TRỰC TIẾP: DIỄN ĐÀN KINH TẾ TPHCM 2024 - THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH

(Chinhphu.vn) - Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh 2024 lần thứ 5, chiều 25/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế.

Tham dự Phiên Đối thoại chính sách có lãnh đạo Bộ ngành Trung ương (Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên Môi trường, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao, Ngân hàng Nhà nước), Chủ tịch UBND Thành phố Hồ Chí Minh, lãnh đạo một số tỉnh thành Việt Nam và các tập đoàn lớn trong nước và quốc tế.

Phiên đối thoại sẽ có nội dung phát biểu của Thủ tướng Phạm Minh Chính và phần hỏi đáp với các bộ, ngành, địa phương. 

Hoạt động nhằm tạo cơ hội cho các địa phương, doanh nghiệp được trao đổi sâu rộng, thực chất với Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về thực trạng, giải pháp trong việc áp dụng mô hình chuyển đổi công nghiệp tại Thành phố cũng như vấn đề chiến lược quốc gia, đồng thời kiến nghị với Chính phủ những mô hình, giải pháp, chính sách ở tầm vĩ mô.

TRỰC TIẾP: DIỄN ĐÀN KINH TẾ TPHCM 2024 - THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH- Ảnh 1.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên Đối thoại chính sách giữa Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương, Chủ tịch UBND TPHCM, lãnh đạo các tỉnh thành với các khách mời, các tập đoàn trong nước và quốc tế. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TPHCM và các địa phương trong cả nước

Phát biểu đề dẫn phiên đối thoại, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Võ Văn Hoan bày tỏ: Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2024 rất vui mừng khi nhận được sự quan tâm của các lãnh đạo bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các địa phương, các chuyên gia, các doanh nghiệp, nhà đầu tư lớn trong nước và quốc tế, đặc biệt là sự tham dự của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Phiên đối thoại chính sách.

Điều này thể hiện sự quan tâm của lãnh đạo Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cũng như tầm quan trọng và giá trị thực tiễn của Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5 – năm 2024 với chủ đề "Chuyển đổi công nghiệp, động lực mới cho phát triển bền vững TPHCM."

Sự phát triển công nghệ mang tính đột phá trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang tác động mạnh mẽ tới mọi mặt của đời sống xã hội, từ kinh tế, chính trị đến xã hội và môi trường; làm thay đổi căn bản, thúc đẩy mạnh mẽ việc chuyển đổi nền kinh tế truyền thống sang nền kinh tế tri thức dựa trên đổi mới sáng tạo; đã tạo ra nhiều cơ hội cho các nước, nhất là các quốc gia khu vực Đông Nam Á như Việt Nam; nhờ vào chuyển đổi kinh tế số chúng ta có thể rút ngắn khoảng cách phát triển để bứt phá đi lên.

Tuy nhiên, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 cũng tạo ra nhiều thách thức, đòi hỏi phải có quyết tâm cao, nguồn lực phải lớn, nhân lực phải dồi dào, chính sách pháp luật phải hoàn thiện; hợp tác quốc tế phải sâu rộng hơn nữa; sự chủ động của địa phương là rất cần thiết, nhưng những quyết sách của Trung ương là quan trọng quyết định thành công của quá trình chuyển đổi.

TRỰC TIẾP: DIỄN ĐÀN KINH TẾ TPHCM 2024 - THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH- Ảnh 2.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM phát biểu đề dẫn. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Trong 5 năm gần đây, kinh tế Thành phố tiếp tục phát triển ổn định, giữ vai trò là trung tâm nhiều mặt của khu vực và cả nước; là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo của vùng và cả nước. Hằng năm, Thành phố đóng góp 20% GRDP, 25% nguồn thu ngân sách và của cả nước.

Trong sự phát triển kinh tế của Thành phố, ngành công nghiệp có vị trí quan trọng và chiếm tỷ trọng đóng góp cao.

