Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại
Trải qua bao thăng trầm trong lịch sử, Thủ đô Hà Nội ngày càng phát triển văn minh, hiện đại. Từ quy mô, cấu trúc đô thị, kết cấu hạ tầng, kiến trúc công trình, cảnh quan nhân tạo, cảnh quan tự nhiên ngày càng văn minh, đổi mới, hiện đại, xứng đáng là trung tâm, động lực phát triển vùng và cả nước, Thành phố kết nối toàn cầu, có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới, bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh, an toàn xã hội để xây dựng, phát triển Thủ đô bền vững.
Về quy mô Thủ đô, khi tiếp quản năm 1954, Hà Nội chỉ có diện tích 152km2, qua 4 lần được điều chỉnh địa giới, đến nay đã có diện tích 3.344km, là Thủ đô có diện tích đô thị lớn nhất cả nước.
Mỗi giai đoạn phát triển, diện mạo Thủ đô đều có những dấu ấn đặc thù. Từ những ngày đầu hòa bình, việc giải quyết nơi ăn ở cho cán bộ, viên chức, cho người lao động đã được quan tâm. Gần 200 khu, xóm lao động với gần 2 vạn hộ dân sống trong điều kiện chật hẹp, thiếu vệ sinh đã được cải tạo, sửa chữa. Nhiều khu ở mới thấp tầng theo mô hình đơn vị ở Xã hội chủ nghĩa đã được xây dựng như Phúc Xá, Mai Hương, Chương Dương..., thể hiện tính ưu việt với người lao động, với công nhân - viên chức.
Cùng với nhà ở là các công trình công cộng như câu lạc bộ Thống Nhất, các bãi chiếu bóng ngoài trời: Lương Yên, Khương Thượng, Cầu Giấy..., cải tạo bệnh viện Việt - Đức. Điểm nổi bật là 1957, chúng ta đã thành lập, xây dựng 5 trường đại học: Tổng hợp, sư phạm, Y dược, Bách Khoa, Nông lâm, dấu ấn minh chứng Hà Nội là trung tâm văn hóa - giáo dục, động lực cho phát triển các giai đoạn tiếp theo.
Phát triển đô thị gắn với kiến trúc truyền thống
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết, ngay từ giai đoạn 5 năm (1960-1965) đã hình thành mô hình không gian đơn vị ở mới là khu nhà ở Kim Liên 5 tầng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội. Cũng vào thời kỳ này, nhiều khu vực trong nội đô lịch sử đã xây dựng các khu ở tạo diện mạo mới: Thọ Lão, Quỳnh Lôi. Khu ở Nguyễn Công Trứ được triển khai khá hoàn chỉnh trên khu đất 6ha (đường Nguyễn Công Trứ), vốn là một nghĩa trang ngoại kiều mới được giải tỏa, chỉ giữ lại duy nhất một kiến trúc kiên cố là nhà quàn, mãi sau này mới dùng làm nơi sinh hoạt câu lạc bộ. Trong khu bố trí hai dãy nhà ở năm tầng, trong đó hai nhà làm nơi ở tập thể cho cán bộ độc thân. Toàn khu có nhà mẫu giáo, nhà trẻ, có cửa hàng bách hóa. Giữa các khối nhà có cây xanh, sân chơi, nơi thu rác.
Còn khu nhà ở Văn Chương, được xây dựng từ năm 1963, được bố cục bởi những nhóm nhà ở hai tầng mái ngói, gắn với kiến trúc truyền thống là dấu ấn ở nội đô.
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết, giai đoạn này, nhiều công trình công cộng được xây dựng, tiêu biểu như: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Đại học Thương mại, Học viện Thủy lợi, Cục Thống kê Trung ương, trụ sở Tổng cục Lâm nghiệp, cải tạo Bách hóa Tổng hợp, trụ sở Ủy ban trị thủy sông Hồng, Nhà sàn Bác Hồ, lễ đài Ba Đình, Công viên Thống Nhất, Bệnh viện Mắt Trung ương; Hội trường Ba Đình, Nhà hát Quân đội, Bệnh viện đa khoa Gia Lâm, trụ sở Bộ Công nghiệp nặng, Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng ở Nghĩa Đô, Sân vận động Hàng Đẫy...
Công trình kiến trúc ở giai đoạn này nói chung quy mô vừa phải, chủ yếu với phong cách tiền hiện đại, đa phần có mặt bằng đối xứng ngay ngắn. Mặt nhà với nhiều tìm tòi trong hình khối và tương quan tỉ lệ, khai thác những giải pháp và đường nét gần gũi với văn hóa dân tộc.
Năm 1961, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội xây dựng với viện trợ của Liên Xô, là công trình rõ nét của kiến trúc hiện đại, được Việt Nam hóa. Một công trình viện trợ khác là Viện Khoa học Việt Nam được xây dựng ở Nghĩa Đô, dấu ấn kiến trúc hiện đại lan tỏa ra ngoài nội đô.
