Giá dầu thô toàn cầu đã tăng hơn 4% hôm 3/10 sau khi Tổng thống Joe Biden nói với các phóng viên rằng ông đang thảo luận về việc liệu Mỹ có nên ủng hộ Israel tấn công vào các cơ sở dầu mỏ của Iran hay không.
"Chúng tôi đang thảo luận về điều đó", ông Biden nói với các phóng viên hôm 3/10. "Tôi nghĩ rằng điều đó sẽ hơi… dù sao đi nữa".
Bình luận bí ẩn trên của nhà lãnh đạo Mỹ đã khiến giá dầu tăng đáng kể – nhưng ngay cả như vậy cũng vẫn không đủ để khiến giá mặt hàng này leo dốc. Giá dầu thô Brent chuẩn toàn cầu đóng cửa ở mức 77,62 USD/thùng, vẫn thấp hơn so với mức giá đạt được trong hầu hết năm 2024.
Nguồn dự trữ dồi dào
"Trước đây, nếu chúng ta nói về bất kỳ loại xung đột nào ở Trung Đông liên quan đến Iran, giá dầu có thể sẽ lên mức trên 100 USD/thùng", bà Amrita Sen, người sáng lập công ty nghiên cứu năng lượng Energy Aspects, cho biết.
"Chúng ta cũng từng nói mức giá 120USD/thùng, hay 130 USD/thùng. Điều bất ngờ là lần này mặc dù căng thẳng giữa Israel và Iran hiện đang ở mức nghiêm trọng như trong nhiều thập kỷ, nhưng dường như thị trường đã hoàn toàn bỏ qua điều này".
Tại sao thị trường lại lạc quan như vậy? Các nhà giao dịch cho biết thế giới còn nhiều nguồn cung dầu để dự phòng. Còn theo các nhà phân tích, lý do lớn nhất cho sự lạc quan này là liên minh OPEC+ có thể sản xuất nhiều dầu hơn nữa – nếu họ muốn.
Với tư cách là một nhóm, OPEC+, một liên minh các nước sản xuất dầu, có động lực sản xuất ít dầu hơn; nguồn cung thấp hơn có nghĩa là giá cao hơn. Nhưng từng quốc gia thành viên đều có lý do để sản xuất nhiều dầu hơn, vì điều này giúp tăng nguồn tài trợ cho ngân sách quốc gia của họ. Cân bằng hai điều trên là thách thức ngoại giao cốt lõi của liên minh OPEC+.
Trong vài năm trở lại đây, nhóm này – và đặc biệt là Ả Rập Xê-út – đã cắt giảm sản lượng đáng kể để cố gắng giữ giá. Điều đó có nghĩa là OPEC+, về mặt lý thuyết, có thể dễ dàng bù đắp cho lượng dầu thiếu hụt của Iran.
Rystad Energy, một công ty nghiên cứu năng lượng, ước tính rằng Iran sản xuất khoảng 4 triệu thùng dầu thô mỗi ngày và xuất khẩu khoảng 2 triệu thùng. Công suất dự phòng của OPEC+ – lượng dầu mà nhóm có thể sản xuất, nhưng lại chọn không sản xuất – "hiện ở mức hơn 5 triệu thùng mỗi ngày, có thể triển khai tương đối nhanh chóng", ông Claudio Galimberti, nhà kinh tế trưởng của Rystad Energy, cho biết trong một lưu ý nghiên cứu.
Liệu liên minh này có chọn triển khai sản lượng đó hay không lại là một câu hỏi khác.
Bà Rebecca Babin, một nhà giao dịch năng lượng cấp cao của CIBC Private Wealth, lưu ý rằng OPEC+ đã giữ nguyên sản lượng ngay cả sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine và đẩy giá dầu tăng vọt vào thời điểm đó. Bà Babin cho rằng lần này có khả năng họ sẽ chọn tăng sản lượng,.