Trong giai đoạn từ 2016 đến nay, với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế TPHCM, ngành công nghiệp đã có những bước phát triển mạnh và vững chắc dựa trên 4 ngành công nghiệp trọng yếu: (i) cơ khí; (ii) điện tử - công nghệ thông tin; (iii) hóa dược - cao su nhựa; và (iv) chế biến lương thực - thực phẩm.

Đây là những ngành có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao, tạo tác động lan tỏa tích cực đến các ngành kinh tế khác.

Bên cạnh những thành tựu đạt được thì công nghiệp Thành phố đang đứng trước những thách thức, phát triển thiếu bền vững; gia công, lắp ráp còn chiếm tỷ trọng cao; giá trị gia tăng thấp; có công nghệ sau hơn 30 năm đầu tư phát triển nay đã lạc hậu; sử dụng nhiều tài nguyên; thâm dụng lao động; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm; phân bố khu chế xuất, khu công nghiệp không còn phù hợp, một số khu công nghiệp hiện nay nằm trong vùng lõi của Thành phố.

Để khắc phục các hạn chế nêu trên; việc chuyển đổi ngành công nghiệp Thành phố là hết sức cấp bách và cần thiết.

TRỰC TIẾP: DIỄN ĐÀN KINH TẾ TPHCM 2024 - THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH- Ảnh 3.

Thủ tướng và lãnh đạo các bộ ngành đối thoại với các doanh nghiệp

Công nghiệp Thành phố phải phát triển theo hướng công nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chíp điện tử, vi mạch, bán dẫn; công nghiệp hỗ trợ; công nghiệp xanh gắn chuyển đổi số; phát triển hệ thống các dịch vụ hỗ trợ sản xuất công nghiệp như logistics, dịch vụ số (gồm thông tin và truyền thông), dịch vụ tài chính…

Đặc biệt là phải hình thành các ngành công nghiệp mới như công nghiệp năng lượng mới, công nghiệp dược, công nghiệp văn hóa, điện ảnh,…

Chuyển đổi công nghiệp Thành phố gắn kết chặt chẽ với các tỉnh/thành trong vùng Đông Nam bộ, vùng đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Thành phố tiếp tục tập trung khai thác những tiềm năng và lợi thế của mình vào phát triển công nghiệp với vai trò là trung tâm khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo của cả nước, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai, nguồn nhân lực trình độ cao, ứng dụng những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ tư để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả các ngành, sản phẩm công nghiệp.

Để chuyển đổi công nghiệp Thành phố thành công, ngoài nỗ lực các doanh nghiệp, nhà đầu tư, cần sự đồng hành của Chính phủ, các bộ ngành Trung ương và các địa phương.

Trước hết là xây dựng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, khả thi của Trung ương và Thành phố theo thẩm quyền; tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, giúp doanh nghiệp, nhà đầu tư tiếp cận hiệu quả các nguồn lực theo cơ chế thị trường và tranh thủ sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức quốc tế, các quốc gia trên thế giới.

TRỰC TIẾP: DIỄN ĐÀN KINH TẾ TPHCM 2024 - THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH- Ảnh 4.

Các đại biểu dự đối thoại.

Nghị quyết số 31-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã mở ra cơ hội lớn cho Thành phố trong việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội nói chung và vấn đề phát triển, chuyển đổi công nghiệp nói riêng. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện chắc chắn sẽ gặp phải những vấn đề khó khăn và bất cập.

Chính vì vậy, Phiên đối thoại chính sách tại Diễn đàn Kinh tế TPHCM 2024 hôm nay, là cơ hội để doanh nghiệp phản ánh kiến nghị, chính sách để Chính phủ và chính quyền Thành phố lắng nghe, tìm kiếm giải pháp để xây dựng chính sách nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi công nghiệp ở TPHCM và các địa phương trong cả nước.

