Thanh Hóa: Kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu về đê điều

Do ảnh hưởng của mưa lớn, mực nước lũ ở các sông lên cao đã gây ngập lụt, sạt lở, thiệt hại ở nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Hiện các địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ, đảm bảo an toàn tài sản, tính mạng cho người dân.

Chú thích ảnh Tình trạng sạt lở ăn sâu vào nhà dân tại huyện Mường Lát (Thanh Hóa), ngày 22/9/2024. Ảnh: TTXVN phát

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự, các địa phương trong tỉnh Thanh Hóa đã chủ động sơ tán 2.355 hộ, 12.284 nhân khẩu khỏi khu vực nguy cơ xảy ra sạt lở đến nơi an toàn; có 165 hộ dân bị thiệt hại về nhà ở, 8 điểm trường học bị ảnh hưởng.

Tại huyện biên giới Mường Lát, từ đêm ngày 21 đến ngày 23/9, trên địa bàn xảy ra mưa lớn kéo dài, lượng mưa đo được lên đến gần 200mm. Mưa lớn đã làm thiệt hại 32 ngôi nhà của người dân. Trường phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở Trung Lý có 15 phòng ở của học sinh bị đất, đá từ taluy phía sau sạt trượt đè vào tường, phải sơ tán khẩn cấp 214 học sinh đến ở tạm an toàn. Tính đến chiều 23/9, huyện Mường Lát đã thực hiện sơ tán 449 hộ với 2.096 khẩu của thị trấn Mường Lát và các xã Tam Chung, Pù Nhi, Mường Chanh, Trung Lý, Nhi Sơn, Mường Lý, Quang Chiểu đến các nhà văn hóa, các điểm trường và nhà người thân.

Tại huyện miền núi Thạch Thành, mưa lớn trên diện rộng những ngày qua đã khiến đồi Đá Bàn (xã Thành Trực) và đồi ở khu phố Lâm Thành (thị trấn Kim Tân) xuất nhiều điểm sạt lở trên đồi cao, đất đá, cây cối sạt xuống khu vực dân cư, ngay tường nhà dân. Chính quyền địa phương đã căng dây, cắm biển cảnh báo và di dời 44 hộ dân trong vùng ảnh hưởng của sạt lở đến nơi ở an toàn.

Tại huyện miền núi Quan Sơn mưa lớn đã làm 87 ngôi nhà của người dân, 1 nhà xưởng sản xuất tăm bị sạt lở; 148 hộ với 661 khẩu phải sơ tán khẩn cấp. Mưa lớn cũng khiến 2 điểm trường bị sạt lở đất, nhiều điểm trên tuyến giao thông bị sạt lở, 8,5ha lúa, hoa màu đang vào vụ thu hoạch bị ngập úng. Huyện đang huy động các lực lượng chức năng triển khai phương án khắc phục, kịp thời thông tuyến các điểm giao thông bị sạt lở; giúp người dân thu hoạch nhanh diện tích lúa, hoa màu có nguy cơ bị ngập úng.

Theo báo cáo của ngành Giao thông vận tải Thanh Hóa, mưa lũ đã làm cho các tuyến quốc lộ 15, 15C, 217, 218B, 16, 47 và các tuyến đường tỉnh lộ xảy ra tình trạng sạt lở ta luy dương, sạt lở đá lăn, sa bồi mặt đường, sa bồi rãnh dọc 182 vị trí, nhiều tuyến đường bị ngập sâu trong nước. Hiện Sở Giao thông vận tải phối hợp với UBND các địa phương và đơn vị liên quan huy động lực lượng, vật tư, phương tiện dọn dẹp vị trí sạt lở giao thông, cử người canh gác, lập rào chắn, biển báo phân luồng giao thông đối với những vị trí nguy hiểm, gây tắc đường.

Ngày 23/9, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Thanh Hóa có công điện gửi Chủ tịch UBND các huyện: Thạch Thành, Vĩnh Lộc, Hà Trung, Nga Sơn, Hậu Lộc, Thọ Xuân, Yên Định, Thiệu Hóa với nội dung phát lệnh báo động 3 trên sông Bưởi, sông Lèn và sông Cầu Chày.

Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện tiếp tục triển khai việc tuần tra canh gác đê và hộ đê theo các cấp báo động; tổ chức kiểm tra, rà soát và sẵn sàng triển khai phương án đảm bảo an toàn công trình đê điều, đặc biệt là các trọng điểm xung yếu về đê điều, các cống dưới đê trên địa bàn và sẵn sàng vật tư, phương tiện, nhân lực theo phương châm "4 tại chỗ" để xử lý ngay khi có tình huống xấu xảy ra. Bên cạnh đó yêu cầu các địa phương chủ động triển khai phương án sơ tán dân, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân sinh sống ở vùng bãi sông; cảnh báo người dân không tham gia các hoạt động đi lại, vớt củi, đánh bắt thuỷ sản ven sông, trên sông.

Thanh Hóa cũng cấm các loại xe cơ giới đi trên đê, trừ các xe hộ đê, xe kiểm tra đê, xe làm nhiệm vụ quốc phòng an ninh, cứu thương, cứu hoả, xe làm nhiệm vụ khắc phục sự cố đê điều, phòng chống thiên tai.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/thanh-hoa-kiem-tra-ra-soat-cac-diem-xung-yeu-ve-de-dieu-a168139.html