Thời gian vừa qua, liên tục nhiều văn bản giả mạo ngành y tế được tung ra để thông báo... đi kiểm tra. Nó chứng tỏ cái sự kiểm tra của ngành y tế, một việc làm rất bình thường, lại đang bị triệt để khai thác.
Để dọa.
Vầng, đúng thế, để dọa.
Tức là có khá nhiều người, cơ sở, địa chỉ làm ăn khuất tất, nên họ chính là đối tượng các văn bản giả mạo này hướng tới.
Ví dụ thành phố Hồ Chí Minh, trong 2 ngày 25 và 26-9, công an TP.HCM đã ghi nhận vụ việc một số người lừa đảo sử dụng phương thức công nghệ cao để gọi điện thoại cho chủ các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống.
Sau đó đề nghị cơ sở kinh doanh kết bạn qua mạng xã hội Zalo để thông báo có đoàn kiểm tra của sở Y tế TP sẽ kiểm tra, giám sát hoạt động của các cơ sở này liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm.
Ví dụ "ngày 1-10, Sở Y tế tỉnh Bến Tre cho biết đã có văn bản gửi các sở, ngành và đơn vị tại tỉnh này về văn bản giả mạo quyết định của Sở Y tế về việc thành lập "đoàn kiểm tra, giám sát các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm" trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở Y tế tỉnh Bến Tre, sau khi xuất hiện các văn bản này thì một số người đã điện thoại đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh tự xưng là thành viên của "đoàn kiểm tra" để yêu cầu kết bạn Zalo, gửi văn bản quyết định giả mạo này để thông báo lịch kiểm tra, giám sát.
Đồng thời yêu cầu cung cấp các giấy tờ có liên quan để "đoàn kiểm tra" chuẩn bị trước khi xuống cơ sở kiểm tra".
Rất nhiều tỉnh bị như thế.
Và đỉnh điểm, hết sức hài hước là, hài hước đến đau đớn là, mới đây, sở y tế và công an Gia Lai kiểm tra một cơ sở y tế khám bệnh tư nhân ở thành phố Pleiku, ngay sau lưng nhà tôi, cái phòng khám có tên rất choáng: ĐHY TPHCM, người bình thường ngó vào thì hiểu ngay là đại học Y TPHCM, người có bệnh càng nghĩ thế.
Và bệnh nhân nườm nượp.
Khi vào kiểm tra, một bác sĩ rất trẻ, tóc cắt càng trẻ hơn, năng động, trẻ trung đang khám và tư vấn cho một bệnh nhân. Nghe đồn bác sĩ này khám và tư vấn các loại như: thăm khám, lên phác đồ điều trị tiêm xơ, laser sóng cao tần, ngoài ra tất tật các bệnh thông thường khác.
Bác sĩ đang cần mẫn khám nên khi được yêu cầu kiểm tra thì khá lúng túng, thậm chí không hợp tác, tới khi có sự xuất hiện của một nữ trung tá công an phường mặc cảnh phục thì bác sĩ mới hợp tác, thì trời ạ, anh ta tự khai là "tốt nghiệp chuyên ngành văn hóa, nhưng không rõ tốt nghiệp cấp gì, trường nào, không trình bằng cấp và "bác sĩ" này không có bằng cấp hành nghề y"- trích tường thuật một tờ báo.
Thế thì việc đầu tiên là từ đây tôi phải cho cái danh xưng bác sĩ của anh này vào ngoặc kép, là "bác sĩ" và thứ 2 là, bái phục anh này quá. Nhà tôi có vợ, con gái, con rể ngành y mà các thuật ngữ ngành y, dù khá... thông minh, tôi vẫn hết sức ú ớ, thế mà anh này, non choẹt, học chuyên ngành văn hóa nhưng chưa biết hệ gì, trình nào, mà khám bệnh, tư vấn, cho đơn thuốc bao nhiêu năm nay, mà bệnh nhân vẫn tin, không chỉ vẫn tin mà còn tin... sái cổ. Thì phải khám được, thu được tiền thì cái phòng khám này mới đủ tiền thuê địa điểm ở cái con phố lớn này chứ.
Anh này, hài hước nữa là cái lý lịch: "bác sĩ Thanh" tên thật là Võ Minh Chiến (28 tuổi), trú xã Cư An, huyện Đak Pơ. Cái huyện Đăk Pơ ấy, nó xa và bé tí, sinh ra ông "bác sĩ" 28 tuổi không cần học ngành y, dẫu là y tá, hộ lý ngày xưa, vẫn nghiễm nhiên khám chữa bệnh như ai. Thấy ảnh ông mặc áo ngành y ngồi khám bệnh nó hài hước vô cùng.
Từ đấy nhớ lại bao nhiêu sự việc trước đấy, các phòng khám tư bị rút giấy phép nhưng vẫn hoạt động, nhiều nhất là các cơ sở thẩm mỹ. Lại nhớ tiếp đến vụ bác sĩ làm chết bệnh nhân bèn... mang xác thả xuống sông phi tang vân vân...
Hôm kia một tờ báo thông tin: Bị tước giấy phép, một phòng khám đa khoa vẫn hoạt động. Là ở thành phố Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk, Công ty TNHH Bệnh viện Việt Pháp Dental bị tước giấy phép hoạt động khám chữa bệnh trong thời gian ba tháng, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh trong vòng hai tháng, kể từ ngày 29-7. Cũng ngày 29-7, Thanh tra Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính Công ty TNHH Bệnh viện Việt Pháp Dental 105 triệu đồng.
Lý do nha khoa Việt Pháp có các vi phạm như cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi chuyên môn ghi trong giấy phép; người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh không có mặt trong thời gian cơ sở đăng ký hoạt động mà không ủy quyền cho người khác…
Và những phòng khám, những cơ sở y tế như thế chính là mảnh đất màu mỡ cho các văn bản fake như kể trên.
Nghĩ kỹ hơn một tí, cũng thấy, "phải thế nào" mấy cái thứ hàng giả hàng dởm ấy nó mới tồn tại được chứ?
Search trên mạng, thấy rất nhiều tin các phòng khám, các cơ sở y tế tư nhân bị rút giấy phép, nhưng chỉ một thời gian ngắn, nó lại xuất hiện, dẫu đã từng gây ra các biến chứng y khoa nghiêm trọng.
Và mặt nữa, cũng bởi bà con ta dễ tin quá. Thay vì vào các bệnh viện chính thống, có uy tín, lại thích đi nghe những lời tán ngọt ngào, nhất là những người xăm môi bơm bụng nhồi mông tiêm filler dạo. Nghe nói còn có trường hợp tại cơ sở thẩm mỹ bị cấm tiêm filler thì bèn mời nhân viên về tận nhà riêng tiêm cho... kín đáo và an toàn.
Theo tôi, trong các loại giả mạo thì giả mạo trong ngành y là nghiêm trọng nhất, nó liên quan tới tính mạng con người. Và quả là, tôi cũng không hiểu sao mà lại có loại "bác sĩ" liều tới thế, bởi chắc chắn nếu xảy ra các sự cố thì họ sẽ đi tù, sẽ hết cơ nghiệp.
Và bệnh nhân, cũng hết sức không hiểu sao lại có những người nhẹ dạ thế. Tất nhiên là sẽ có lý do là bị lừa. Nên câu khuyên "hãy là khách hàng thông minh" luôn luôn đúng, kể cả là khách hàng của ngành y.
* Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/quyen-luc-nganh-y-a169108.html