TPHCM luôn nhận thức rằng sự thành công của các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong quá trình chuyển công nghiệp nói chung và sản xuất kinh doanh nói riêng, chính là sự thành công của Thành phố, góp phần tiếp thêm động lực cho Thành phố phát triển mạnh mẽ theo tinh thần "TPHCM vì cả nước, cả nước vì TPHCM", vì sự thịnh vượng chung của đất nước.

TRỰC TIẾP: DIỄN ĐÀN KINH TẾ TPHCM 2024 - THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH- Ảnh 5.

Thủ tướng: Phiên Đối thoại là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau; tiến tới hợp tác, cùng chia sẻ, lắng nghe, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.

Trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm tiến tới cùng hợp tác, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng

Điều phối chương trình, TS. Trần Du Lịch bày tỏ "đặt câu hỏi với Thủ tướng là khó nhất" và mong Thủ tướng có đôi lời chia sẻ với buổi đối thoại.

Phát biểu mở đầu phiên đối thoại, Thủ tướng Phạm Minh Chính trước hết "đính chính" lại ý kiến của TS Trần Du Lịch – người dẫn chương trình, rằng đặt câu hỏi với Thủ tướng không phải là "khó nhất" mà là "dễ nhất".

Thủ tướng bày tỏ vui, tự hào về TPHCM khi Diễn đàn tổ chức lần thứ 5, quy mô ngày càng lớn hơn, đối tượng nhiều hơn, vấn đề sâu sắc hơn, nhận được sự quan tâm của bạn bè, đối tác quốc tế.

Lần này, chủ đề của Diễn đàn về chuyển đổi công nghiệp là chủ đề rất rộng và cũng là tiềm năng khác biệt, cơ hội nội trội, lợi thế cạnh tranh của TPHCM; là chủ đề mang tính thời sự của quốc tế. Do đó, Diễn đàn rất có ý nghĩa với TPHCM, với Việt Nam và với cả bạn bè, đối tác quốc tế. Đây là cơ hội để trao đổi kinh nghiệm, chia sẻ, học hỏi lẫn nhau; tiến tới hợp tác, cùng chia sẻ, lắng nghe, cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng, cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào.

"Tôi tin chắc sau Diễn đàn, mỗi người ra về đều có thêm "phần quà" là kiến thức mà Diễn đàn mang lại, ngoài tình cảm nồng hậu, ấm cúng của TPHCM là đơn vị tổ chức. Từ sáng đến giờ, tôi cũng đã nhận được rất nhiều từ Diễn đàn", Thủ tướng nói.

NỘI DUNG ĐỐI THOẠI 

Tại Phiên đối thoại, người điều phối sẽ đặt câu hỏi "đối với Thủ tướng Chính phủ", trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính sẽ phân công các lãnh đạo bộ trả lời và bổ sung thêm.

TRỰC TIẾP: DIỄN ĐÀN KINH TẾ TPHCM 2024 - THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH- Ảnh 6.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Tôi tin chắc sau Diễn đàn, mỗi người ra về đều có thêm "phần quà" là kiến thức mà Diễn đàn mang lại

Sớm thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các DN trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh

TS. Trần Du Lịch: Chính phủ đã, đang và sẽ làm những chính sách ưu tiên gì để hỗ trợ DN thúc đẩy nhanh quá trình chuuyển đổi nền kinh tế, trước hết là đối với ngành công nghiệp, hỗ trợ cho DN cả lớn cả nhỏ có thể chuyển đổi được?

Thứ trưởng Nguyễn Quốc Phương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Chính sách tổng thể chúng ta đã có những cấp độ văn bản khác nhau đối với chuyển đổi nền kinh tế nói chung ở khái niệm rộng và chuyển đổi công nghiệp nói riêng, trong đó đặc biệt nhấn mạnh về đổi mới, sáng tạo.

Hiện nay, những chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước đã được cụ thể trong chiến lược 10 năm đã được Đại hội Đảng XIII thông qua; đã vạch rõ đường lối, chủ trương, quyết sách liên quan đến chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế gắn với các mục tiêu cụ thể về nâng cao chất lượng hiệu quả nền kinh tế, nâng cao năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế. 

