Tán thành đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương

(Chinhphu.vn) - Sáng 26/9, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Pháp luật tiến hành thẩm tra Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Tán thành đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương- Ảnh 1.

Các đại biểu nhất trí với Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương - Ảnh: VGP/LS

Báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng nhấn mạnh, Thừa Thiên Huế luôn giữ vai trò và vị thế quan trọng với vị trí nằm ở trung độ của cả nước, tỉnh có vai trò kết nối 3 miền Bắc - Trung - Nam, có bề dày về lịch sử, văn hóa;… 

Đồng thời, Bộ Chính trị đã ban hành nhiều Nghị quyết, Kết luận quan trọng về xây dựng, phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế. Đặc biệt, ngày 10/12/2019 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 54-NQ/TW về xây dựng và phát triển tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2025, Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản cố đô và bản sắc văn hóa Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh. 

Vì vậy, việc xây dựng Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương và sắp xếp, thành lập các đơn vị hành chính (ĐVHC) cấp huyện, cấp xã trên cơ sở địa giới hành chính tỉnh Thừa Thiên Huế là cần thiết.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Duy Thăng cho biết, việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở nguyên trạng 4.947,11 km2 diện tích tự nhiên và quy mô dân số 1.236.393 người của tỉnh Thừa Thiên Huế. Đồng thời, với thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương, thành lập 02 quận, 01 thị xã, 01 huyện và 11 phường, 01 xã, 01 thị trấn thuộc thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã có liên quan.

Tại Đề án đã có phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc trung ương và các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc; bố trí, giải quyết số lượng cán bộ, công chức, viên chức, người hoạt động không chuyên trách dôi dư; trụ sở, tài sản công dôi dư và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.

Cho ý kiến tại phiên họp, các đại biểu tán thành việc thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương trên cơ sở nguyên trạng tỉnh Thừa Thiên Huế với các lý do và cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn như đã nêu trong Tờ trình và Đề án của Chính phủ. Đồng thời nhấn mạnh đây là một Đề án lớn, có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ đối với Thừa Thiên Huế mà còn đối với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị, Nghị quyết số 55-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII)... Thành phần hồ sơ các Đề án do Chính phủ trình đã bảo đảm đầy đủ, theo đúng quy định của pháp luật, đủ điều kiện trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định.

Nêu ý kiến về các nội dung cụ thể, các đại biểu đề nghị việc giải quyết việc làm bền vững cho nhóm nông dân không có đất sản xuất, lao động phi chính thức cần được quan tâm, nghiên cứu kỹ lưỡng và có giải pháp cụ thể, lâu dài. Đồng thời, cần có phương án, kế hoạch phát huy, bảo tồn song cũng không để trở thành những xung đột, rào cản, trở ngại cho quá trình phát triển và hiện đại hóa.

Bên cạnh đó, một số ý kiến lưu ý, thành phố trực thuộc trung ương và các quận trực thuộc sau khi được thành lập sẽ tăng khối lượng thủ tục hành chính liên quan đến kê khai, thay đổi địa chỉ, giấy tờ tùy thân,…. Để giải quyết những vấn đề này cần năng lực tổ chức bộ máy tốt, hiện đại cũng như chú trọng đến việc đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ quản lý đô thị các cấp. Vì vậy, đề nghị phân tích, đánh giá kỹ lưỡng hơn những nội dung này trong Đề án.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề nghị cung cấp thông tin, báo cáo rõ hơn các nội dung liên quan đến khía cạnh “thân thiện môi trường và thông minh”, “đô thị hạt nhân cấp vùng và tiểu vùng” trong các Nghị quyết của Đảng được thể hiện trong Đề án như thế nào? Nghiên cứu, bổ sung các chỉ tiêu chủ yếu, định hướng phát triển phù hợp với các mục tiêu cụ thể trong Quyết định số 150/QĐ-TTg ngày 28/01/2022 về phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quyết định số 540/QĐ-TTg ngày 19/6/2024 phê duyệt đề án phát triển khoa học và ứng dụng, chuyển giao công nghệ thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong nông nghiệp đến năm 2030;…

Kết luận nội dung này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy cho biết, các ý kiến đánh giá cao sự tích cực và quyết tâm của Chính phủ cũng như cấp ủy, chính quyền tỉnh Thừa Thiên Huế trong việc nghiên cứu xây dựng và chuẩn bị các điều kiện cần thiết để hoàn thiện hồ sơ Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy lưu ý, Đề án thành lập thành phố Huế trực thuộc trung ương bao gồm cả nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Quốc hội (việc thành lập thành phố trực thuộc trung ương) và nội dung thuộc thẩm quyền quyết định của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (việc thành lập quận, thị xã và sắp xếp, thành lập các ĐVHC cấp huyện, cấp xã trực thuộc) nên cần được xem xét, giải quyết một cách tổng thể, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm đúng quy trình, thủ tục theo quy định.

Trên cơ sở ý kiến tại phiên họp thẩm tra, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy đề nghị Bộ Nội vụ tiếp tục phối hợp với tỉnh Thừa Thiên Huế tiếp thu, giải trình đầy đủ và hoàn thiện Hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 37.

LS

Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Công bố quyết định công nhận huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) thoát nghèoCông bố quyết định công nhận huyện A Lưới (Thừa Thiên Huế) thoát nghèo
Tham khảo thêm
Khu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại IKhu vực tỉnh Thừa Thiên Huế dự kiến thành lập thành phố trực thuộc Trung ương đạt tiêu chí đô thị loại I

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tan-thanh-de-an-thanh-lap-thanh-pho-hue-truc-thuoc-trung-uong-a168478.html