Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự Thanh Hóa, tỉnh đã chủ động sơ tán 1.010 hộ dân với 3.721 nhân khẩu ở vùng có nguy cơ sạt lở, ngập lụt đến nơi an toàn (Quan Sơn 116 hộ/543 khẩu; Quan Hóa 71 hộ/279 khẩu; Mường Lát 443 hộ/1.479 khẩu…).
Trên các tuyến Quốc lộ, mưa lũ đã làm sạt lở taluy dương, taluy âm tại 178 vị trí với chiều dài 162m, khối lượng hơn 60.000m3 (các quốc lộ 15, 15C, 16, 217, 47). Hiện tại có 5 vị trí gây tắc đường (quốc lộ 15C 4 vị trí, quốc lộ 16 1 vị trí); 2 điểm bị ngập mặt đường (Km42+700-KM42+760 thị trấn Hồi Xuân, huyện Quan Hóa; Km14+600-Km14+650 xã Nam Tiến, huyện Quan Hóa). Mưa lũ đã khiến nhiều đập tràn ở các huyện miền núi ngập sâu, ảnh hưởng đến an toàn của người dân khi lưu thông,
Trên địa bàn thành phố Vinh (tỉnh Nghệ An), mưa to đã khiến nhiều tuyến đường ngập nặng, nhiều phương tiện bị chết máy. Trước tình hình này, nhiều trường tại thành phố Vinh đã thông báo học sinh nghỉ học trong ngày 23/9 và sẽ có kế hoạch học bù để đảm bảo an toàn.
Tại nhiều địa phương miền núi Nghệ An, tình trạng sạt lở diễn biến phức tạp, đe dọa cuộc sống hàng trăm hộ gia đình, chính quyền địa phương phải tổ chức lực lượng di dời người dân đến nơi an toàn.
Tại huyện biên giới Quế Phong, sạt lở ta-luy dương, ta-luy âm đã khiến một nhà dân tại xã Thông Thụ bị sập hoàn toàn, 41 hộ dân với 186 nhân khẩu buộc phải di dời đến nơi an toàn; nhiều điểm trên các tuyến quốc lộ 48D, 16, 48 bị sạt lở, gây mất an toàn giao thông. Đặc biệt, tại km 139A+650 Quốc lộ 48 xuất hiện điểm sạt lở có chiều dài khoảng 50m gây nguy cơ tắc đường. Mưa lớn cũng khiến cầu tràn suối Piệt trên địa bàn 2 bản Mường Piệt, Mường Phú, xã Thông Thụ lên cao.
Chính quyền huyện Con Cuông đã sơ tán 55 hộ dân với 220 nhân khẩu trong vùng ngập lụt, nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Quốc lộ 7 đi qua địa bàn huyện bị sạt lở nghiêm trọng ở đoạn Dốc Chó, gây ách tắc giao thông.
Mưa lũ cũng gây ngập lụt cục bộ, chia cắt tạm thời ở các xã Thanh Xuân, Thanh Tùng, Ngọc Lâm, Thanh Lâm, Hạnh Lâm, Thanh Đức, huyện Thanh Chương. Để đảm bảo an toàn, nhiều trường học trên địa bàn đã cho học sinh nghỉ học.
Ngoài ra, mưa lũ cũng làm hư hỏng nhiều công trình thủy lợi. Trong đó, đê Kênh Thấp đoạn qua khối 2, thị trấn Hưng Nguyên, huyện Hưng Nguyên xuất hiện lún, nứt dọc mặt, thân đê tại 3 vị trí, tổng chiều dài khoảng 250m. Đập Gáo, xóm Đồng Bản và đập Dài trên, xóm Trại Mắt, xã Kim Thành, huyện Yên Thành có nguy cơ vỡ do đắp bằng đất, hiện tại đập sạt lở, bờ yếu. Bờ kênh chính Bắc qua xã Nam Thành, huyện Yên Thành cũng bị lún sụt.