Ở góc độ triển khai cụ thể cũng đã có những văn kiện DN có thể tham khảo, như các kế hoạch 5 năm và hàng năm đã vạch ra các bước đi cụ thể trong việc chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế.

Cụ thể, có nhấn mạnh vào 3 lĩnh vực trọng tâm trong chuyển đổi nền kinh tế gồm: Cơ cấu lại ngân sách Nhà nước; Cơ cấu lại DN Nhà nước; Cơ cấu lại đầu tư công. Đây là 3 trọng tâm để thúc đẩy tác động đến chuyển đổi nền kinh tế. Bên cạnh đó có những chính sách cụ thể của từng ngành, lĩnh vực trong ngành công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ, thương mại…

TRỰC TIẾP: DIỄN ĐÀN KINH TẾ TPHCM 2024 - THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH- Ảnh 7.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương trả lời tại Phiên đối thoại. Ảnh VGP/Nhật Bắc

Đi sâu hơn trong thúc đẩy chuyển đổi với ngành công nghiệp có nhấn mạnh 2 quá trình chuyển đổi (chuyển đổi kép) đó là chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đi song hành với nhau. Hiện nay để thực hiện thành công thì thúc đẩy đổi mới sáng tạo là yêu cầu bức thiết. 

Đến nay, trong số các chính sách đã ban hành, tôi xin cập nhật thêm vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 2 quyết định quan trọng là: Phê duyệt Đề án chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam và Đề án đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho công nghiệp bán dẫn và sản xuất chip. 

Đây là 2 quyết định mang tính then chốt để chúng ta bước sang giai đoạn mới thúc đẩy sự chuyển đổi nền kinh tế mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và chuyển đổi xanh.

Hiện nay đối với chuyển đổi xanh cũng đã có những quy định cụ thể của Bộ Tài nguyên môi trường với những tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức để xác định thế nào là DN xanh, sản phẩm xanh, dự án xanh… những điều này sẽ quyết định đến việc áp dụng cơ chế, chính sách hiện nay trong các quy định pháp luật để hỗ trợ các DN đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.

Cuối cùng, đối với Bộ KHĐT sẽ tiếp tục nghiên cứu, tham mưu tới Chính phủ và rà soát các quy định hiện hành liên quan đến hỗ trợ, khuyến khích các DN thúc đẩy chuyển đổi xanh. Những điều không còn phù hợp sẽ điều chỉnh và Bộ KHĐT sẽ kiến nghị những chính sách mới. 

Tới đây Bộ KHĐT cũng sẽ trình chính sách mới được Thủ tướng chỉ đạo sớm ban hành đó là Thành lập quỹ hỗ trợ đầu tư để hỗ trợ các DN trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.

TRỰC TIẾP: DIỄN ĐÀN KINH TẾ TPHCM 2024 - THỦ TƯỚNG CHỦ TRÌ PHIÊN ĐỐI THOẠI CHÍNH SÁCH- Ảnh 8.

Thủ tướng: Chuyển đổi là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu

Chuyển đổi là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, ưu tiên hàng đầu

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Hệ thống chính trị của Việt Nam có Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý (trong đó có Chính phủ), nhân dân làm chủ. Đảng đưa ra đường lối phát triển về công nghiệp trong giai đoạn hiện nay trong đó có Nghị quyết của Đại hội Đảng XIII; Nghị quyết số 29 ngày 17/11/2022 về công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. 

Nhiệm vụ của Chính phủ là phải thể chế hoá các nghị quyết này một số nhiệm vụ vừa được Thứ trưởng Bộ KHĐT trình bày. Chính phủ phải nắm chắc tình hình, hiện nay quốc tế, khu vực, trong nước như thế nào liên quan đến công nghiệp hoá - hiện đại hóa của Việt Nam, chúng ta cũng phải hiểu mình thế nào. 

