Tình người sau bão lũ: Những “phi vụ giải cứu” hàng trăm tỷ đồng

Khoảng 1.000 tấn cá lồng đã được người dân Hải Dương “giải cứu” thành công. Tổng hợp sơ bộ từ MTTQ huyện Nam Sách, ước tính tổng thiệt hại do bão số 3 trên toàn địa bàn huyện là hơn 698,89 tỷ đồng.

Hải Dương tiêu thụ hàng nghìn tấn cá lồng

Chiều 13/9/2024, thành phố Hà Nội đã có lệnh rút báo động lũ do mực nước sông Hồng đã xuống dưới báo động 1. Tuy nhiên, ở những nhánh phụ của sông Hồng như sông Cà Lồ, sông Thái Bình, sông Cầu… bà con nông dân vẫn đang chịu những thiệt hại hết sức nặng nề do bão gây ra.

Trên nhánh khu vực sông Thái Bình và sông Kinh Thầy chảy qua, huyện Nam Sách được coi là vựa cá lồng lớn nhất khu vực miền Bắc. Do ảnh hưởng của bão số 3, nước lũ dâng cao kéo theo bùn đất, cành cây, rác thải… làm rách lưới của lồng cá khiến cá thoát ra ngoài, nguy cơ thất thoát lượng lớn cá lồng. Các lồng cá có hiện tượng bị chìm, trôi và bục, nguy cơ chết nhiều cá.

Tổng hợp sơ bộ từ MTTQ huyện Nam Sách, ước tính tổng thiệt hại do bão số 3 trên toàn địa bàn huyện là hơn 698,89 tỷ đồng. Đặc biệt, có 144 lồng cá bị trôi, chìm thiệt hại hoàn toàn; 2.656 lồng bị thiệt hại từ 30%-50%. Ước giá trị thiệt hại của cá lồng là 337,6 tỷ đồng.

Tình người sau bão lũ: Những “phi vụ giải cứu” hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 1.

Người dân Hải Dương hỗ trợ "giải cứu" hàng nghìn tấn cá lồng (Ảnh: NVCC).

Cùng với cá lồng, MTTQ huyện Nam Sách đã phối hợp cùng nhiều đoàn thể để "giải cứu" nông thủy sản trên địa bàn huyện. 

Trao đổi với Người Đưa Tin, chị Phương Nga - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Nam Sách chia sẻ khi chứng kiến nhiều hộ dân bị thiệt hại do cơn bão số 3 gây ra, nhất là các hộ nuôi cá lồng trên sông, nhiều hộ có nguy cơ mất trắng... chị đã cùng với các đoàn thể chính trị - xã hội huyện kết nối với các hộ nuôi cá để chung tay chia sẻ, hỗ trợ công tác “giải cứu” cá lồng ở mức cao nhất có thể.

Kể về kỷ niệm đáng nhớ, chị Nga bồi hồi nhắc lại: “Có hôm cá được chở về điểm tập kết muộn, gần 11h trưa với số lượng là 1 tấn cá. Đến hơn 12h còn khoảng hơn 3 tạ khiến anh chị em rất lo lắng.

Trả lại thì không đành mà để cá đến chiều thì bị hỏng. Cuối cùng, mọi người tìm ra giải pháp là hỗ trợ làm sạch trực tiếp và bán cá. Tất cả thành viên trong nhóm giải cứu tuyên truyền, kêu gọi trên các trang Zalo, Facebook cá nhân để bán. Rất may chỉ sau 1 tiếng, cả nhóm giải cứu được hết số cá”.

Tình người sau bão lũ: Những “phi vụ giải cứu” hàng trăm tỷ đồng- Ảnh 2.

Chị Phương Nga - Phó Chủ tịch MTTQ huyện Nam Sách chia sẻ kỷ niệm khi "giải cứu" cá lồng.