Trên các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ xuất hiện 116 vị trí, sạt lở taluy, trong đó quốc lộ có 59 vị trí, tỉnh lộ 57 vị trí. Mưa kéo dài cũng khiến hơn 137 ha lúa bị hư hại, trong đó hơn 118 ha thiệt hại hoàn toàn (trên 70%); 26 ha cây trồng lâu năm, hơn 380 ha cây hàng năm bị hư hại; hàng chục con gia súc và hàng ngàn con gia cầm bị chết.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, do ảnh hưởng mưa lớn đã gây ngập úng cục bộ tại một số địa phương, hàng nghìn học sinh ở các huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê… phải nghỉ học. Ngành Giáo dục tỉnh Hà Tĩnh chỉ đạo các trường theo dõi sát tình hình mưa lũ để có biện pháp xử lý kịp thời, đảm bảo an toàn cho học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên, tài sản, cơ sở vật chất, công trình trường học.
Tại huyện Đức Thọ ngập lụt một số tuyến đường liên thôn, ngõ xóm ở các xã Quang Vĩnh, Bùi La Nhân, Tùng Châu…; huyện Hương Khê, một số tuyến đường ngập cục bộ.
Do ảnh hưởng của mưa lớn, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đã di dời 38 hộ dân cùng hàng trăm nhân khẩu có nguy cơ bị ảnh hưởng sạt lở cao khỏi khu vực dưới núi cây Sường (tổ dân phố 8, thị trấn Quy Đạt). Chính quyền địa phương đã bố trí lực lượng tại chỗ để hỗ trợ người già và trẻ nhỏ di dời. Bên cạnh việc bố trí nơi ăn ở cho người dân, chính quyền thị trấn cũng phân công lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, động viên tinh thần người dân yên tâm trong quá trình phải di dời.
Tại khu vực bản Phiêng Ban, xã Nà Tấu, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) do mưa lớn kéo dài nên đã xuất hiện vết nứt tạo thành cung trượt lớn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của 4 hộ dân với 18 nhân khẩu. Nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho người dân, trước mắt chính quyền địa phương yêu cầu các hộ dân sinh sống nằm trong vùng có nguy cơ sạt lở cao khẩn trương di dời người và tài sản đến nơi an toàn như nhà văn hóa, nhà người thân để sinh sống.
Trên địa bàn tỉnh Kon Tum, mưa lớn kéo dài đã khiến nhiều khối lượng lớn đất đá từ taluy dương tại Km9+200 của Tỉnh lộ 674 đoạn qua xã Sa Sơn (huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum) đã bị sạt lở, đổ ra mặt đường làm các phương tiện không thể lưu thông.
Trước tình hình trên, Sở Giao thông vận tải tỉnh Kon Tum đã khẩn trương huy động máy móc, nhân lực đến hiện trường tiến hành quét dọn; cắm biển cảnh báo để người dân và các phương tiện lưu thông chú ý. Cùng ngày, Ủy ban nhân dân xã Sa Sơn đã cử lực lượng đến vị trí sạt lở túc trực, điều tiết giao thông, đảm bảo an toàn cho người dân, các phương tiện và báo cơ quan chức năng về tình trạng sạt lở xảy ra trên địa bàn.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên những gia đình có người chết và mất tích, đồng thời chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục tìm kiếm các nạn nhân đang mất tích, hỗ trợ, giúp đỡ người dân khắc phục hậu quả thiên tai, ổn định cuộc sống.
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, tính đến 18 giờ ngày 23/9, hoàn lưu bão số 4 và mưa lớn đã làm 3 người chết do lũ cuốn, 1 người bị thương tại Nghệ An, 1 người mất tích tại Thanh Hóa (do nước cuốn trôi); 261 nhà hư hỏng, tốc mái (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Thừa Thiên - Huế, Quảng Nam)...
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/di-doi-nguoi-dan-o-khu-vuc-nguy-hiem-den-noi-an-toan-a168140.html