Đà giảm bảo hiểm nhân thọ đang chững lại

Theo thống kê chính thức của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), trong 6 tháng đầu năm 2024,  doanh thu khai thác mới trên thị trường nhân thọ vẫn có xu hướng giảm, nhưng so với cùng kỳ năm trước, tốc độ giảm đã chậm lại.

Bảo hiểm nhân thọ 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ

Theo đó, tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường nhân thọ trong 6 tháng đầu năm nay đã đạt 70.493 tỷ đồng, giảm 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, sản phẩm bảo hiểm cá nhân đạt 70.195 tỷ đồng (giảm 10%) và sản phẩm bảo hiểm nhóm đạt 308 tỷ đồng (tăng 14%). Chiếm thị phần doanh thu lớn nhất trên thị trường này lần lượt là Bảo Việt Nhân thọ (22,5%), Manulife (16,2%), Prudential (15,8%), Dai-ichi Life (13%) và AIA (10,1%). Tổng doanh thu phí khai thác mới trong nửa đầu năm 2024 đạt 12.064 tỷ đồng, giảm 22%. Cùng kỳ năm trước, tổng doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới ước đạt 15.508 tỷ đồng, giảm 38,2%. Về cơ cấu doanh thu theo sản phẩm, sản phẩm chiếm tỷ trọng cao nhất gồm sản phẩm bảo hiểm liên kết chung (56,8%), sản phẩm bảo hiểm hỗn hợp (16,4%). Tổng doanh thu phí khai thác qua kênh ngân hàng và các tổ chức tín dụng (bancassurance) đạt 14.003 tỷ đồng, chiếm 19,9% tổng doanh thu phí bảo hiểm toàn thị trường.

Theo các chuyên gia nhận định, tình hình kinh tế khó khăn chung và sự giảm mạnh trong việc tuyển dụng đại lý mới chính là những nguyên nhân chủ yếu khiến cho doanh thu phí bảo hiểm khai thác mới chưa được như kỳ vọng. Theo IAV, số lượng đại lý mới tuyển dụng trong 6 tháng đầu năm 2024 là 52.050 đại lý, giảm 33,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến cuối tháng 6/2024, tổng số lượng đại lý có mặt trên thị trường là 686.147 đại lý, giảm 14,8% so với cùng kỳ. Trước thực trạng này, IAV đã có kiến nghị Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) xem xét tháo các gỡ vướng mắc trong thủ tục chuyển đổi chứng chỉ đại lý bảo hiểm, đồng thời tăng thêm các địa điểm và tần suất tổ chức các kỳ thi cấp chứng chỉ này...

Trong khi tăng trưởng doanh thu phí bảo hiệm khai thác mới vẫn chưa thể phục hồi so với trước thì tổng mức trách nhiệm của các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ trong 6 tháng đầu năm cũng có xu hướng giảm so với cùng kỳ, xuống còn 7.706 nghìn tỷ đồng (giảm 6%). Trong đó, mức trách nhiệm của các sản phẩm chính đạt 5.117 nghìn tỷ đồng (giảm 6%) và mức trách nhiệm của các sản phẩm phụ đạt 2.590 nghìn tỷ đồng (giảm 4%). Tổng mức trách nhiệm của các sản phẩm bảo hiểm cá nhân đạt 7.626 nghìn tỷ đồng (giảm 6%) và các sản phẩm bảo hiểm nhóm đạt 80 nghìn tỷ đồng (tăng 5,4%). Tổng mức trách nhiệm bảo hiểm tương ứng số tiền bảo hiểm mà doanh nghiệp sẽ chi trả/bồi thường cho khách hàng khi sự kiện bảo hiểm xảy ra đang giảm, trong khi tình hình lạm phát chi phí, y tế ngày càng tăng cho thấy sự thiếu hụt trong việc bảo vệ tài chính cho người dân, nghĩa là người dân đang không có đủ kế hoạch bảo vệ sức khoẻ và tài chính dự phòng trước các rủi ro về sức khoẻ, bệnh hiểm nghèo, thương tật, tổn thất tài sản…

Tính đến thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp nhân thọ có tổng mức trách nhiệm cao trên thị trường là Dai-ichi Life (1.736 nghìn tỷ đồng), Manulife (1.075 nghìn tỷ đồng), Prudential (974 nghìn tỷ đồng), AIA (862 nghìn tỷ đồng) và Bảo Việt Nhân thọ (755 nghìn tỷ đồng).

Top 5 doanh nghiệp có thu bán mới cao nhất thị trường

Theo số liệu của IAV, top 5 doanh nghiệp có mức phí bảo hiểm khai thác mới trong 6 tháng đầu năm 2024 là Prudential với 1.996 tỷ đồng, tiếp theo là Bảo Việt Nhân thọ với 1.957 tỷ đồng, Dai-ichi Life là 1.798 tỷ đồng, Manulife là 1.224 tỷ đồng và FWD là 770 tỷ đồng. Có thể thấy, bên cạnh những “ông lớn” đã có danh tiếng trên thị trường, top 5 năm nay đã xuất hiện cái tên mới là FWD.

Ngay từ đầu năm, doanh nghiệp này đã liên tục cho ra mắt nhiều tính năng mới nhằm nâng cao chất lượng tư vấn, chăm sóc khách hàng, nhằm thu hút thêm nhiều đối tượng khách hàng tiềm năng, bao gồm: chú thích thuật ngữ bảo hiểm tức thời trên website Công ty hay quy trình tư vấn bảo hiểm mới với 2 tính năng Định danh tư vấn tài chính qua mẫu giọng nói và Ghi âm nội dung buổi tư vấn giữa tư vấn viên và khách hàng… Nhờ đó, FWD đã thành công “ghi điểm”, tạo sự tín nhiệm cho khách hàng. Bên cạnh đó, những cải tiến này còn giúp đội ngũ đại lý có cơ hội phát triển chuyên môn, nghiệp vụ và xây dựng phong cách làm việc chuyên nghiệp hơn.

Trong cuộc đua cạnh tranh giữa các thương hiệu, Manulife Việt Nam cũng vừa cho ra mắt ứng dụng mang tên Manulife Vietnam nhằm giúp khách hàng dễ dàng quản lý và tra cứu thông tin hợp đồng bảo hiểm trên các thiết bị di động. Lãnh đạo doanh nghiệp này cho biết, ứng dụng sẽ còn được cập nhật thêm nhiều tính năng mới như tích hợp thẻ bảo lãnh viện phí, bổ sung tính năng tìm bệnh viện, phòng khám…

Trong khi đó, AIA Việt Nam đẩy mạnh áp dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong thẩm định bồi thường, từ đó đảm bảo chính xác và khách hàng có thể nhận tiền trong vòng 10 phút đối với những trường hợp thỏa mãn điều kiện của AI và hợp đồng bảo hiểm. Đại diện AIA Việt Nam chia sẻ: “Trong 2 năm qua, 70% các yêu cầu chi trả quyền lợi bảo hiểm được giải quyết ngay lập tức và tỷ lệ thành công trong ngày đạt 81%. Chúng tôi ưu tiên trải nghiệm của khách hàng qua việc tập trung vào công nghệ, đơn giản hóa quy trình và tối ưu hóa nguồn lực để phục vụ các yêu cầu tốt nhất”.

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/da-giam-bao-hiem-nhan-tho-dang-chung-lai-a167842.html