Trong thông cáo vừa được phát đi, Bộ Ngoại giao cho biết các chuyến thăm được thực hiện theo lời mời của Tổng thống Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất Mohamed bin Zayed Al Nahyan; Thủ tướng Nhà nước Qatar Sheikh Mohammed bin Abdulrahman bin Jasim Al-Thani; Hoàng Thái tử, Thủ tướng Vương quốc Saudi Arabia Mohammed Bin Salman.
Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đến UAE và Qatar sau 15 năm, chuyến thăm chính thức đầu tiên của người đứng đầu Chính phủ Việt Nam tới Saudi Arabia kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.
Cả 3 nước đều là những nền kinh tế hàng đầu, các cường quốc năng lượng tại Trung Đông. Quan hệ giữa Việt Nam với 3 nước đang trên đà phát triển tốt đẹp với nhiều kết quả thực chất.
Chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng trong việc củng cố tin cậy chính trị, nâng tầm quan hệ của Việt Nam cả về chiều rộng và chiều sâu với các nước, tạo động lực, mở ra giai đoạn hợp tác mới giữa Việt Nam với UAE, Saudi Arabia và Qatar, đặc biệt là tạo đột phá về hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đưa hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam tiếp cận thị trường vùng Vịnh.
*UAE là nền kinh tế lớn thứ hai tại khu vực vùng Vịnh; là trung tâm tài chính - thương mại hàng đầu ở Trung Đông; quốc gia sản xuất dầu mỏ lớn thứ 4 trong Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
UAE đang hướng đến phát triển bền vững, xác lập vị thế dẫn đầu trong các xu thế phát triển mới trên thế giới, thực hiện "Tầm nhìn UAE 2031" (We the UAE 2031), hướng tới mục tiêu đưa UAE trở thành trung tâm kinh tế toàn cầu và hình mẫu phát triển thành công của thế giới.
UAE có vai trò quan trọng tại khu vực Trung Đông - Bắc Phi; đề cao sự gắn kết với khối Arab và vùng Vịnh. Những năm gần đây, UAE chủ động thúc đẩy xu thế hòa dịu tại khu vực và tích cực triển khai chính sách "Hướng Đông", coi trọng quan hệ với các nước châu Á, trong đó có Việt Nam.
Việt Nam và UAE thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 1/8/1993. Kim ngạch thương mại Việt Nam - UAE những năm gần đây luôn đạt khoảng 5 tỷ USD, trong đó kim ngạch trong năm 2023 đạt 4,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với năm 2022. Theo thống kê của phía UAE, trao đổi thương mại hai nước năm 2023 đạt 8,8 tỷ USD.
Tính đến tháng 6/2024, UAE có tổng cộng 41 dự án đầu tư trực tiếp (FDI) tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký đạt 71,6 triệu USD. UAE sở hữu nhiều quỹ đầu tư FDI có quy mô lớn nhất thế giới, trong đó Cơ quan Đầu tư Abu Dhabi (Abu Dhabi Investment Authority) quản lý 853 tỷ USD, là quỹ đầu tư lớn thứ tư trên thế giới.
*Qatar có tiềm năng kinh tế mạnh, là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới; là trung tâm tài chính - thương mại hàng đầu ở Trung Đông; quốc gia xuất khẩu khí hóa lỏng (LNG) lớn nhất thế giới.
Tài nguyên chính của Qatar là dầu mỏ với trữ lượng 25,24 tỷ thùng (đứng thứ 14 thế giới), sản lượng 1,53 triệu thùng/ngày; khí đốt với trữ lượng hơn 25.000 tỷ m3, đứng thứ 3 thế giới (LNG). Nền kinh tế của Qatar chủ yếu dựa vào công nghiệp khai thác, chế biến dầu mỏ và khí đốt (khoảng 85% nguồn thu xuất khẩu).
Thực hiện chiến lược đa dạng hóa nền kinh tế, Qatar chú trọng phát triển các ngành kinh tế phi dầu khí như công nghiệp hóa chất, phân bón, sản xuất sắt thép, nhôm và đặc biệt ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ như hàng không, cảng biển, ngân hàng, giáo dục, y tế, du lịch.
Qatar đang thực hiện Tầm nhìn Quốc gia 2030 (Vision 2030) với mục tiêu đưa Qatar trở thành nước phát triển với hạ tầng xã hội tiên tiến, chất lượng sống cao thông qua việc thực hiện 4 trụ cột chính sách về kinh tế, xã hội, con người và môi trường.
Qatar thực thi chính sách đối ngoại cân bằng với các cường quốc trong và ngoài khu vực. Qatar và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 8/2/1993. Kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt 497 triệu USD (tăng 32% so với năm 2022).
Quỹ Đầu tư Qatar (QIA) đang tham gia đầu tư gián tiếp (qua các Ngân hàng phát triển, Quỹ đầu tư của bên thứ 3) tại một số dự án bất động sản và công nghiệp tại Việt Nam với tổng số vốn khoảng 500 triệu USD.
*Saudi Arabia là nền kinh tế lớn nhất tại khu vực vùng Vịnh. Là cái nôi của đạo Hồi, Saudi Arabia có ảnh hưởng quan trọng trong thế giới Hồi giáo, các nước Arab và các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ (OPEC).
Với tài nguyên chính là dầu lửa, Saudi Arabia đứng đầu thế giới về xuất khẩu dầu mỏ (trữ lượng khoảng 264,4 tỷ thùng, chiếm 20% trữ lượng thế giới, sản lượng 10-13 triệu thùng/ngày).
Nước này đang triển khai quyết liệt chiến lược "Tầm nhìn 2030" nhằm đa dạng hóa nền kinh tế, phát triển các ngành công nghiệp phi dầu mỏ như tài chính, công nghiệp chế tạo, công nghệ cao, nông nghiệp, du lịch…; cơ sở hạ tầng hiện đại với nhiều siêu dự án đô thị, đường bộ, sân bay, hải cảng...
Chính phủ Saudi Arabia đặt mục tiêu trở thành trung tâm chính trị, kinh tế hàng đầu tại khu vực Trung Đông và thế giới vào năm 2030. Đặc biệt, gần đây Saudi Arabia chú trọng đầu tư vào kinh tế xanh, chuyển đổi số, sáng tạo đổi mới và có nhu cầu cao về những chuyên gia trong ngành nghề này.
Việt Nam và thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 21/10/1999. Quan hệ hai nước phát triển tích cực. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, phối hợp và ủng hộ lẫn nhau tại các diễn đàn quốc tế.
Năm 2023, kim ngạch thương mại song phương đạt gần 2,7 tỷ USD. Tính tới hết tháng 12/2023, cộng đồng người Việt Nam tại Saudi Arabia có khoảng 4.000 người, chủ yếu là lao động được các công ty xuất khẩu lao động của Việt Nam đưa sang làm việc.
Hà Văn
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/thu-tuong-pham-minh-chinh-tham-3-nuoc-co-nen-kinh-te-hang-dau-trung-dong-a172170.html