Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT), trong 9 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt 46,28 tỷ USD, tăng 21% so với cùng kỳ. Nhập khẩu cũng tăng 7,5%, đạt 32,42 tỷ USD, đưa giá trị xuất siêu nông, lâm, thủy sản lên 13,86 tỷ USD, tăng 71,2%.
Riêng trong tháng 9/2024, kim ngạch xuất khẩu đạt 5,85 tỷ USD, tăng 31% so với tháng 9/2023. Trong đó, nông sản chính đạt 3,41 tỷ USD, tăng mạnh 50,9%. Lâm sản đạt 1,33 tỷ USD, tăng 11%, thủy sản đạt 920 triệu USD, tăng 13,4%, và ngành chăn nuôi đóng góp 46,1 triệu USD, tăng 19,1%.
Tính đến hết tháng 9, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng trưởng. Nông sản đạt 24,85 tỷ USD, tăng 27,7%; lâm sản đạt 12,46 tỷ USD, tăng 20,3%; thủy sản đạt 7,23 tỷ USD, tăng 9,5%; và chăn nuôi đạt 376 triệu USD, tăng 3,8%.
Các mặt hàng chủ lực như gỗ và sản phẩm từ gỗ đạt kim ngạch 11,66 tỷ USD, tăng 21,3%. Cà phê đạt 4,37 tỷ USD, tăng 39,6% dù lượng xuất khẩu giảm 10,5%. Gạo đạt 4,37 tỷ USD, tăng 23,5%, với lượng xuất khẩu đạt 7,01 triệu tấn, tăng 9,2%. Hạt điều đạt 3,17 tỷ USD, tăng 22,5%. Rau quả đạt 5,87 tỷ USD, tăng 39,4%. Tôm đạt 2,79 tỷ USD, tăng 10,5%. Cá tra đạt 1,36 tỷ USD, tăng 7,8%, và hạt tiêu đạt 1 tỷ USD, tăng 46,9%.
Giá xuất khẩu của nhiều mặt hàng cũng tăng đáng kể. Cà phê đạt giá cao nhất với mức tăng 56%, lên 3.897 USD/tấn. Hạt tiêu đứng thứ hai với mức tăng 49,2%, đạt 4.941 USD/tấn. Cao su và gạo cũng ghi nhận mức tăng, lần lượt là 19% và 13,1%.
Về thị trường, kim ngạch xuất khẩu vào các thị trường lớn đều tăng, đặc biệt châu Á tăng 17,4%, châu Mỹ tăng 26,1%, châu Âu tăng 34,6%, và châu Đại Dương tăng 16,1%. Riêng châu Phi giảm nhẹ 0,3%. Ba thị trường xuất khẩu lớn nhất vẫn là Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản. Trong đó, Mỹ chiếm tỉ trọng 21,6%, Trung Quốc chiếm 20,8% và Nhật Bản chiếm 6,6%.
Về tình hình trong nước, mặc dù giá một số mặt hàng có biến động, nhưng vẫn ổn định. Tuy nhiên, giá lúa gạo và rau màu ở một số địa phương ghi nhận tăng do ảnh hưởng của bão số 3. Giá lợn hơi có xu hướng tăng vào cuối tháng 9 ở cả ba miền. Giá cá tra tăng nhẹ từ 150 đến 300 đồng/kg, trong khi giá tôm thẻ duy trì ổn định ở mức 83.000 đồng/kg.
Để hỗ trợ xuất khẩu, các địa phương đã cấp 7.639 mã số vùng trồng tại 56 tỉnh và 1.557 mã số cơ sở đóng gói cho các thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Australia, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, và EU. Việc này góp phần định hướng sản xuất theo nhu cầu thị trường và nâng cao uy tín của nông sản Việt Nam.
Bộ NN&PTNT cho biết đang tích cực phát triển thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, đặc biệt là tại các thị trường trọng điểm như Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản và EU.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/xuat-khau-nong-lam-thuy-san-tang-manh-ngoai-tru-mot-thi-truong-a169383.html