Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Tết Trung thu, tôi lại ghé ngôi nhà nhỏ nằm cuối ngõ đường Lý Tự Trọng (Tp.Hà Tĩnh) của ông Trương Viết Dũng (SN 1950). Ông là một trong những nghệ nhân cuối cùng của nghề làm đèn Trung thu truyền thống ở thành phố này.
Đối với thế hệ 8x như tôi, kí ức về đêm Rằm Trung thu chính là những chiếc đèn ông sao bằng giấy màu óng ánh. Tôi và các chị sẽ được mẹ mua cho những chiếc đèn ông sao nhiều màu sắc cùng nến để thắp khi đi rước đèn.
Ánh trăng tuổi thơ đêm Rằm Trung thu trong mắt tôi sáng vằng vặc. Tôi cùng những đứa trẻ trong làng sẽ mặc những bộ quần áo đẹp nhất, cầm đèn ông sao trên tay hoà cùng tiếng nhạc rước đèn: "Tùng dinh dinh cắc tùng dinh dinh dinh/Rước vui theo trăng rồi phá cỗ linh đình/Kìa ông trăng thanh lướt trời mây bao la/Ánh trăng vàng tươi càng thêm sáng sân nhà…"
Chúng tôi hồ hởi rước đèn từ làng trên xuống ngõ dưới và trở về nhà văn hoá để phá cỗ. Những chiếc cỗ la liệt kẹo bánh, hoa quả khiến những đứa trẻ như chúng tôi vô cùng thích thú…
"Cháu xem chiếc đèn này ông làm có đẹp không?" - tiếng ông Dũng cắt ngang dòng kí ức đang lung linh trong đầu tôi.
"Ôi! Thật là đẹp ông ạ!"
Ông Dũng cười hiền khi nghe tiếng reo của tôi. Ánh mắt người nghệ nhân già ánh lên niềm vui khó tả. Nhiều năm qua, ông Dũng đã gửi hồn mình trong những chiếc đèn lồng với tình yêu giản dị như vậy.
Từng tham gia quân đội, khi giải ngũ, ông bén duyên với công việc làm đèn trung thu thủ công, truyền thống, đến nay đã hơn 3 thập kỷ gắn bó với nghề. Ông chia sẻ, trước đây, trẻ em rất thích rước đèn trung thu phá cỗ, nhưng khi đồ chơi điện tử du nhập, nghề làm đèn dần mai một. Ông Dũng vẫn giữ nghề là để lưu giữ nét đẹp truyền thống cho các thế hệ sau này.
Để hoàn thiện được một chiếc đèn ông sao phải trải qua rất nhiều công đoạn như vót tre, dựng khung, cắt dán giấy trang trí. Những chiếc đèn trung thu hình con thỏ, cá chép, đèn ông sao,… đều được người thợ già cắt ghép, làm thủ công.
"Đèn ông sao thường được làm bằng những nguyên liệu tinh khiết, khi dán phải đóng kín cửa phòng, nếu để gió thổi vào thì tấm nilon sẽ không thể kéo căng. Điều quan trọng nhất khi làm đèn ngôi sao là phải có hình Bác Hồ dán ở giữa mới ý nghĩa", ông Dũng chia sẻ.
Đối với các loại đèn hình thù linh vật, ông Dũng sử dụng nguyên liệu là những thứ bỏ đi như: ống hút nhựa, vỏ hộp bánh, nắp chai, hộp nhựa cũ… Tuy những nguyên liệu này dễ kiếm nhưng để khi cắt ghép rồi dán thành hình dạng con vật thì cần rất nhiều thời gian. Ngoài việc tạo không khí trung thu cho thiếu nhi, qua chiếc đèn, ông còn muốn nhắn nhủ tới các cháu ý thức bảo vệ môi trường, tái chế đồ cũ.
Theo ông Dũng, trong chiếc đèn ông sao hay đèn các linh vật tuy bên ngoài khác nhau nhưng bộ khung bên trong phải làm bằng tre, nứa – đây là nguyên liệu cốt yếu của đèn Trung thu truyền thống. Tạo hình bộ khung cũng là bước quan trọng để khi dán giấy vào sẽ ra hình thù chiếc đèn như ý muốn.
Khách hàng của ông Dũng chủ yếu là các cơ quan, ban, ngành, công ty, trường học, gia đình. Họ thường đặt đèn theo kích thước, hình thù và lấy hàng trước ngày 15/8 (Âm lịch).
"Đèn Trung thu của ông Dũng làm rất tỉ mỷ, mua 1 cái có thể cất dùng được nhiều năm. Tôi cũng từng qua học ông Dũng cách làm đèn nhưng chịu thua. Ngoài kỹ năng ra thì nghề này đòi hỏi sự tỷ mỉ trong khâu cắt dán, tạo hình các con vật", ông Nguyễn Tường Kỷ (trú phường Thạch Qúy, Tp.Hà Tĩnh) - một người khách đến mua đèn nói.
Mỗi chiếc đèn Trung thu hình linh vật cỡ lớn, dài 1,5m được ông Dũng bán với giá 600.000-800.000 đồng; loại dài 1,2m có giá 400.000 đồng. Còn đèn ông sao loại nhỏ cầm tay có giá 100.000 đồng, loại lớn thì tùy theo yêu cầu của khách hàng.
"Đã có nhiều lần người nhà bảo tôi nên nghỉ ngơi vì tuổi già. Tuy nhiên, tôi gắn bó với nghề này không phải vì tiền mà vì muốn nhìn thấy các cháu nhỏ được đón Tết Trung thu, rước đèn phá cỗ đúng nghĩa truyền thống người Việt", ông Dũng bày tỏ.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ki-uc-trung-thu-trong-nhung-chiec-den-long-a167249.html