Chương trình có sự tham gia của 65 nhà thiết kế áo dài Việt Nam đến từ 3 miền Bắc-Trung-Nam, các hoa hậu, người mẫu, các nghệ sỹ Việt Nam... cùng các đại biểu quốc tế. Đặc biệt, chương trình có phần trình diễn trang phục áo dài của các phu nhân đại sứ các nước tại Việt Nam.
Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, chương trình nghệ thuật "Đêm hội áo dài" với sự tham gia của 65 nhà thiết kế, mỗi bộ sưu tập mang một phong cách riêng, lấy cảm hứng từ những giá trị trường tồn của Việt Nam và thế giới thông qua tà áo dài, để tình yêu di sản và sự kết nối văn hóa vượt qua thời gian.
Đại diện cho các nhà thiết kế áo dài đến từ 63 tỉnh, thành phố mang các bộ sưu tập áo dài đến với chương trình mong muốn quảng bá áo dài, quảng bá du lịch cho Thủ đô và đất nước, nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam mong muốn các bộ sưu tập áo dài với hình ảnh di sản, thiết kế hoa văn truyền thống tạo xu hướng về áo dài không chỉ trên sàn diễn mà đưa vào đời sống.
Chia sẻ với phóng viên Báo Điện tử Chính phủ về đêm hội, Đại sứ Palestine Saadi Salama, Trưởng đoàn ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam cho biết: "Hôm nay tôi cùng một số đồng nghiệp trong Bộ Ngoại giao đã đến dự một sự kiện rất có ý nghĩa đặc biệt là để kỷ niệm giải phóng 70 năm thủ đô Hà Nội cùng với lễ hội áo dài Việt Nam. Đây là một hoạt động rất có ý nghĩa không chỉ đối với người Việt Nam mà còn có ý nghĩa đối với người nước ngoài quan tâm và tìm hiểu về văn hóa của đất nước Việt Nam. Tôi thấy Lễ hội áo dài lần này được tổ chức rất trọng thể và mang nhiều màu sắc rực rỡ, để người xem biết thêm về áo dài. Tôi mong rằng áo dài Việt Nam sẽ được thế giới công nhận là một di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại".
Đại sứ Palestine cho biết thêm, ông đã tham dự các lễ hội áo dài và luôn luôn quan tâm đến các sự kiện văn hóa của quốc gia Việt Nam. Dân tộc Việt Nam là dân tộc giàu văn hóa và những nét văn hóa của Việt Nam luôn mang nhiều giá trị. Việc lan tỏa những nét văn hóa sẽ là cầu nối để nhân dân thế giới biết đến Việt Nam, qua đó tạo sự hiểu biết lẫn nhau, tạo động lực để phát triển phồn vinh.
Đại sứ Palestine Saadi Salama cũng nhấn mạnh, Lễ hội áo dài năm nay được tổ chức tại Hoàng Thành Thăng Long có ý nghĩa đặc biệt bởi vì sự kiện này được tổ chức để hưởng ứng kỷ niệm 70 năm ngày Giải phóng Thủ đô. Đó như là một thông điệp để mỗi người Hà Nội biết tả áo dài của Việt Nam gắn liền với lịch sử hình thành Việt Nam và đặc biệt là của Hà Nội. Hà Nội cũng là thành phố vì hòa bình.
"Chúng tôi là những người Palestine, và mong muốn đất nước Palestine chúng tôi vào một ngày không xa cũng có một nền hòa bình giống như dân tộc Việt Nam. Palestine yêu chuộng hòa bình, mong muốn được sống chung với các dân tộc khác như dân tộc Việt Nam", Đại sứ Saadi Salama nói.
Đại biểu dự Đêm hội áo dài. Ảnh: VGP/Minh Anh
Tại đêm hội, chị Phạm Thị Yên đến từ Long Biên cho biết, chị làm công việc thiết kế áo dài và hôm nay chị có mặt ở Đêm hội vì muốn được chiêm ngưỡng bộ sưu tập của người thầy của mình là nhà thiết kế Đỗ Trịnh Hoài Nam. Chị Yên cho biết, bản thân chị rất tự hào và yêu thích áo dài, mấy năm qua chị đều tham gia các sự kiện Lễ hội áo dài và thấy năm nay các mẫu mã được các nhà thiết kế sáng tạo thay đổi nhiều và ngày càng đẹp hơn. Đặc biệt năm nay, những bộ áo dài được trình diễn từ đêm khai mạc và đến đêm nay đều rất là ấn tượng.
"Đây cũng là dịp để minh có thể học hỏi từ các nhà thiết kế và tôi thấy đây không chỉ là sân chơi cho các nhà thiết kế mà còn tạo cảm hứng cho rất nhiều chị em mặc áo dài đến đây", chị Phạm thị Yên nói.
Nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), tối 4/10, Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội năm 2024 với chủ đề "Hà Nội - Tinh hoa áo dài" đã khai mạc tại sân khấu Quảng trường Đoan Môn - Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long. Trong khuôn khổ Lễ hội, sáng 5/10 cũng đã diễn ra Carnaval Áo dài. Đây là chương trình nghệ thuật tổng hợp đồng diễn và diễu hành quy mô lớn do Hội Liên hiệp Phụ nữ Hà Nội phối hợp với Sở Du lịch triển khai tổ chức, nhằm lan tỏa tình yêu áo dài đến đông đảo người dân, bạn bè và du khách quốc tế, mọi độ tuổi, giới tính.
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội 2024 có nhiều sự kiện hấp dẫn như Trải nghiệm xe buýt 2 tầng "Tinh hoa áo dài".
Chung kết cuộc thi thiết kế áo dài sẽ điễn ra vào chiều 6/10.
Lễ hội còn có các hoạt động bên lề như: Triển lãm, trưng bày giới thiệu áo dài của các nhà thiết kế, thương hiệu áo dài nổi tiếng; các sản phẩm, dịch vụ du lịch, làng nghề truyền thống; thao diễn tác phẩm của các nghệ nhân đến từ các làng nghề lụa Vạn Phúc, Trạch Xá; không gian trò chơi dân gian; không gian ẩm thực Hà thành "Thăng Long ngũ vị" giới thiệu các món ăn nhẹ nhàng đậm chất Hà Nội...
Lễ hội Áo dài du lịch Hà Nội mở ra định hướng mới cho phát triển văn hóa, du lịch Thủ đô, góp phần để Việt Nam và Hà Nội trở thành điểm đến được yêu mến và là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều du khách trong nước và bạn bè quốc tế. Lễ hội kéo dài đến hết ngày 6/10.
Lễ hội áo dài du lịch Hà Nội được tổ chức lần đầu tiên năm 2016, đến nay, đã trở thành lễ hội thường niên thu hút sự tham gia và tích cực hưởng ứng của người dân, trở thành sân khấu cộng đồng, ngày hội cầu nối văn hóa, là điểm đến thường niên vào dịp mùa Thu Hà Nội cho du khách và bạn bè quốc tế.
Minh Anh
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/dem-hoi-ao-dai-lung-linh-sac-mau-an-tuong-a169679.html