Tiềm năng và thách thức
Thị trường ô tô "xanh" tại Việt Nam đang dần nổi lên như một xu hướng tất yếu. Trong buổi hội thảo “Giảm phát thải ngành ô tô: Nhiều lối đi - Một đích đến” do Báo Đầu tư tổ chức vào ngày 29/8, các chuyên gia đã nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc chuyển đổi từ sản xuất ô tô động cơ đốt trong sang xe thuần điện.
Ông Lê Trọng Minh, Tổng Biên tập Báo Đầu tư đã chỉ ra rằng, việc chuyển đổi này không chỉ là xu hướng chung của thế giới mà còn là nhiệm vụ cấp bách đối với Việt Nam nếu muốn đạt được mục tiêu Net Zero vào năm 2050 mà Chính phủ đã cam kết với cộng đồng quốc tế.
Có thể thấy, với 6,5 triệu ô tô và 74 triệu xe máy, Việt Nam là một trong những quốc gia phát thải khí nhà kính thông qua vận tải đường bộ, cao thứ nhì Đông Nam Á, sau Indonesia. Tốc độ tăng phát thải bằng phương tiện đường bộ tăng rất nhanh (khoảng 15%/năm) trong khi các nước đã và đang tìm mọi cách để cắt giảm phát thải khí nhà kính.
Theo ông Lê Trọng Minh, Việt Nam với dân số lớn, nền kinh tế đang tăng trưởng ổn định và dư địa phát triển ngành ô tô còn rộng mở, có thể tận dụng cơ hội này để phát triển xe điện. Sự chuyển đổi sang xe điện sẽ không gặp phải những thách thức lớn như ở các quốc gia có ngành công nghiệp ô tô lâu đời và đây là thời điểm thích hợp để Việt Nam thực hiện những bước đi quyết liệt, hướng tới một nền kinh tế xanh hơn.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cũng chỉ ra rằng, Việt Nam có một thị trường lớn để có thể phát triển ô tô điện và xe máy điện, đồng thời cũng có nguồn tài nguyên đất hiếm để sản xuất pin. Tuy nhiên, nhà nước và doanh nghiệp cần phải có chính sách và chiến lược phát triển dài hạn để làm giảm phát thải khí nhà kính, vừa phát triển ngành công nghiệp cơ khí chế tạo hùng mạnh, ứng dụng được cho cả tiêu dùng vận tải, vận chuyển và quốc phòng.
Để thực hiện được mục tiêu này, Việt Nam cần có những chính sách và hành động cụ thể từ chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp. Bởi quá trình chuyển đổi sang xe điện không chỉ là trách nhiệm của ngành giao thông vận tải mà còn cần sự phối hợp của nhiều ngành như công thương, xây dựng, tài chính, cùng với sự tham gia tích cực của các doanh nghiệp.
Một trong những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của xe điện là hạ tầng sạc và nguồn năng lượng tái tạo. Theo ước tính của Bộ phận Nghiên cứu toàn cầu HSBC, Việt Nam cần đầu tư khoảng 12,3 tỷ USD trong giai đoạn 2024 - 2040 để lắp đặt đủ hạ tầng sạc xe điện và công suất phát điện tái tạo đủ cho lượng xe điện mới. Đây là một con số đáng kể, nhưng là cần thiết để tạo ra một hệ sinh thái hỗ trợ xe điện.
Bên cạnh đó, Chính phủ cần hỗ trợ ngành sản xuất ô tô "xanh" bằng một số giải pháp khác như: giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT, phí cầu đường, hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các trạm sạc điện để đảm bảo doanh nghiệp có thể phát triển trạm sạc ở nhiều nơi với địa điểm thuận tiện cùng chi phí thấp nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp ô tô điện giảm thiểu được chi phí trạm sạc, duy tu, bảo trì sửa chữa pin, đào tạo nhân lực…
Ngoài ra, việc tiếp cận nguồn vốn xanh từ các tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò quan trọng. Tuy nhiên, không phải doanh nghiệp nào cũng đủ điều kiện để tiếp cận nguồn vốn này. Ông Đỗ Lê Ninh, đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, mặc dù ADB đặt mục tiêu tài trợ 100 tỷ USD cho các hoạt động giảm khí thải carbon tại Việt Nam, nhưng đến nay, ADB mới chỉ tài trợ một dự án duy nhất trong lĩnh vực xe điện, đó là gói tài chính khí hậu trị giá 135 triệu USD để hỗ trợ VinFast.
Cơ hội từ hỗ trợ tài chính
“Để phát triển được ô tô điện, khó khăn lớn nhất hiện nay là nguồn vốn. Đầu tư sản xuất ô tô điện cần tới hàng tỷ USD với lãi vay thấp và kỳ hạn vay dài cho một lần đầu tư. Đây là thách thức lớn của các doanh nghiệp ô tô ở Việt Nam”, TS Lê Xuân Nghĩa nhận xét.