Sáng nay tôi để ý trình bày của đại biểu từ Hàn Quốc về việc phát triển công nghiệp của mình phải dựa vào tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của quốc gia chứ không nhất thiết là công nghiệp hoá đơn thuần hay là các ngành công nghiệp đơn thuần khác.

Tôi muốn nói để thấy rằng thể chế hoá cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng phải phù hợp với điều kiện của Việt Nam và xu thế của thế giới.

Thứ hai, phải xây dựng thể chế. Vừa qua Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội sưả rất nhiều Luật trong đó có Luật giao dịch điện tử, đang xây dựng Luật dữ liệu, Luật môi trường, Luật đất đai, Nhà ở, Luật kinh doanh bất động sản… trong kỳ họp thứ 8 lần này Quốc hội sẽ thông qua các Luật và sửa đổi các Luật nhiều nhất từ trước đến nay khoảng 16-17 luật thông qua và hơn 10 luật được thảo luận. Ngoài ra, cũng xây dựng cơ chế chính sách để huy động nguồn lực thực hiện.

Thứ ba, muốn làm gì thì làm, hạ tầng phải phát triển, đặc biệt là hạ tầng số, hạ tầng giao thông, hạ tầng chống biến đổi khí hậu, phát triển xanh và không thể không có hạ tầng xã hội, y tế, giáo dục, văn hoá.

Thứ tư, phải hình thành quản trị phù hợp chuyển đổi.

Thứ năm, phải đào tạo nguồn nhân lực có chiến lược, có kế hoạch, lộ trình, bước đi, mục tiêu.

Ngoài ra, phải huy động được sự giúp đỡ, chia sẻ cuả bạn bè quốc tế. Ví dụ như từ sáng đến giờ nghe chia sẻ của bạn bè quốc tế đã giúp chúng ta có nhiều kiến thức hơn, kinh nghiệm hơn, bản lĩnh tự tin hơn để thực hiện chuyển đổi. Việc chuyển đổi này là yêu cầu khách quan lựa chọn chiến lược và là ưu tiên hàng đầu trong chuyển đổi xanh, chuyển đổi số hiện nay".

Hỗ trợ cho các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn

TS. Trần Du Lịch: Chúng ta nói nhiều về xu thế hiện nay là chuyển đổi xanh, đặc biệt là kinh tế tuần hoàn. Tôi được biết hiện nay là Chính phủ đã xây dựng một kế hoạch hoạt động quốc gia, thực hiện kinh tế tuần hoàn đến 2035. Nhân Diễn đàn này, mong Thủ tướng hoặc phân công Bộ phụ trách nói rõ hơn chương trình hành động này để tạo một kỳ vọng cho doanh nghiệp, đặc biệt đang xu hướng phát triển kinh tế tuần hoàn? 

Thứ trưởng Bộ TNMT Lê Văn Thành: Phát triển kinh tế số, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và phát triển kinh tế tuần hoàn đã thành xu thế của thời đại, của cả thế giới. Việt Nam chúng ta cũng phát triển nền kinh tế phù hợp với xu thế thời đại. 

Hiện nay Chính phủ đã giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng Kế hoạch hành động quốc gia về kinh tế tuần hoàn. Trong Dự thảo Kế hoạch này đã đề ra 5 quan điểm, mục tiêu, 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp với các chương trình nhiệm vụ cụ thể cho từng ngành một. 

Đặc biệt trong các nhóm nhiệm vụ giải pháp có nhóm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thúc đẩy áp dụng kinh tế tuần hoàn trong hoạt động sản xuất. 

Cụ thể là hỗ trợ về thiết kế sinh thái để đạt được tiêu chí của kinh tế tuần hoàn; thứ 2 là hỗ trợ áp dụng, phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn trong sản xuất kinh doanh; hỗ trợ thứ 3 là thúc đẩy đổi mới sáng tạo áp dụng công nghệ số, công nghệ thân thiện với môi trường, nhất là kỹ thuật hiện có tốt nhất để thực hiện kinh tế tuần hoàn. Và cũng có những hỗ trợ về hình thành, phát triển thị trường cho các hàng hóa, dịch vụ được sản xuất trong chuỗi sản xuất tuần hoàn.

