'Nữ hoàng mía đường' Huỳnh Bích Ngọc trở lại, Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS) có thoát khỏi gánh nặng nợ nần liên tục phình to?

Vừa rời ghế Chủ tịch, thành viên HĐQT TTC AgriS vài tháng, "nữ hoàng mía đường" Huỳnh Bích Ngọc đã nhanh chóng trở lại, trong bối cảnh doanh thu công ty này tăng vài nghìn tỷ đồng mỗi năm nhưng lợi nhuận chỉ quanh ngưỡng vài trăm tỷ đồng bởi "nặng" nợ.

Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Thành Thành Công - Biên Hòa (TTC AgriS, SBT) vừa công bố thông tin hai ứng cử viên Thành viên HĐQT sẽ được bầu bổ sung tại ĐHĐCĐ thường niên niên độ 2023-2024, dự kiến tổ chức ngày 24/10, tại Tây Ninh. Trong đó, bất ngờ có sự xuất hiện của bà Huỳnh Bích Ngọc.

Sinh năm 1962, bà Huỳnh Bích Ngọc được giới kinh doanh biết tới với danh xưng "nữ hoàng mía đường" khi nhiều năm giữ chức Chủ tịch HĐQT TTC AgriS. Bà cũng là vợ ông Đặng Văn Thành, Chủ tịch HĐQT TTC Group.

Bà Ngọc từng là Chủ tịch HĐQT TTC AgriS từ năm 2019-2024, những bị miễn nhiệm ngày 13/7 do hết nhiệm kỳ 5 năm. Sau đó, phu nhân Chủ tịch TTC Group Đặng Văn Thành chuyển sang làm Cố vấn cấp cao cho HĐQT, tham mưu, tư vấn, phản biện cho HĐQT và thông qua các vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của Công ty. Ghế Chủ tịch HĐQT TTC AgriS do  bà Đặng Huỳnh Ức My, con gái của bà Huỳnh Bích Ngọc và ông Đặng Văn Thành, đảm nhiệm.

Bà Ngọc hiện sở hữu hơn 9% vốn tại doanh nghiệp mía đường này, cũng là đại diện sở hữu toàn bộ vốn góp của TTC Group tại TTC AgriS với tỷ lệ 21,85%. Chủ tịch Đặng Huỳnh Ức My sở hữu hơn 9,8%.

Gánh nặng nợ phình to liên tục

Sự trở lại của "nữ hoàng mía đường" chỉ sau vài tháng rút lui về "hậu trường" đang cho thấy những tín hiệu mới tại công ty mía đường top đầu thị trường, đồng thời cũng có thể là sự kéo giãn quá trình chuyển giao người kế nhiệm.

Sự trở lại của phu nhân Chủ tịch TTC Group Đặng Văn Thành trong bối cảnh sự mở rộng tại TTC AgriS đang cho ra hai kết quả không tương xứng, khi doanh thu doanh nghiệp này tăng liên tục với quy mô hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm, nhưng lợi nhuận chỉ loanh quanh ngưỡng vài trăm tỷ.

GIai đoạn 2017-2020, doanh thu của TTC AgriS tăng đều từ 10.200 tỷ lên gần 15.000 tỷ đồng. Bốn năm gần đây, con số này còn tăng mạnh hơn.

Doanh thu năm 2021 của TTC AgriS đạt hơn 18.300 tỷ, tăng tiếp lên hơn 24.000 tỷ đồng một năm sau đó và tới năm tài chính 2023 đã vượt 29.000 tỷ đồng. Nếu so với năm 2016, thời điểm doanh thu của công ty này chỉ gần 4.500 tỷ, mức doanh thu của TTC AgriS đã gấp hơn 6 lần.

Tuy nhiên, trái ngược với đà tăng trưởng liên tục của doanh thu, mức lợi nhuận của công ty này lại ở mức thấp đến "ngạc nhiên". Giai đoạn 2016-2019, lợi nhuận của TTC AgriS trồi sụt quanh ngưỡng 300-500 tỷ đồng mỗi năm. Đến giai đoạn 2020-2023, thời điểm doanh thu của TTC AgriS tăng mạnh, mức lợi nhuận của doanh nghiệp này cũng chỉ khiêm tốn vài trăm tỷ đồng, ở ngưỡng 600-800 tỷ.

Nguyên nhân chính của tình trạng này là phần chi phí tài chính phình to liên tục qua các năm, chủ yếu là chi phí lãi vay. Theo báo cáo tài chính hợp nhất kiểm toán cho niên độ tài chính năm 2023, doanh nghiệp của gia đình ông Đặng Văn Thành gánh hơn 2.000 tỷ đồng chi phí tài chính (với 1.700 tỷ đồng trong đó là chi phí lãi vay), con số này tăng khoảng 14% so với năm trước. Mức tăng này tương đương với quy mô tăng thêm của chi phí lãi vay.

Tính tới cuối năm tài chính 2023 (tức cuối tháng 6/2023), quy mô vay nợ của công ty mía đường này tăng khoảng 5.000 tỷ đồng so với một năm trước đó. Quy mô nợ vay ngắn hạn ghi nhận hơn 12.700 tỷ đồng, cùng 3.200 tỷ nợ vay dài hạn.

Tổng quy mô nợ phải trả của TTC AgriS tăng gần gấp đôi chỉ sau ba năm, từ mức hơn 12.000 tỷ đồng cuối năm 2020 lên gần 23.000 tỷ cuối năm 2023.

Quy mô phình to liên tục của nợ vay đặt ra một bài toán không nhỏ cho tăng trưởng, bởi chỉ cần chuỗi tăng doanh thu chững lại, TTC AgriS sẽ gặp khó khăn trong việc xoay sở khoản chi phí tài chính ngày càng cao.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/nu-hoang-mia-duong-huynh-bich-ngoc-tro-lai-thanh-thanh-cong-bien-hoa-ttc-agris-co-thoat-khoi-ganh-nang-no-nan-lien-tuc-phinh-to-a171430.html