Sức khỏe người lao động ngoài trời sẽ chịu ảnh hưởng nhiều hơn bởi biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu bao gồm việc gia tăng nhiệt độ, mưa bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác không chỉ làm gia tăng rủi ro về sức khoẻ mà còn làm gián đoạn công việc dẫn đến giảm năng suất lao động và thu nhập của người lao động. Đối với những người làm việc tự do/phi chính thức những tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn do họ thiếu các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ cần thiết từ hệ thống an sinh xã hội.

Chiều ngày 27/9, Tổng hội Y học Việt Nam, Viện Y học ứng dụng Việt Nam đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “Tổng quan chính sách tại Việt Nam về sức khỏe của người lao động ngoài trời trong bối cảnh biến đổi khí hậu”.

Hội thảo này là một phần quan trọng trong chương trình nghiên cứu được tài trợ bởi Wellcome Trust (một quỹ từ thiện tập trung vào nghiên cứu sức khỏe có trụ sở tại London, Vương quốc Anh), tập trung vào tác động của biến đổi khí hậu đối với sức khoẻ của những lao động ngoài trời bấp bênh tại các đô thị lớn của Việt Nam.

•	GS. TS. Nguyễn Văn Kính, Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam chủ trì Hội thảo
GS. TS. Nguyễn Văn Kính(trái) Phó Chủ tịch thường trực Tổng hội Y học Việt Nam và bà TS. BS. Nguyễn Thu Giang, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe Cộng đồng Ánh sáng – Light đồng chủ trì Hội thảo

Tại hội thảo, Ths.Lưu Liên Hương Giám đốc Trung tâm nghiên cứu của Viện Y học ứng dụng Việt Nam (VIAM) đã thông tin về tổng quan chính sách tại Việt Nam về sức khỏe cho nhóm người lao động ngoài trời. Theo ước tính, tại Việt Nam lực lượng lao động tự do/phi chính thức chiếm một tỷ lệ đáng kể khoảng 33 triệu người tương đương hơn 50% tổng số việc làm. Người lao động tự do bao gồm cả người lao động ở môi trường bên ngoài khuôn khổ của văn phòng/công sở cố định thường không có hợp đồng lao động dẫn đến việc không được hưởng các quyền lợi như bảo hiểm xã hội và các chế độ phúc lợi khác. Lao động ngoài trời bao gồm những nghề như nông dân, ngư dân, thợ xây dựng, công nhân vệ sinh môi trường, xe ôm truyền thống (hoặc xe ôm công nghệ)…

Biến đổi khí hậu bao gồm việc gia tăng nhiệt độ, mưa bão và các hiện tượng thời tiết cực đoan khác không chỉ làm gia tăng rủi ro về sức khoẻ mà còn làm gián đoạn công việc dẫn đến giảm năng suất lao động và thu nhập của người lao động. Đối với những người làm việc tự do/phi chính thức những tác động này càng trở nên nghiêm trọng hơn do họ thiếu các biện pháp bảo vệ và hỗ trợ cần thiết từ hệ thống an sinh xã hội.

So với toàn bộ dân số nói chung, người lao động, đặc biệt là nhóm nghèo nhất, có nguy cơ cao hơn phải tiếp xúc và hứng chịu những rủi ro do các hiện tượng thời tiết cực đoan như sóng nhiệt, hạn hán, cháy rừng và bão lũ vì họ là những người đầu tiên chịu ảnh hưởng và trong thời gian dài hơn với mức độ lớn.

Người lao động phi chính thức, thời vụ, làm việc trong các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là nhóm dễ hứng chịu những tác hại do biến đổi khí hậu nhất nhưng lại không có lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục làm việc ngay cả trong các điều kiện nguy hiểm.

Theo ThS Hương, mặc dù các văn bản hiện hành đã thể hiện sự quan tâm đến an toàn lao động và phòng ngừa tai nạn tuy nhiên chưa có các chính sách cụ thể về sức khỏe cho nhóm lao động này. Các chính sách hiện có cũng có những tác động nhất định đến điều kiện làm việc và an sinh xã hội nhưng còn hạn chế, đặc biệt là nhóm lao động phi chính thức và người lao động trên các nền tảng số.

“Mặc dù Việt Nam đã ban hành nhiều chính sách ứng phó với biến đổi khí hậu nhưng vẫn còn thiếu các quy định cụ thể dành cho người lao động tự do ngoài trời. Điều này dẫn đến việc chưa có khung pháp lý đầy đủ và hiệu quả để bảo vệ quyền lợi và sức khoẻ cho nhóm lao động này. Đặc biệt các yếu tố cụ thể liên quan đến biến đổi khí hậu và tác động của nó đối với người lao động ngoài trời vẫn chưa được đề cập rõ ràng trong các văn bản hiện hành”, Ths Hương nhấn mạnh.

Theo TS. Vũ Ngọc Anh, Giám đốc Nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu xã hội quốc gia Vương quốc Anh (NATCEN), Trưởng dự án tài trợ bởi Wellcome Trust về mối liên hệ giữa biến đổi khí hậu và sức khỏe tại Việt Nam cho rằng: “Cần phân tích sâu hơn về các chính sách đã và đang được áp dụng để bảo vệ và không bảo vệ người lao động. Đặc biệt, cần làm rõ mối quan hệ tương hỗ giữa các chính sách về biến đổi khí hậu và các chính sách về sức khỏe".

Triều cường tại TP.HCM khiến người lao động ngoài trời rất vất vả mưu sinh (Ảnh minh hoạ)
Triều cường tại TP.HCM khiến người lao động ngoài trời rất vất vả mưu sinh (Ảnh minh hoạ)

Phát biểu tại hội thảo, bà Nguyễn Thị Như Thuỷ từ Bộ Lao Động, Thương binh và Xã hội cho rằng, để xây dựng một khung pháp lý bảo vệ toàn diện cho nhóm đối tượng không có quan hệ lao động, cần tiến hành một nghiên cứu toàn diện về hệ thống văn bản pháp luật hiện hành. Cần thiết phải xây dựng cơ sở dữ liệu văn bản pháp luật chuyên biệt, dễ tra cứu và cập nhật đối với các đối tượng cụ thể nêu.

Kết luận hội thảo, các đại biểu chuyên gia đều nhất trí việc cần thiết phải rà soát, xây dựng các chính sách nhằm giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu đối với sức khoẻ người lao động ngoài trời.

Đức Anh

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/suc-khoe-nguoi-lao-dong-ngoai-troi-se-chiu-anh-huong-nhieu-hon-boi-bien-doi-khi-hau-a168729.html