Chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng

Lễ chuyển giao bắt buộc ngân hàng CBBank và OceanBank về với Vietcombank và MB sẽ được diễn ra chiều nay (17/10).

Chiều 17/10, Ngân hàng Nhà nước tổ chức họp báo thông tin kết quả kết quả hoạt động Ngân hàng quý III/2024.

Tại buổi họp báo, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú thông tin, chiều nay (17/10) sẽ diễn ra lễ chuyển giao bắt buộc đối với 2 ngân hàng yếu kém.

"Hôm nay sẽ thực hiện chuyển giao hai ngân hàng, một ngân hàng nữa sẽ được chuyển giao trong thời gian tới, đối với ngân hàng đang thuộc diện kiểm soát đặc biệt khác là Ngân hàng Đông Á (DongABank) đang triển khai lộ trình, còn hoạt động tại SCB vẫn đang được duy trì ổn định, đảm bảo động của người gửi tiền", ông Tú nói.

Chính thức chuyển giao bắt buộc 2 ngân hàng 0 đồng- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Đức Long - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN).

Thông tin chi tiết hơn, ông Nguyễn Đức Long - Phó Chánh Thanh tra, giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, căn cứ các quy định pháp luật, chủ trương của Nhà nước, NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng xây dựng phương án. Theo đó, hôm nay, NHNN sẽ công bố các quyết định chuyển giao.

Cụ thể, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) sẽ nhận chuyển giao bắt buộc Ngân hàng Xây dựng (CBBank); Ngân hàng Quân đội (MB) nhận chuyển nhượng bắt buộc đối với Ngân hàng Đại dương (OceanBank).

Ngoài ra, còn 2 ngân hàng khác là Ngân hàng TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP Đông Á (DongABank) dự kiến sẽ tiếp tục được chuyển giao lần lượt các ngân hàng khác trong thời gian tới.

Thống đốc: Việc định giá các ngân hàng chuyển giao bắt buộc cơ bản hoàn thành2 ngân hàng sắp chuyển giao bắt buộc, xử nghiêm tình trạng sở hữu chéo

Đề cập đến quyền lợi của người gửi tiền khi các ngân hàng này được chuyển giao bắt buộc, ông Long khẳng định: "Mục tiêu chuyển giao bắt buộc là để các ngân hàng quay về hoạt động bình thường, khắc phục lỗ lũy kế, đảm bảo các quy định về an toàn, quyền lợi người gửi tiền đảm bảo trước trong và sau quá trình chuyển giao".

Đối với DongABank và ngân hàng còn lại, NHNN chỉ đạo các ngân hàng nhận chuyển giao thực hiện và rà soát phương án để trình các cơ quan có thẩm quyền để thực hiện.

Còn đối với quyền lợi của các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc, Phó Thống đốc Đào Minh Tú thông tin, chắc chắn sẽ có chính sách hỗ trợ cho các ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc. Tuy nhiên, chính sách ra sao còn phụ thuộc vào mức độ chuyển giao, đảm bảo phù hợp với lộ trình, đề án tái cơ cấu.

Nhìn chung, ngân hàng nhận chuyển giao bắt buộc sẽ được các biện pháp hỗ trợ tuân thủ đầy đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành.

Trong báo cáo về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Chính phủ cho biết đã hoàn thiện phương án chuyển giao đối với hai ngân hàng mua lại bắt buộc là Ngân hàng TNHH MTV Xây dựng (CBBank) và Ngân hàng TNHH MTV Đại dương (OceanBank).

Đồng thời đang tiếp tục hoàn thiện phương án chuyển giao đối với 2 ngân hàng còn lại là Ngân hàng Thương mại TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank) và Ngân hàng TMCP phần Đông Á (DongA Bank). Đối với Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Chính phủ xem xét, quyết định chủ trương cơ cấu lại.

Báo cáo cũng nêu rõ việc xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém gắn với xử lý nợ xấu còn chậm, gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Cơ chế chính sách, nguồn lực tài chính để xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém nói chung và để xây dựng phương án chuyển giao bắt buộc các ngân hàng mua bắt buộc và ngân hàng Đông Á nói riêng còn nhiều bất cập.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/chinh-thuc-chuyen-giao-bat-buoc-2-ngan-hang-0-dong-a170997.html