Trao đổi với Người Đưa Tin (NĐT), ông Phạm Anh Tuấn - Vụ trưởng Vụ Thanh toán Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã chia sẻ về những kết quả đáng ghi nhận của ngành ngân hàng, đồng thời đề cập đến các định hướng chính sách quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong tương lai.
Hoàn tất kết nối hệ thống thanh toán xuyên biên giới
NĐT: Xin ông cho biết một số thành tựu chuyển đổi số của ngành ngân hàng từ khi triển khai Quyết định 810/QĐ-NHNN về Kế hoạch Chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030?
Ông Phạm Anh Tuấn: Sau 3 năm triển khai Quyết định 810, hoạt động chuyển số ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ, đóng góp vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
Về khuôn khổ pháp lý, NHNN tiếp tục nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung trình ban hành và ban hành các quy định nhằm thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng như xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội ban hành Luật các Tổ chức tín dụng 2024. Đồng thời tích cực phối hợp với các bộ ngành trong xây dựng Luật giao dịch điện tử, Luật Căn cước.
Trình Chính phủ ban hành Nghị định về Thanh toán không dùng tiền mặt, Nghị định về Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng và tham gia ý kiến xây dựng Nghị định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, Nghị định về định danh và xác thực điện tử.
Quan đó, phòng chống, ngăn ngừa việc tội phạm mạo danh, sử dụng giấy tờ tùy thân giả mạo đăng ký sử dụng dịch vụ ngân hàng cho mục đích bất hợp pháp.
Đồng thời nghiên cứu ứng dụng dữ liệu dân cư trong triển khai các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng thuận tiện, an toàn nhất đến với người dân, khách hàng.
Công tác đảm bảo an ninh, an toàn luôn được chú trọng, NHNN cũng thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, cơ quan triển khai các biện pháp trong đảm bảo an ninh an toàn hoạt động ngân hàng, tăng cường truyền thông, giáo dục tài chính thông quan nhiều hoạt động, phương thức tiếp cận đa dạng nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu lợi dụng dịch vụ thanh toán cho hoạt động bất hợp pháp, giúp người dân, doanh nghiệp khai thác tối đa tiềm năng, lợi ích của thanh toán số.
Đến nay, hơn 87% người Việt Nam trưởng thành có tài khoản thanh toán tại các tổ chức tín dụng, tốc độ tăng trưởng thanh toán qua di động hàng năm đạt trên 90% trong 6 năm gần đây. Trong 7 tháng đầu năm 2024, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt đạt 9,31 tỷ giao dịch với giá trị đạt 160 triệu tỷ đồng (tăng 58,44% về số lượng và 35,13% về giá trị) so với cùng kỳ năm trước.
3 thách thức lớn
NĐT: Công cuộc chuyển đổi số của ngành ngân hàng đã diễn ra trong nhiều năm. Ông có thể cho biết những thách thức đã đặt ra trong tiến trình chuyển đổi số ngành ngân hàng ở Việt Nam?
Ông Phạm Anh Tuấn: Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số đã mở ra nhiều cơ hội đối với mọi ngành, mọi lĩnh vực, nhưng song hành với nó cũng là những thách thức không hề nhỏ. Chuyển đổi số tại Việt Nam trong lĩnh vực ngân hàng cũng đã và đang gặp phải một số thách thức chính.
Đầu tiên, đó chính là thách thức về sự đồng bộ và phù hợp của các quy định pháp lý hiện hành liên quan về giao dịch điện tử, chữ ký điện tử, định danh và xác thực điện tử, cơ chế kết nối chia sẻ dữ liệu gắn bảo vệ dữ liệu cá nhân... với thực tiễn ứng dụng công nghệ số trong hoạt động ngân hàng.
Thứ hai, thách thức về sự đồng bộ và chuẩn hóa các cơ sở hạ tầng kỹ thuật nhằm tạo thuận lợi cho kết nối liên thông, tích hợp liền mạch giữa ngành ngân hàng với các ngành, lĩnh vực khác để hình thành hệ sinh thái số, cung ứng dịch vụ đa tiện ích cho khách hàng.
Thứ ba, thách thức trước xu hướng gia tăng tội phạm công nghệ cao cùng với đó là việc đảm bảo an ninh, an toàn, bảo mật dữ liệu và khách hàng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng số một cách thuận tiện, an toàn.
NĐT: Ông có thể chia sẻ về kế hoạch, chính sách của NHNN về quản lý, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số ngân hàng trong thời gian tới?
Ông Phạm Anh Tuấn: Chuyển đổi số ngành ngân hàng đã đạt được những thành quả đáng khích lệ nhưng phía trước vẫn còn nhiều thách thức. Phát huy những kết quả đã đạt được, dự kiến trong thời gian tới, NHNN sẽ ưu tiên tập trung vào một số nội dung công việc.
Thứ nhất, rà soát đánh giá kết quả và tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ tại Kế hoạch chuyển đổi số ngành ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 để sớm đạt được những mục tiêu đặt ra cho toàn ngành.
Thứ hai, tập trung hoàn thiện thể chế, phối hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan đẩy nhanh việc rà soát, sửa đổi, ban hành các văn bản pháp luật thúc đẩy chuyển đổi số ngành ngân hàng.
Trong đó bao gồm nội dung hoàn thiện, đề xuất Chính phủ ban hành Nghị định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng để tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng các giải pháp công nghệ, dữ liệu trong hoạt động ngân hàng.
Thứ ba, tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an triển khai có hiệu quả Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ.
Thứ tư, đẩy mạnh nâng cấp, phát triển hạ tầng công nghệ, đảm bảo an ninh an toàn, bảo mật thông tin trong quá trình chuyển đổi số ngân hàng.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực cho chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo cung ứng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ tiện ích, chi phí hợp lý cho người dân và doanh nghiệp.
Thứ sáu, tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục tài chính cho người dân, doanh nghiệp sử dụng dịch vụ ngân hàng trên kênh số một cách an toàn, hiệu quả.
NĐT: Cảm ơn ông đã chia sẻ!
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/buoc-chuyen-minh-nhanh-chong-cua-nganh-ngan-hang-viet-nam-a170263.html