Doanh nghiệp bán lẻ đang gặp áp lực lớn về cạnh tranh thị phần

Thị trường bán lẻ của Việt Nam đang đạt 180 tỷ USD. Dù vậy, đại diện Tập đoàn Masan cho rằng, doanh nghiệp bán lẻ trong nước đang phải đối mặt với áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI.

Sáng 4/10, tại cuộc gặp mặt của Thường trực Chính phủ với 200 doanh nhân tiêu biểu, bà Nguyễn Thị Phương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce - Thành viên Tập đoàn Masan đã có những chia sẻ để phát triển ngành bán lẻ.

Bà Phương cho rằng, với nền kinh tế và chính trị ổn định, quy mô dân số hơn 100 triệu người, cơ cấu dân số vàng cùng với sự đổi mới, số hóa, công nghệ hóa mạnh mẽ, Việt Nam đang sở hữu tiềm năng rất lớn để phát triển ngành bán lẻ.

Chủ tịch Viettel: Doanh nghiệp cần

Theo đó, thị trường bán lẻ Việt Nam vẫn tiếp tục tăng trưởng khi tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Hiện thị trường bán lẻ của Việt Nam đạt 180 tỷ USD.

Bà Phương đánh giá, sự chỉ đạo kịp thời, hỗ trợ nguồn lực của Chính phủ, đặc biệt là người đứng đầu Chính phủ nhằm tập trung đầu tư cao cho phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược trên khắp đất nước.

Đặc biệt là việc hoàn thiện hạ tầng giao thông với hệ thống kết cấu hạ tầng phát triển đồng bộ, hiện đại nhằm thúc đẩy tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả của nền kinh tế và góp phần giải quyết các vấn đề xã hội.

Doanh nghiệp bán lẻ đang gặp áp lực lớn về cạnh tranh thị phần- Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Phương - Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp WinCommerce (Ảnh: VGP).

Theo bà Phương, với sự hỗ trợ từ hạ tầng giao thông hiện đại, đặc biệt là mạng lưới đường cao tốc sớm hoàn thiện và đi vào hoạt động, doanh nghiệp có thể tối ưu hóa quy trình vận chuyển, giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh.

"Chuỗi cung ứng hiệu quả này không chỉ bảo đảm nguồn cung thực phẩm ổn định mà còn giúp giảm bớt gánh nặng chi phí vận chuyển lên hàng hóa, giúp mang sản phẩm chất lượng cao và chi phí hợp lý đến tay người tiêu dùng", Tổng Giám đốc WinCommerce nói.

Bên cạnh đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kích cầu kinh tế trong giai đoạn hậu Covid-19 như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, giảm thuế phí, đặc biệt là chính sách giảm thuế VAT cho ngành hàng dịch vụ tiêu dùng đã mang tới sự hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp trên khắp cả nước.

Kết quả cho thấy, tổng mức bán lẻ dịch vụ của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm đã đạt mức tăng trưởng 8,5%. "Đây là điểm sáng trong tăng trưởng chung của cả nền kinh tế và góp phần thúc đẩy sự tăng trưởng của ngành bán lẻ tại thị trường Việt Nam", bà nói.

Bán lẻ hồi phục, chuỗi WinMart có lãi 2 tháng liên tiếp

Song song với cơ hội phát triển, Tổng Giám đốc WinCommerce cho rằng, thị trường bán lẻ Việt Nam cũng gặp phải một số thách thức đáng kể.

Trong đó, doanh nghiệp bán lẻ Việt Nam đang phải đối mặt với các thách thức, áp lực lớn về thị phần trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và sự gia tăng cạnh tranh từ các chuỗi bán lẻ FDI và mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới với ưu thế về giá thành rẻ, chuyển phát nhanh, hệ thống kho bãi, logistics...

"Những điều này đặt ra bài toán cho các doanh nghiệp bán lẻ nói chung và Masan - WinCommerce nói riêng về việc triển khai các kế hoạch hành động mang tính chiến lược, tầm nhìn dài hạn, không ngừng đổi mới, sáng tạo để đón đầu nhu cầu của người tiêu dùng và nắm bắt xu hướng ngành để tận dụng lợi thế, tạo ra giá trị cạnh tranh", bà Phương chia sẻ.

Doanh nghiệp bán lẻ đang gặp áp lực lớn về cạnh tranh thị phần- Ảnh 2.

Thị trường bán lẻ của Việt Nam đang đạt 180 tỷ USD (Ảnh: HT).

Chia sẻ về 3 sáng kiến giúp Masan triển khai mở rộng thần tốc mô hình bán lẻ hiện đại ở khu vực nông thôn và cải thiện đáng kể hiệu quả kinh doanh, bà Phương cho biết Tập đoàn Masan luôn kiên định thực hiện chính sách bình ổn giá để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

"Chính sách này không chỉ giúp doanh nghiệp xây dựng lòng tin vững chắc với khách hàng mà còn thể hiện trách nhiệm xã hội đối với sự ổn định của thị trường nội địa", bà Phương nói.

Thứ hai, Masan cũng đã tiên phong trong việc ứng dụng AI và dữ liệu lớn (Big Data) vào các hoạt động kinh doanh và vận hành như sử dụng chuỗi cung ứng nội bộ thông qua tích hợp công nghệ, thu thập dữ liệu và ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào việc dự đoán nhu cầu hàng hóa, giảm thời gian trữ hàng tồn kho.

Thứ ba, Tập đoàn Masan, thông qua hệ thống bán lẻ WinCommerce, mô hình kinh doanh hình thành nền móng trụ cột vững chắc trong hành trình phục vụ người tiêu dùng.

Tổng Giám đốc WinCommerce khẳng định, lĩnh vực bán lẻ của Việt Nam đang góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế bằng việc duy trì tăng trưởng tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng hàng năm.

Tổng Giám đốc WinCommerce mong muốn các bộ, ban, ngành liên quan sớm hướng dẫn tổ chức triển khai cụ thể và tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia vào các giải pháp chiến lược để đạt được mục tiêu chung là phát triển thương mại hiện đại – tăng trưởng bền vững – tạo tiền đề vững chắc tham gia hội nhập sâu hơn vào kinh tế khu vực và thế giới.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/doanh-nghiep-ban-le-dang-gap-ap-luc-lon-ve-canh-tranh-thi-phan-a169448.html