Mua nhà tại các đô thị vẫn xa 'tầm với' của nhiều người lao động

Để giải quyết bài toán nhà ở vừa đủ và khả năng chi trả của người dân, các chuyên gia cho rằng cần có một giải pháp tổng thể, kết hợp sức mạnh của cả khu vực công và tư. Không một bên nào đơn lẻ có thể giải quyết vấn đề nan giải này.

Chú thích ảnh Mua nhà tại các đô thị vẫn xa "tầm với" của nhiều người lao động. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Hiện nay nguồn cầu nhà ở tại các đô thị của Việt Nam vẫn rất lớn. Khảo sát của Công ty Savills Việt Nam cho thấy, trong giai đoạn 2019 - 2023, giá bất động sản tại Hà Nội tăng trung bình 6%/năm và tại TP Hồ Chí Minh là 3%/năm. Trong khi đó, thu nhập cá nhân chỉ tăng lần lượt tương ứng 4% và 3%.

Khoảng cách ngày càng lớn này đang khiến việc sở hữu nhà ở trở nên khó khăn hơn đối với rất nhiều người dân. Bên cạnh đó, các rào cản pháp lý, vấn đề của nhà phát triển dự án cũng như sự chậm trễ trong việc ban hành chính sách hỗ trợ nhà ở đã tình trạng khó khăn trong phát triển nhà ở chưa thuyên giảm.

Một thị trường bất động sản phát triển bền vững thường có sự đa dạng về phân khúc, đặc biệt là các sản phẩm hạng B và C. Tuy nhiên, tại cả Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, nguồn cung các loại hình nhà ở này lại đang thiếu hụt nghiêm trọng. Nhu cầu về loại nhà ở này khoảng 50.000 căn hộ mỗi năm, chủ yếu đến từ người dân có thu nhập trung bình và các hộ gia đình trẻ. Nhưng những đòi hỏi này chưa được đáp ứng đầy đủ.

Trước thực trạng khan hiếm trầm trọng nhà ở vừa túi tiền, người có nhu cầu thực đã có sự thay đổi tư duy về lựa chọn không gian sống. Một khách hàng trẻ tuổi đang làm việc Tp.Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) chia sẻ, sau cả năm tìm nhà, anh Nguyễn Trung Hiếu tính toán, gia đình anh không thế chịu được chi phí mua nhà tại thành phố này nếu chỉ có 2 tỷ đồng vốn và số còn lại đi vay thêm ngân hàng.

Bởi tổng thu nhập cả 2 vợ chồng chưa cao, cộng với phải vay ngân hàng phải trả cả lãi và một phần gốc thì sẽ không đủ chi phí để sinh hoat, nuôi con ăn học cùng hàng loạt khoản phát sinh khác… Thay vì mua nhà tại TP Hồ Chí Minh, gi đình trẻ này đã chấp nhận “đi xa” khi chọn sở hữu 1 căn hộ tại khu vực thành phố Dĩ An, cách nơi làm việc khoảng 30 km.

Đây cũng là cách mà nhiều người lao động đang tìm kiếm để sở hữu một ngôi nhà cho riêng mình tại những nơi giáp ranh - khu có mặt bằng giá bất động sản chưa bị đẩy cao như TP Hồ Chí Minh hay Hà Nội. Tuy nhiên, các tỉnh này với lợi thế về khu công nghiệp, đang tập trung lực lượng lao động rất đông cũng đối mặt với lực cầu nhà ở gia tăng nhanh chóng.

Bà Giang Huỳnh - Giám đốc Bộ phận nghiên cứu tại Savills nhận xét, cả TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận như Bình Dương, Đồng Nai, Long An đều đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung nhà ở. Trong tương lai gần, TP Hồ Chí Minh sẽ chứng kiến sự gia tăng của các dự án cao cấp, trong khi nguồn cung nhà ở giá rẻ lại hạn chế. Còn tại Hà Nội, chuyên gia này dự báo sẽ tập trung phát triển các dự án hạng B.

Theo bà Giang Huỳnh, trong bối cảnh ngân sách nhà nước có giới hạn và lãi suất tăng cao, việc tài trợ cho các dự án nhà ở xã hội gặp nhiều khó khăn. Khu vực tư nhân cũng đối mặt với áp lực lạm phát về chi phí đầu vào. Chính vì vậy, sự hợp tác hiệu quả giữa hai bên, kết hợp sức mạnh của cả khu vực công và tư là điều cấp thiết.

“Chính quyền thành phố nên có những chính sách khuyến khích mạnh mẽ để các chủ sở hữu đất cùng hợp tác, tạo ra những khu dân cư mới bền vững. Bằng cách tận dụng tối đa diện tích đất, kết hợp với các tiện ích chung và không gian xanh để có thể giải quyết phần nào bài toán nhà ở đang ngày càng cấp bách. Sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền và các nhà đầu tư sẽ là chìa khóa để đưa những ý tưởng này thành hiện thực” - bà Giang Huỳnh đề xuất.

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cũng cho rằng, việc phát triển nhà ở vừa túi tiền sẽ mở ra cơ hội giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu, kéo giảm mặt bằng giá nhà ở của toàn thị trường. Nếu cả thị trường chung tay và các chính sách về nhà ở theo hướng kinh tế thị trường thì loại hình nhà ở vừa túi tiền sẽ phát triển song song với nhà ở xã hội.

Tuy nhiên, để có thể thực hiện được điều này, cần có các chính sách tín dụng ưu đãi dành riêng để tăng sức mua, hỗ trợ các chủ đầu tư dự án bất động sản trong việc phát triển, vận hành dự án hạ tầng xã hội. Đặc biệt, cần tăng cường đầu tư, mở rộng hạ tầng giao thông kết nối. Khi khoảng cách không còn là vấn đề, thì xu hướng dịch chuyển từ khu vực trung tâm ra ven đô thị là tất yếu.

Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu nêu vấn đề, muốn xây dựng nhà ở vừa túi tiền thì giá đất phải hợp lý. Nhưng hiện nay, để có một quỹ đất giá thấp là rất khó khăn, nan giải. Các doanh nghiệp cho biết rất khó để có thể bắt đầu một dự án mới với giá thành vừa túi tiền, do muôn vàn chi phí khi lập dự án, cộng thêm với việc phải trả tiền đền bù đất theo giá thị trường khi giải phóng mặt bằng.

Hơn nữa, quy trình phê duyệt của các cơ quan chức năng kéo dài, bởi từ lúc bắt đầu cho đến lúc được phê duyệt và đưa sản phẩm ra bán tối thiểu mất 3-5 năm. Thời gian càng dài, chi phí của dự án càng tăng cao và người chịu cuối cùng là người dân. Do đó, những nút thắt này vẫn phải gỡ càng nhanh càng tốt.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/mua-nha-tai-cac-do-thi-van-xa-tam-voi-cua-nhieu-nguoi-lao-dong-a169061.html