"Chúng ta có biết họ sẽ làm vậy không? Tất nhiên là không", bà Babin nói. "Và họ thích tạo ra bất ngờ. Nhưng khả năng họ chọn tăng sản lượng đang giúp giữ giá dầu không tăng bốc đầu".
Thay đổi địa chính trị
Ngoài ra, có một số lý do khác khiến giá dầu không thể tăng đột biến. Thực tế là giá dầu đã giảm mạnh vào tháng 9, một phần là do nhu cầu thấp hơn dự kiến từ nền kinh tế Trung Quốc. Bắc Kinh vừa tung ra một chương trình kích thích kinh tế lớn, nhưng vẫn chưa rõ chương trình này sẽ chuyển thành mức tiêu thụ dầu mỏ bao nhiêu.
Trong khi đó, địa chính trị của dầu mỏ đã thay đổi đáng kể, phần lớn là do sự bùng nổ của đá phiến sét, khi các phương pháp khoan mới như khai thác dầu đá phiến sét đã khai thác được trữ lượng dầu mỏ khổng lồ. Mỹ hiện là quốc gia sản xuất dầu lớn nhất trong lịch sử và là nước xuất khẩu dầu ròng.
Và vì Mỹ ít phụ thuộc hơn nhiều vào dầu từ Trung Đông so với trước đây, nên các nhà giao dịch cho rằng Iran có ít động lực hơn để đóng cửa Eo biển Hormuz so với vài thập kỷ trước.
Hơn 1/4 lượng dầu thô vận chuyển bằng đường biển của thế giới đi qua tuyến đường thủy này, nằm giữa Iran và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). Ông Galimberti của Rystad Energy cho biết bất kỳ sự tắc nghẽn nào ở khu vực này cũng sẽ khiến giá dầu tăng vọt.
Nhưng điều đó sẽ gây ra ít đau đớn hơn cho Mỹ so với trước đây – và gây ra nhiều đau đớn hơn cho Iran và khách hàng chính của nước này là Trung Quốc.
Bà Sen của Energy Aspects cho rằng thị trường hiện đang đánh giá thấp mức độ xung đột Iran-Israel có thể làm đảo lộn thị trường, và nếu một cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ thực sự xảy ra, phản ứng về giá sẽ rất mạnh mẽ.
Trên thực địa, các tàu chở dầu của Iran đã rời khỏi Đảo Kharg để phòng khi xảy ra một cuộc tấn công tiềm tàng của Israel nhằm đáp lại loạt tên lửa lớn do Iran phóng tới hôm 1/10. Hòn đảo này, nơi xử lý 90% lượng dầu xuất khẩu của Iran, được cho là mục tiêu trả đũa hàng đầu của Israel.
"Công ty tàu chở dầu quốc gia Iran (NITC) dường như đang lo sợ một cuộc tấn công mà Israel có thể sắp phát động", TankerTrackers đưa tin trên Twitter vào chiều hôm 3/10. "Các tàu chở dầu cỡ siêu lớn VLCC trống rỗng của họ đã rời khỏi cảng dầu lớn nhất của đất nước, Đảo Kharg, vào hôm qua (ngày 2/10)".
Cơ sở này, cách Iran khoảng 20 dặm (32 km) về phía Tây ở phía Bắc Vịnh Ba Tư, vẫn đang chất hàng lên tàu, TankerTrackers lưu ý. Tuy nhiên, "toàn bộ năng lực vận chuyển còn trống đã được dỡ khỏi nơi neo đậu của Đảo Kharg. Đây là lần đầu tiên chúng tôi chứng kiến điều tương tự như thế này xảy ra kể từ vòng trừng phạt năm 2018".
Hãng truyền thông HunterBrook đã phân tích 105 hình ảnh vệ tinh về tàu chở dầu của Iran có từ tháng 11 "cho thấy đây là lần đầu tiên tất cả các tàu chở dầu rời khỏi nơi neo đậu".
Minh Đức (Theo NPR, TWZ)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/cang-thang-israel-iran-co-du-de-khien-gia-dau-tang-boc-dau-a169431.html