Ngay sau khi giải phóng Thủ đô, Hà Nội bắt tay xây dựng Nhà máy Diêm, Nhà máy gỗ dán Cầu Đuống. Tiếp theo là mở rộng Nhà máy điện Yên Phụ, Nhà máy xay Lương Yên, Nhà máy cao su, Nhà máy xà phòng, Nhà máy thuốc lá, văn phòng phẩm Hồng Hà, Xí nghiệp dược phẩm II....
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm cho biết thêm, cũng trong giai đoạn 5 năm này, chúng ta đã xây dựng Nhà máy Bóng đèn phích nước Rạng Đông, Dệt 8/3, Nhà máy đông lạnh Cầu Diễn, điện cơ Thống Nhất, bê tông Chèm, Nhà máy in Tiến Bộ, Phân lân Văn Điển, Nhà máy Pin, dệt kim Đông Xuân, xí nghiệp Dược phẩm II... Trên địa bàn thành phố có 134 cơ sở công nghiệp (79 của Trung ương và 55 của địa phương), phần lớn được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, hàng loạt xí nghiệp tư nhân được chuyển sang hợp doanh và hoạt động hiệu quả như: Điện Thông, Thủy tinh Thanh Đức, Dệt Cự Doanh. Thành phố đã tổ chức những khu công nghiệp tập trung: Thượng Đình, Minh Khai, Văn Điển, Chèm, Cầu Đuống, Yên Viên, Đông Anh. Đến nay, nhìn lại về công nghiệp hóa, những kết quả trên là minh chứng tự hào về công nghiệp hóa, song cũng đang là thách thức cho diện mạo mới của nội đô Hà Nội.
Thủ đô Hà Nội với nhiều dấu ấn mới về diện mạo đô thị
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm chia sẻ, sau giai đoạn 5 năm (1960-1965), Hà Nội đã tiên phong ứng dụng công nghệ mới trong kiến trúc nhà ở lắp ghép tấm như: Trương Định, Yên Lãng (2 tầng) và hàng loạt các khu ở 5 tầng tại Trung Tự, Khương Thượng, Giảng Võ, Vĩnh Hồ. Công trình có không gian kiến trúc nổi trội hơn cả là nhà ở khu ngoại giao đoàn Vạn Phúc (1967).
Nhìn tổng quan kiến trúc giai đoạn 1954-1986 ở Hà Nội là minh chứng cho thấy yếu tố tạo nên bản sắc đô thị gắn liền với tiến trình đô thị hóa được phát triển và kế thừa qua các thời kỳ.
Giai đoạn từ 1986 đến nay là giai đoạn có nhiều dấu ấn mới về diện mạo đô thị, về kiến trúc cảnh quan. Trước hết phải kể đến các khu đô thị mới như: Linh Đàm, Trung Yên, Mỹ Đình, Trung Hòa Nhân Chính, Ciputra, Royal City, Gamuda, Times City... Kiến trúc hiện đại không chỉ hiện diện ở Nam sông Hồng mà đã sang Bắc sông Hồng (Long Biên, Đông Anh). Cấu trúc Hà Nội với mô hình chùm đô thị đã từng bước hiện diện.
Cùng với các khu đô thị là các công trình tầm vóc quốc gia đã được xây dựng như Bảo tàng Hà Nội (2010), tòa nhà Quốc hội (2014), tòa nhà Keangnam 72 tầng (2010), các khách sạn: Daewoo, Grand Plaza, tòa nhà Lotte Center 65 tầng (2015)... Để trở thành Hà Nội xanh, thành phố đã chú trọng đến xây dựng các công viên tầm vóc quốc gia như: Công viên Hòa Bình, Cầu Giấy, Yên Sở…
Bên cạnh phát triển mới về diện mạo đô thị, thành phố Hà Nội cũng đã quan tâm đến bảo tồn di sản đô thị, các công trình kiến trúc có giá trị (biệt thự, làng cổ, nhà ở có giá trị trong nội đô lịch sử).
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm khẳng định, Hà Nội với diện mạo văn minh, hiện đại đang hiện hữu dần. Kết cấu hạ tầng được xây dựng hiện đại, đã sử dụng, khai thác tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, các cầu vượt sông Hồng, biểu tượng mới của Hà Nội.
Về không gian kiến trúc, nếu trước 1954, công trình cao nhất là 7 tầng; trước năm 1986, công trình 11 tầng thì nay đã xây dựng công trình 74 tầng (Keang Nam), đang chuẩn bị xây dựng công trình 108 tầng.
