Tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế đạt 9%
Tại Họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý III/2024, ông Đào Minh Tú - Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, trong 9 tháng đầu năm 2024 và quý III/2024, kinh tế trong nước và thế giới có những thuận lợi và khó khăn đan xen.
Trên thế giới, lạm phát tại nhiều nước tiếp tục hạ nhiệt dù vẫn khó lường, củng cố xu hướng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương. Triển vọng giảm lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) khiến chỉ số USD quốc tế giảm mạnh.
Đặc biệt, trong quý III/2024, cơn bão số 3 đã gây ra ảnh hưởng rất lớn, khiến nền kinh tế chững lại. Đối với ngành ngân hàng, ước tính số dư nợ của 26 tỉnh bị ảnh hưởng do bão, đặc biệt là Hải Phòng, Quảng Ninh lên đến 165.000 tỷ đồng.
"Nếu như không có cơn bão số 3, kinh tế của chúng ta có đà phát triển tốt. Chính phủ đã có chỉ đạo rất quyết liệt để đạt, vượt kế hoạch của năm nay", ông Tú chia sẻ.
Dù vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, nhất là thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra tại các địa phương phía Bắc, nhưng với sự quan tâm chỉ đạo quyết liệt, sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, tăng trưởng kinh tế 9 tháng năm 2024 duy trì xu hướng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Lạm phát được kiểm soát phù hợp và hỗ trợ tích cực cho tăng trưởng kinh tế.
Phó Thống đốc cũng thông tin, tính đến thời điểm hiện tại, tăng trưởng tín dụng toàn ngành kinh tế đạt ở mức 9% so với cuối năm 2023.
Trong đó, dư nợ cho vay khoảng 14,7 triệu tỷ đồng, huy động vốn toàn nền kinh tế rơi vào khoảng 14,5 triệu tỷ đồng.
Phó Thống đốc nhấn mạnh: "Không có chuyện ngân hàng chỉ huy động mà không đẩy vốn ra nền kinh tế. Thực tế, việc dư nợ cao hơn số huy động cho thấy, các ngân hàng huy động bao nhiêu cho vay bấy nhiêu và còn sử dụng chính nguồn tiền từ vốn chủ sở hữu của ngân hàng".
Liên tục hỗ trợ vốn, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng
Về định hướng điều hành chính sách tiền tệ, Phó Thống đốc cho biết, NHNN tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt.
Thứ nhất, điều hành chính sách tiền tệ đã góp phần ổn định được kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thanh khoản cho các tổ chức tín dụng (TCTD), giữ ổn định được thị trường tiền tệ, ngoại hối.
Thứ hai, NHNN tiếp tục giữ nguyên các mức lãi suất điều hành nhằm tạo điều kiện cho TCTD tiếp cận nguồn vốn từ NHNN với chi phí thấp góp phần hỗ trợ nền kinh tế.
Chỉ đạo TCTD tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm mặt bằng lãi suất cho vay, công khai lãi suất cho vay bình quân, chênh lệch lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân cũng như thông tin về lãi suất cho vay các gói, chương trình tín dụng, sản phẩm trên website của ngân hàng. Nhờ đó, mặt bằng lãi suất tiếp tục xu hướng giảm so với cuối năm 2023.
Thứ ba, NHNN điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp, góp phần hấp thu các cú sốc bên ngoài; đồng thời, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ.
Thứ tư, nhiều giải pháp, chính sách, chương trình tín dụng đã được NHNN triển khai đồng bộ, quyết liệt, đảm bảo cung ứng đủ vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các TCTD cung ứng nguồn vốn tín dụng cho nền kinh tế, ngày 31/12/2023, NHNN đã giao hết toàn bộ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2024 cho các TCTD và thông báo công khai nguyên tắc xác định để TCTD chủ động thực hiện tăng trưởng tín dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế còn thấp; mức tăng trưởng tín dụng của các TCTD không đồng đều, có TCTD tăng thấp, thậm chí tăng trưởng âm trong khi một số TCTD tăng sát chỉ tiêu NHNN đã thông báo.
Theo đó, kể từ ngày 28/8/2024, TCTD có tốc độ tăng trưởng tín dụng năm 2024 đạt từ 80% chỉ tiêu NHNN thông báo đầu năm 2024 sẽ được chủ động điều chỉnh tăng thêm dư nợ tín dụng dựa trên điểm xếp hạng của TCTD.
"NHNN luôn quan niệm điều hành chính sách tiền tệ cởi mở để hỗ trợ được nhiều vốn hơn cho nền kinh tế. Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ liên tục hỗ trợ vốn, đảm bảo thanh khoản cho các ngân hàng", Phó Thống đốc cho biết.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/khong-co-chuyen-ngan-hang-chi-huy-dong-ma-khong-day-von-ra-nen-kinh-te-a171008.html