Ngày mai (5/9), các trường học khắp cả nước sẽ khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Đây là năm học đánh dấu quá trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 sẽ hoàn tất chu trình với các lớp cuối cùng của các cấp học.
Đồng thời, cũng sẽ là năm học đầu tiên Kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức theo phương án mới đáp ứng yêu cầu của đổi mới chương trình giáo dục phổ thông; chuẩn bị các điều kiện để triển khai chương trình giáo dục mầm non mới; tăng cường tự chủ đại học theo chiều sâu.
Bên cạnh những kết quả tích cực trong chặng đường đổi mới, ngành Giáo dục cũng đang phải đối mặt với không ít thách thức.
Theo số liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2023 - 2024, cả nước có 25.900 cơ sở giáo dục phổ thông, với tổng số khoảng 18,5 triệu học sinh.
Các tỉnh, thành phố đã làm tốt công tác điều tra phổ cập, dự báo được tình hình tăng, giảm học sinh tại các địa bàn, vì thế cơ bản đã đáp ứng được các điều kiện về cơ sở vật chất và giáo viên để thực hiện tổ chức dạy học đúng quy định của Chương trình.
Đáng chú ý năm học mới 2024 - 2025 là một năm học đặc biệt - năm khép kín chuỗi đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Ở năm học này, chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ được triển khai đồng loạt ở lớp 5, lớp 9 và lớp 12.
Đây cũng là năm học diễn ra kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 và tốt nghiệp trung học phổ thông đầu tiên theo chương trình giáo dục phổ thông mới 2018.
Năm nay, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu về số lượng học sinh với trên 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, hiện nay, sĩ số trung bình cấp tiểu học của toàn thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của ngành giáo dục Hà Nội để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.
Trao đổi với TTXVN ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh thông tin, năm học 2024 - 2025, toàn thành phố có trên 1,7 triệu học sinh các cấp, tăng 24.097 học sinh so với năm học trước.
Trong năm học này, thành phố dự kiến đưa vào sử dụng 23 trường học mới với gần 500 phòng học, tổng mức đầu tư hơn 2,2 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự cho năm học mới (tính đến tháng 7/2024) của thành phố là 3.522 giáo viên và 720 nhân viên.
Ngành giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh xác định năm học 2024 - 2025 sẽ tiếp tục thực hiện theo tinh thần “nhà trường là nền tảng, thầy cô là động lực, học sinh là trung tâm” để đạt được những nhiệm vụ đề ra.
Năm học mới này với chủ đề: “Đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng, đoàn kết kỷ cương”, năm học 2024 - 2025, Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ thị toàn ngành giáo dục tập trung thực hiện 12 nhóm nhiệm vụ chủ yếu.
Trong đó có các nhiệm vụ: Tiếp tục hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giáo dục. Đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng, nhất là người dân tộc thiểu số, trẻ mồ côi, người khuyết tật, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo...
Nâng cao chất lượng giáo dục các cấp. Triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông đối với các lớp, đặc biệt với các lớp 5, lớp 9, lớp 12.
Chuẩn bị tốt các điều kiện để tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2025. Tổ chức tốt Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia và tham dự các Kỳ thi Olympic Quốc tế năm 2025.
Chia sẻ với báo chí trước thềm năm học mới 2024 - 2025, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết, xác định đây năm học quan trọng, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chuẩn bị từ các năm học trước.
Đơn cử như phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 đã được xây dựng, lấy ý kiến rộng rãi và nhận được sự đồng thuận rất cao từ xã hội. Ngay sau khi phương án được ban hành, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã bắt tay vào chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025.
Dự kiến, Quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 sẽ được ban hành vào tháng 11/2024, tính ổn định lâu dài của Quy chế thi cũng đã được tính đến trong quá trình dự thảo để thuận lợi cho học sinh, giáo viên, nhà trường và địa phương trong thực hiện.
Ngoài ra, quá trình chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 cần triển khai thử trên phạm vi khá rộng để đánh giá, do đó các Sở Giáo dục và Đào tạo đã sẵn sàng phương án cho công tác này, đồng thời tập dượt, tránh những rủi ro khi triển khai kỳ thi chính thức.
"Năm nay, kế hoạch thời gian năm học và các hướng dẫn năm học mới của từng cấp học đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành từ rất sớm, trong đó đề cập cụ thể tới từng nhiệm vụ, công việc cần làm và phải làm; bao gồm 2 nhiệm vụ quan trọng là chỉ đạo triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với các lớp cuối cùng của các cấp học, chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Theo khung kế hoạch năm học 2024-2025 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, lễ khai giảng được tổ chức trong cả nước vào sáng 5/9. Các địa phương phải đảm bảo đủ 35 tuần thực học (18 tuần học kỳ I, 17 tuần học kỳ II); thực hiện các ngày nghỉ lễ, Tết theo quy định.
Trúc Chi (t/h)
Link nội dung: https://doanhnghiepcuocsong.vn/ca-nuoc-da-san-sang-cho-nam-hoc-moi-2024-2025-a165564.html