Cho đến hiện tại, các hoạt động "giải cứu" ở toàn huyện vẫn đang được nhiều đơn vị, đoàn thể và doanh nghiệp khác nhau. Theo đó, khoảng 1.000 tấn cá lồng đã được người dân Hải Dương “giải cứu” thành công. Hơn ai hết, họ là những người hiểu rõ nhất sự mất mát, những tổn thất nặng nề của người Nam Sách trên chính mảnh đất "ruột thịt".

Giá bán cá dao động từ 25 – 35.000đ/kg, chỉ bằng 1/3 so với bình thường. Chủ yếu là cá trắm và chép giòn. Có người 1 con cá, có người 5-7 con… cứ thế mà hàng nghìn tấn cá được tiêu thụ hết. Trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, tình người vẫn “nảy nở” và đẹp đẽ như vậy.

8000 con lợn được “giải cứu” tại Sóc Sơn

Trên mạng xã hội gần đây, video phát trực tiếp về việc “giải cứu” đàn lợn của chủ tài khoản Facebook Tiến Thịnh tại xã Bắc Sơn, huyện Sóc Sơn đã nhận được hàng chục nghìn lượt chia sẻ. Dưới phần bình luận, hàng nghìn tài khoản bày tỏ xót xa và ngỏ ý hỗ trợ "giải cứu" đàn lợn của bà con nông dân.

Cũng là người dân tại xã Bắc Sơn, anh Thịnh chia sẻ mỗi trại lợn ở địa bàn có khoảng 1.000 con, riêng 3 trại lớn nhất bị ngập úng có số lượng khoảng 13.000 con.

Theo đó, mấy ngày ngập sâu vừa rồi, chủ các trang trại cùng bà con nông dân, đoàn thể và tình nguyện đã tập trung cho các đàn lợn lên đồi tránh lũ. Để giảm bớt thiệt hại, các hộ gia đình chăn nuôi đã phải bán bớt số lợn hiện tại, ước tính khoảng 8.000 con đã được  cho thương lái và người dân lân cận.

Video "giải cứu" lợn được phát trên tài khoản Facebook Tiến Thịnh (Nguồn: NVCC).

“3 xe trung chuyển của tôi luôn hoạt động 24/24 và hỗ trợ bà con bán được khoảng 2.000 con lợn. Ngoài ra, tôi cũng thuê thuyền xuồng, calo để vận chuyển giúp người dân. Sau đợt nhập lũ vừa rồi, bà con nhân dân đã bị thiệt hại nặng nề về kinh tế nhưng mọi người vẫn cố gắng khắc phục lại những mất mát đã qua”, chủ tài khoản Facebook Tiến Thịnh chia sẻ.

Từ thiện mùa lũ: Cần một trái tim ấm và cái đầu lạnhHà Nội: Rút lệnh báo động lũ cấp 2 trên sông Hồng, sông Đuống

Ước tính tổng thiệt hại từ các trang trại của các chủ trại khoảng mấy chục tỷ đồng, anh Đô - 1 trong 3 chủ trại lớn nhất cũng đã chia sẻ: “Hiện tại, điều quan trọng nhất vẫn là con người, còn người là còn của. Sau trận lụt này, tôi sẽ cố gắng chăm sóc những đàn lợn còn lại cho tốt để có thể bán với giá cao hơn. Hy vọng chính quyền địa phương cùng các nhà đầu tư sẽ có giải pháp hỗ trợ người dân vượt qua giai đoạn khó khăn này”.

Dù là người chịu thiệt hại nặng nề nhất, ý chí và niềm hy vọng vào tương lai tốt đẹp hơn của chủ trại chính là thứ không thể dập tắt. Bằng sự hỗ trợ của người dân cũng như các đoàn thể, chính quyền địa phương, hy vọng bà con miền Bắc sẽ sớm vượt qua giai đoạn khó khăn và sớm ổn định lại cuộc sống. 

Thanh Loan

Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/tinh-nguoi-sau-bao-lu-nhung-phi-vu-giai-cuu-hang-tram-ty-dong-a167272.html