Tái thiết Thủ đô Hà Nội, góp phần tạo nên vị thế mới cho Thủ đôNgày 29/5/2008, Quốc hội ban hành Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 về điều chỉnh địa giới hành chính thành phố Hà Nội và một số tỉnh có liên quan và có hiệu lực từ ngày 1/8/2008. Từ khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Hà Nội đang không ngừng "thay da, đổi thịt" với diện mạo đô thị ngày càng đổi mới, khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn, tạo nên vị thế mới cho Thủ đô Hà Nội.
Nhìn lại 16 năm thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội gắn với thực hiện Chiến lược và Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, có thể thấy rõ sự thay đổi của diện mạo đô thị Thủ đô. Cùng với quá trình đô thị hóa, Hà Nội đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi đẩy mạnh đầu tư phát triển đô thị, huy động đa dạng các nguồn lực xã hội tham gia.
Nhiều dự án khu đô thị mới văn minh, hiện đại đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô sau 16 năm phát triển. Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ, khép kín. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực. Môi trường đầu tư, kinh doanh được cải thiện từng bước, gắn với niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước được nâng lên.
Đặc biệt, điểm sáng của Thủ đô còn thể hiện rõ nét trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng và phát triển đô thị. Hai quy hoạch lớn của thành phố là Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được hoàn thành.
Hiện Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được báo cáo Chính phủ, Quốc hội, Bộ Chính trị, dự kiến trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong tháng 10/2024. Trong đó, đã nghiên cứu giải pháp khắc phục các hạn chế, tồn tại và kế thừa Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011, bổ sung những điều kiện phát triển mới.
TP. Hà Nội cũng đã đạt được thành tựu quan trọng trong phát triển hệ thống hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc khởi công như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường Vành đai 2 trên cao; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2..., tạo động lực mạnh mẽ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển Thủ đô bền vững.
Thủ đô Hà Nội đang nỗ lực để hiện thực hóa khát vọng xây dựng Thủ đô "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại". Mục tiêu đến năm 2030, Thủ đô Hà Nội là thành phố "Văn hiến - Văn minh - Hiện đại"; trở thành trung tâm, động lực thúc đẩy phát triển vùng đồng bằng sông Hồng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; hội nhập quốc tế sâu rộng, có sức cạnh tranh cao với khu vực và thế giới, phấn đấu phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2025 cao hơn mức tăng bình quân chung của cả nước; GRDP giai đoạn 2026 - 2030 tăng từ 8,0 - 8,5%/năm; GRDP bình quân đầu người đạt từ 12.000 - 13.000 USD.
Tầm nhìn đến năm 2045, Thủ đô Hà Nội là thành phố kết nối toàn cầu, có mức sống và chất lượng cuộc sống cao, với GRDP/người đạt trên 36.000 USD; kinh tế, văn hoá, xã hội phát triển toàn diện, đặc sắc và hài hoà; tiêu biểu cho cả nước; có trình độ phát triển ngang tầm thủ đô các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới…
TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm đánh giá, nhìn lại giai đoạn đã qua, chúng ta có thể tự hào về những gì diện mạo cảnh quan Hà Nội đạt được, góp phần tạo nên vai trò, vị thế mới của Thủ đô, phát huy được giá trị văn hóa lịch sử tích lũy qua hàng nghìn năm. Song, chúng ta cũng nhìn nhận được những tồn tại như chưa định hình được đặc thù kiến trúc Thủ đô, tái thiết, cải tạo đô thị còn chậm, chưa kiểm soát tốt việc tổ chức thực hiện theo quy hoạch...
Để giải quyết, bên cạnh việc điều chỉnh Quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 và lập Quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, Luật Thủ đô 2024 (sửa đổi) cũng đã được Quốc hội thông qua sẽ tạo động lực để diện mạo Thủ đô có bước đột phá. Hà Nội "văn hiến - văn minh - hiện đại - bền vững", từng bước hiện hữu, đáp ứng mong muốn của cả nước và bạn bè quốc tế.
Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh cho biết, triển khai Luật Thủ đô năm 2024, Thành phố đã và đang tập trung vào công tác tuyên truyền, phổ biến và quán triệt luật, tuyên truyền để đạt sự thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và trách nhiệm của Thủ đô, trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia; là trung tâm lớn về văn hóa, giáo dục, khoa học và công nghệ, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước; trung tâm, động lực phát triển của Vùng Thủ đô, vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.
Từ đó, khơi dậy và phát huy cao độ truyền thống của Thủ đô nghìn năm văn hiến, anh hùng, ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển, xây dựng Thủ đô trở thành thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới, xứng đáng với danh hiệu "Thành phố vì hòa bình", "Thành phố sáng tạo"…
Thùy Chi
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/thu-do-ha-noi-nhieu-dau-an-dien-mao-do-thi-sau-70-nam-giai-phong-a170021.html