Theo chuyên gia này, một số quốc gia trong giai đoạn đầu phát triển công nghiệp ô tô thường duy trì hệ thống ngân hàng lớn đủ tiềm lực tài chính để tài trợ cho phát triển công nghiệp nặng, hoặc Chính phủ sẽ đứng ra bảo lãnh cho các doanh nghiệp vay bên ngoài để phát triển.
Bên cạnh nguồn vốn quốc tế, các ngân hàng trong nước cũng đang đẩy mạnh cho vay ưu đãi cho các dự án liên quan đến ô tô xanh. Nhiều ngân hàng đã tung ra các gói tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi dành cho các dự án phát triển bền vững, bao gồm cả xe điện và ô tô hybrid. Các ngân hàng như Vietcombank, BIDV và Techcombank đang cung cấp các gói vay ưu đãi với lãi suất hấp dẫn để khuyến khích người tiêu dùng chuyển sang sử dụng xe điện.
Thực tế, sự tăng trưởng của mảng ô tô điện đã góp phần vào doanh số cho vay của nhiều ngân hàng. Tại Techcombank, dư nợ cho vay mua ô tô và xe máy đã tăng vọt 31,4% trong năm 2023 nhờ sự phát triển của xe điện. Tương tự, tại MB, tín dụng lĩnh vực ô tô, xe máy tăng 45% và trở thành một trong những lĩnh vực cho vay chủ chốt.
Dù vậy, việc tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng vẫn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh xe điện và hạ tầng trạm sạc. Ngành công nghiệp này đòi hỏi vốn đầu tư lớn và thời gian cho vay dài, trong khi rủi ro thị trường lại cao. Do đó, nhiều ngân hàng vẫn còn e ngại khi đầu tư vào các dự án này.
Bên cạnh đó, việc hình thành "quỹ tài chính xanh" cũng được xem là một giải pháp cần thiết để hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành xe điện. Quỹ này không chỉ giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận nguồn vốn mà còn tạo ra môi trường đầu tư minh bạch và hiệu quả, giúp ngành công nghiệp xe điện phát triển bền vững.
Ông Vũ Đức Công, quản lý cơ sở hạ tầng và cố vấn chính sách cấp cao, Đại sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết, hiện nguồn tài chính xanh trên thế giới rất nhiều, nhưng để kêu gọi được nguồn vốn xanh, vấn đề then chốt là phải xây dựng được các đề án, dự án chất lượng.
“Cơ hội để gọi vốn quốc tế rất nhiều, song thách thức cũng không ít. Nếu chúng ta chuẩn bị dự án sơ sài, thì không thể đáp ứng được tiêu chuẩn quốc tế để huy động vốn. Hiện Chính phủ Australia có nguồn tài trợ khoảng 2 tỷ USD thông qua chiến lược phát triển tại ASEAN, song câu hỏi đặt ra là các doanh nghiệp Việt có đủ niềm tin và có chuẩn bị được một dự án khả thi để tiếp cận nguồn tài trợ này hay không?. Nếu không thu hút được, nguồn tài trợ này sẽ chảy sang các nước khác”, ông Công cảnh báo.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh, việc hình thành "quỹ tài chính xanh” là một giải pháp cần tính tới để giúp doanh nghiệp đầu tư "xe xanh" có thể tiếp cận tín dụng. Tất nhiên, muốn nhà tài trợ yên tâm bỏ tiền đầu tư vào quỹ thì cần có cơ chế hoạt động rõ ràng, minh bạch.
Ngoài nguồn vốn quốc tế, ngành sản xuất, tiêu dùng ô tô xanh trong nước cần có thêm trợ lực từ nguồn vốn ngân sách cũng như việc tạo ra môi trường, hệ sinh thái thuận lợi để phát triển, như hỗ trợ xây dựng hạ tầng, cung cấp nguồn điện cho trạm sạc, bảo lãnh các khoản vay, hỗ trợ lãi suất ưu đãi…
Với sự hỗ trợ tài chính từ cả trong và ngoài nước, cùng với những chính sách khuyến khích từ chính phủ, Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn lên trở thành một cường quốc sản xuất và xuất khẩu xe điện. Nếu những bước đi này được thực hiện đồng bộ và quyết liệt, trong tương lai không xa, những chiếc xe điện "Made in Vietnam" sẽ không chỉ phục vụ nhu cầu trong nước mà còn có thể chinh phục thị trường quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên bản đồ công nghiệp xe điện toàn cầu.
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/viet-nam-huong-den-vi-the-dan-dau-trong-san-xuat-va-xuat-khau-xe-dien-a165660.html