, giảm rủi ro trong giai đoạn khó khăn. 

Sau cơn bão Yagi, để kịp thời hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh, OCB xem xét đưa ra nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ phù hợp, tùy mức độ thiệt hại của từng khách hàng. Chi phí dự phòng lũy kế 9 tháng đầu năm 2024 ghi nhận tăng 773 tỷ so với cùng kỳ, nhằm tăng bộ đệm, bảo đảm hoạt động của ngân hàng trước thực trạng nợ xấu vẫn có xu hướng đi lên bởi ảnh hưởng chung của thị trường.

Trong giai đoạn sắp tới, với định hướng thúc đẩy hỗ trợ khách hàng SME theo chủ trương của Chính phủ, hướng đến phát triển bền vững, OCB không chỉ cung cấp sản phẩm riêng lẻ đơn thuần, mà sẽ tập trung cung cấp gói giải pháp tài chính toàn diện từ khoản vay, các sản phẩm, dịch vụ giúp doanh nghiệp quản lý dòng tiền đến hoạt động kết nối hệ sinh thái số và tư vấn cho doanh nghiệp. Đồng hành, hỗ trợ cùng các khách hàng từ giai đoạn start-up đến khi trở thành doanh nghiệp lớn. OCB kỳ vọng với chiến lược này, những doanh nghiệp start-up sẽ trở thành khách hàng, đối tác lâu dài của ngân hàng.

Hiện tại, OCB đang đẩy rất mạnh về Open Banking nói chung và Open API nói riêng, tự hào là một trong những ngân hàng dẫn đầu thị trường về triển khai Open API và mô hình Open Banking. Với hơn 150 API sẵn sàng tích hợp, đáp ứng nhu cầu đa dạng của đối tác từ nhiều ngành nghề, các sản phẩm, dịch vụ Open API đáp ứng nhu cầu cho tất cả phân khúc khách hàng doanh nghiệp liên ngành nghề với hiệu suất xử lý mạnh mẽ.

Bên cạnh đó, OCB sẽ tiến hành xây dựng trung tâm phân tích dữ liệu, sử dụng các thuật toán và công nghệ tiên tiến để phân tích các bộ dữ liệu trong Big data, chủ động phân tích chi tiết về hành vi, sở thích và nhu cầu của khách hàng. Từ đó, có sự hiểu biết toàn diện về khách hàng của mình, cho phép ngân hàng xây dựng, điều chỉnh các sản phẩm và dịch vụ theo sở thích cá nhân. Điều này cũng cho phép ngân hàng thực hiện các chiến dịch tiếp thị có mục tiêu, đề xuất sản phẩm tùy chỉnh và trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa nhằm nâng cao sự hài lòng của người dùng.

"Với nguồn lực, nền tảng nội lực vững chắc, cùng các chiến lược mới như phát triển hệ sinh thái, đẩy mạnh Open Banking sẽ mở ra cơ hội tăng trưởng lớn cho ngân hàng, chúng tôi chắc chắn sẽ tạo nên nhiều khác biệt trong thời gian tới", đại diện lãnh đạo OCB nhấn mạnh.

MT


Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ocb-tang-toc-cho-muc-tieu-phat-trien-ben-vung-a172846.html