Ngoài các nhóm nhiệm vụ giải pháp trên, còn có nhóm giải pháp tăng cường quản lý chất thải. Như chúng ta đã biết, mấu chốt nhất của kinh tế tuần hoàn là chất thải của ngành này sẽ trở thành nguyên liệu đầu vào cho ngành khác. Chính vì vậy hỗ trợ để thí điểm, nhân rộng phát triển các mô hình quản lý chất thải theo vùng miền và địa phương cũng sẽ nằm trong kế hoạch này để chúng ta tạo cái hỗ trợ về vốn, đất đai cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường.

Chính sách về tín dụng xanh, trái phiếu xanh, hiện nay Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng có những chế độ hỗ trợ về tín dụng xanh rất cụ thể. Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt bộ tiêu chí xác định các dự án xanh để các dự án có thể tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh không chỉ ở trong nước. Xây dựng chính sách mua sắm công xanh để hỗ trợ sự phát triển của kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.

Tiếp theo, học hỏi những kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới, Việt Nam cũng sẽ phải hướng tới tiếp tục sửa đổi các luật pháp về bảo vệ môi trường để hạn chế nhập khẩu phế liệu và khuyến khích thu gom, sử dụng phế liệu trong nước để làm nguyên liệu sản xuất. 

Chính sách này được rất nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đã đi trước chúng ta trong phát triển kinh tế tuần hoàn trong khu vực đã áp dụng. 

Việc thứ hai là chúng ta cũng sẽ nghiên cứu kinh nghiệm của các quốc gia để trong luật của chúng ta có thể đưa vào những quy định về tỷ lệ nguyên liệu tái chế trong mỗi sản phẩm sản xuất ra. Đây cũng là những kinh nghiệm của các quốc gia đi trước trong khu vực đã áp dụng. 

Trong thời gian sắp tới, ngành Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục nghiên cứu và đề xuất với Chính phủ để bổ sung, sửa đổi hệ thống pháp luật để bảo vệ môi trường, tạo điều kiện khuyến khích hơn nữa phát triển chuyển đổi số, chuyển đổi xanh và kinh tế tuần hoàn.

Mọi người dân tham gia thực hiện kinh tế tuần hoàn

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Thế giới đã thực hiện kinh tế tuần hoàn từ lâu và Việt Nam cũng có thực hiện, nhưng trong bối cảnh cạn kiệt tài nguyên, ô nhiễm môi trường, gia tăng dân số thì vấn đề này mới được quan tâm thỏa đáng, với mục tiêu đưa kinh tế tuần hoàn trở thành xu thế, phong trào.

Đảng Cộng sản Việt Nam xác định không hy sinh môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, một trong những giải pháp bảo vệ môi trường là phát triển kinh tế tuần hoàn, vừa giúp giảm thâm dụng tài nguyên, vừa tận dụng được các nguyên liệu như sử dụng rác thải để sản xuất điện.

Chủ trương của Đảng đã rất rõ, pháp luật đang được hoàn thiện dần. Việt Nam nói chung và Chính phủ nói riêng đang tập trung vào 2 nội dung: Nâng cao nhận thức và xây dựng cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực từ người dân, mọi người dân tham gia thực hiện kinh tế tuần hoàn. Đây là yếu tố quan trọng, mang tính quyết định.

Cổng TTĐT Chính phủ tường thuật trực tiếp phiên đối thoại để phục vụ bạn đọc.
Tham khảo thêm
Tham khảo thêm
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Diễn đàn Kinh tế TPHCM lần thứ 5

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/truc-tiep-dien-dan-kinh-te-tphcm-2024-thu-tuong-chu-tri-phien-doi-thoai-chinh-sach-a168349.html